18:47 +07 Thứ năm, 19/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Nội dung phiên thảo luận chuyên đề 4: Các giải pháp liên kết phát triển TP.HCM – ĐBSCL

Thứ hai - 07/02/2022 08:48
Thời gian: 13g30-15g30, Ngày 17/12/2021. Tại Hội trường Thống nhất TP.HCM
Chủ trì: Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở công thương TP.HCM
Thành phần diễn giả:
1/ Ông Phan Chánh Dưỡng – Chuyên gia kinh tế
2/ Bà Đỗ Thu Hường – Phó Giám đốc Marketing TCT Tân cảng Sài Gòn
3/ Nhà đầu tư nông nghiệp Phan Minh Thông – Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh
4/ Doanh nhân Nguyễn Đình Tùng – Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả VN, Tổng Giám đốc Vina T&T
5/ TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM (Tham dự qua Zoom)
Điều phối: Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ
Thư ký: Hồ Đức Minh
Ông Phương Lam mở đề: ĐBSCL trong thập niên qua đang đứng trước thách thức lớn từ bên ngoài lẫn nội tại: Biến đổi khí hậu, hạn mặn, sạt lở, ô nhiễm môi trường, ngập lụt… Ai đã sống ở Miền Tây sẽ thấy cảnh này diễn ra hàng ngày. Bên trong thì tăng trưởng giảm sút, năng lực cạnh tranh của DN không cao, cấu trúc kinh tế chưa ổn định, chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng suất lao động thấp, di dân gia tăng… Nhiều điểm nghẽn như chúng ta đã biết thiếu quy hoạch đồng bộ, Logistic yếu kém đã làm giảm sức cạnh tranh của vùng. Nhiều chuyên gia cho rằng cấu trúc thể chế không đáp ứng được dẫn đến manh mún trong nội vùng, càng ngày càng thể hiện rõ. Vậy làm sao để liên kết?
Xin được mời TS Vũ Thành Tự Anh – người là kinh tế trưởng của báo cáo Nghiên cứu về ĐBSCL của Fulbrigh và VCCI – nêu ý kiến.
TS Vũ Thành Tự Anh: Chúng tôi nhận thấy qua báo cáo kinh tế thường niên năm 2020 và những năm trước, các khuôn khổ thể chế  hành chính không những không khuyến khích, không hỗ trợ liên kết vùng mà còn là sự chia cắt. Ví dụ vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với 4 tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ lại có Long An, Tiền Giang. Như vậy nội tại ĐBSCL đã bị chia cắt, cạnh đó hệ thống chỉ số kinh tế cũng chọn địa phương là đơn vị tính toán các chỉ số quan trọng như GDP. Các địa phương đua nhau về thành tích là GDP, thành tích FDI, xuất nhập khẩu…
Chính vì vậy tỉnh nào cũng lo cho mình như vậy, nên không quan tâm đến thành quả kinh tế các tỉnh xung quanh, của vùng, đặt mình vào thế cạnh tranh nhiều hơn hợp tác, đặc biệt là kinh tế. Trong khi thách thức lại là thách thức của cả vùng: biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng và số lượng nước, tài khóa xóa đói giảm nghèo, như tạo công ăn việc làm cho lao động Đồng bằng (ĐB). Và đại dịch vừa rồi cho thấy hàng triệu người đã bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Thách thức thì chung mà hợp tác lại hạn chế, tất cả các cơ chế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trước đây đến vùng kinh tế trọng điểm hiện nay vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra.
Theo tôi có 3 công cụ quan trọng tạo ra sự hợp tác vùng. Đầu tiên là quy hoạch. Trong 2 năm qua Bộ KH-ĐT phối hợp với các địa phương có quy hoạch đầu tiên của vùng nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua. Một điểm quan trọng hơn là quy hoạch này không nói lên tiếng nói của 13 tỉnh thành địa phương và cộng đồng DN nên vẫn là quan điểm từ bên ngoài áp đặt vào chứ không phải của các tỉnh. Công cụ thứ 2 là các chi tiêu công đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì không có cơ sở hạ tầng thì không thể kết nối được các hoạt động kinh doanh – sản xuất. Các cơ sở hạ tầng lớn của ĐBSCL còn nằm trên giấy – sân bay, cảng biển, đường giao thông… – nhữn hợp phần tạo 1 thể thống nhất của nền kinh tế ĐB – thì rất khó cho hoạt động liên kết có tính thị trường được thực hiện. Cản trở thứ 3 là cơ chế tài khoá, đầu tư trung và dài hạn, tỉnh nào cũng giành giật nguồn lực cho mình, không cùng nhau vận động để có các khoản đầu tư lớn. Chẳng hạn khi thương lượng với TW thì chắp vá mà quên mất là cần cơ sở hạ tầng lớn như cao tốc TP.HCