Cho đến nay, sau gần một thế kỷ, những vụ siêu lừa Ponzi vẫn thi thoảng được lặp lại mà phi vụ lớn nhất phải kể đến gần đây là vụ lừa đảo của Bernard Madoff (nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị của sàn NASDAQ) có quy mô lên tới trên 50 tỷ USD xảy ra năm 2008.
Mô hình Ponzi này gần như chỉ xuất hiện và xảy ra trong lĩnh vực tư nhân, nhưng đó là bề ngoài mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường vì đa phần chúng không phức tạp và nằm trong các mối liên kết có thể dễ dàng nhận biết được. Tuy nhiên, theo bài viết vừa đăng trên tờ Project Syndicate của tác giả Koichi Hamada (cố vấn kinh tế đặc biệt cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và cũng là giáo sư tại ĐH Yale), không nhiều người biết rằng trong lĩnh vực công, ở cả những nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Nhật Bản, cũng tồn tại mô hình kiểu Ponzi này.
Trong lĩnh vực công sẽ khó nhận ra hơn rất nhiều do tính vĩ mô và hai nữa là chúng hợp pháp. Thử tưởng tượng, chính phủ đang phải duy trì cả khối tháp là nền kinh tế, và nếu không cẩn thận, khối tháp này sẽ sụp đổ - nền kinh tế sụp đổ, những thành phần kinh tế sụp đổ thì chính phủ tất yếu sẽ sụp đổ. Chính phủ ở mặt nào đó, giống với Charles Ponzi, đang đứng trên đỉnh ngọn tháp và có nhiệm vụ duy trì cho những người dân, thành phần kinh tế ở phía dưới họ một cuộc sống tốt từ tiền thuế của người dân đã trả cho chính phủ.
Tuy nhiên thực tế cho thấy là cho dù có thể duy trì mô hình Ponzi (trong lĩnh vực công) trong một thời gian dài, thậm chí rất dài thì cũng không thể xem mô hình này là một mô hình hoàn hảo. Nợ công chính là khoản mà chính phủ phải trả để duy trì mô hình Ponzi của mình. Nếu nợ công quá lớn sẽ kìm chặt nền kinh tế của một quốc gia, khiến quốc gia đó và các thành phần trong đó dễ bị tổn thương trước những cú sốc, khủng hoảng. Vì lý do này mà nhiều nhà phân tích đã kêu gọi các chính phủ thắt chặt hơn nữa các quy định, luật pháp trong quy trình quản lý nợ công sao cho tương đồng hơn với quy trình quản lý nợ của lĩnh vực tư nhân – vốn chặt chẽ và khắt khe hơn nhiều.
Ở Mỹ, năm 2013 các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã quyết định ưu tiên hàng đầu của họ là đưa mức trần nợ công của Mỹ giảm xuống. Kết quả là họ đã ngăn cản thành công quốc hội Mỹ thông qua ngân sách Liên bang, khiến cho chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong 2 tuần vì hết tiền hoạt động trong tháng 10/2013.
Việc giảm nợ công không dễ, không chỉ đơn giản là cắt giảm đi vay. Điều hành một nền kinh tế đang trong guồng quay cũng giống như đang lái xe ở tốc độ cao và cũng giống như đột nhiên chuyển hướng chiếc xe ở tốc độ cao sẽ rất nguy hiểm, chính phủ trong vai trò người điều khiển xe sẽ không thể đột nhiên dừng tất cả các khoản vay. Một nền kinh tế đang vận hành trơn tru cũng không được các nhà đầu tư quốc tế chấp nhận xóa nợ chỉ vì nó đang ở mức cao.
Để đảm bảo, duy trì uy tín của mình trên thị trường nợ quốc tế để có thể tiếp cận các khoản vay sau này một cách thuận tiện, cách duy nhất mà gần như mọi chính phủ đang áp dụng để giảm nợ công đó là tìm cách giảm thâm hụt ngân sách dần dần hay đó cũng chính là cách để duy trì quyền lực của một chính phủ.
Không ai khác, chính chính phủ Nhật Bản là những người hiểu thấu vấn đề này nhất. Với mức nợ công trên 200% GDP còn nợ ròng (= nợ công trừ tổng các khoản cho vay ra nước ngoài của Nhật Bản) khoảng 130% GDP - cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới, Nhật đang buộc phải phân bổ một phần lớn trong ngân sách chi tiêu chính phủ hàng năm để phục vụ chi trả các khoản nợ, lãi vay đáo hạn. Nhờ có mặt bằng lãi suất rất thấp (thậm chí âm), Nhật Bản đã tiết kiệm được khoản lớn. Tuy nhiên gánh nặng chi trả nợ vẫn khá lớn, chiếm tới 22% tổng ngân sách chính phủ trong năm tài khóa 2015. Rõ ràng, Nhật Bản đang chịu áp lực buộc phải giảm gánh nặng nợ rất rất lớn.
Trong điều kiện bình thường, ổn định thì mối đe dọa này có thể không lớn lắm đối với kinh tế và chính phủ Nhật. Nhưng trong bối cảnh hiện tại thì áp lực lại đang rất rất lớn do sự mong manh của nền kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, cùng với các mối đe dọa đến từ thị trường EU sau Brexit.
Những bất ổn này tạo ra nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu và tất nhiên nguy cơ với chính Nhật Bản – một trong những nước nặng nợ nhất thế giới. Hơn nữa, giá dầu thô giảm tuy có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản (một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới) nhưng lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới từ đó ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Bên cạnh đó còn là lập trường sẵn sàng đảo ngược lộ trình nâng lãi suất của Fed - điều chắc chắn sẽ đe dọa tới triển vọng tỷ giá thấp hơn cho đồng Yên, khiến các nhà sản xuất Nhật Bản mất đi lợi thế cạnh tranh ít nhất là trước các đối thủ Mỹ (đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nhật Bản). Yên Nhật đã tăng mạnh từ đầu năm tới nay, sau chính sách lãi suất âm của BOJ và kết quả trưng cầu Brexit mới đây của Anh. Những thay đổi này đã và đang tác động tiêu cực tới kinh tế và thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng như áp lực nợ của nước này.
Đứng trước tình cảnh này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi đầu tháng 6 đã phải đưa ra một quyết định quan trọng về việc có nên thông qua kế hoạch tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% lên 10% vốn đã được lên kế hoạch từ trước hay không. Ông Abe đã cam kết không lùi lại lộ trình nhưng cuối cùng đã dừng kế hoạch tăng thuế này trong ít nhất 2 năm nữa. Mục tiêu ban đầu là để bù đắp ngân sách chính phủ hàng năm, lấp bớt khoảng trống thâm hụt hay chi trả một phần nợ công chính phủ nhưng trong bối cảnh hiện nay tăng thuế tiêu dùng sẽ làm sụt giảm tiêu dùng trong nền kinh tế Nhật và còn đem lại nhiều rủi ro hơn so với những rủi ro từ thâm hụt ngân sách.
Kể từ khi ông Abe tung ra kế hoạch tái thiết kinh tế 3 điểm (còn gọi là Abenomics) vào năm 2011, thu ngân sách của chính phủ Nhật đã tăng được khoảng 12 nghìn tỷ Yên (tương đương 115 tỷ USD). Thị trường lao động hiện nay cũng đang ở tình trạng tốt nhất trong nhiều năm qua, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ hơn 3% - thấp nhất trong 21 năm và tỷ lệ việc làm có sẵn trên số đơn xin việc tăng lên mức cao nhất kể từ 2006 lên mức 2,09 điểm (tức là người xin việc luôn có khả năng tìm được công việc khá nhanh).
Duy chỉ có hoạt động tiêu dùng trong dân vẫn khá yếu mà một phần đó là do mức đãi ngộ của lao động Nhật không cải thiện nhiều. Do đó ông Abe hiểu rằng việc tăng thuế tiêu dùng, một mặt nào đó giúp giảm áp lực nợ công nhưng nó sẽ khiến hiệu quả của chính sách Abenomics bị suy giảm đáng kể.
Việc công bố quyết định trì hoãn tăng thuế tiêu thụ của ông Abe đã nhận được những phản ứng tích cực của thị trường. Nhà đầu tư đẩy giá các loại trái phiếu chính phủ Nhật tăng lên đáng kể vì họ cho rằng tính rủi ro của những loại trái phiếu này đã giảm đi đáng kể sau quyết định hoãn tăng thuế. Có vẻ cũng như Thủ tướng Abe, thị trường đã nhận ra sự cần thiết phải cân bằng giữa sự cấp thiết của giảm nợ công với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo Trí thức trẻ/Project Syndicate
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 168
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 166
Hôm nay : 35674
Tháng hiện tại : 593502
Tổng lượt truy cập : 50012136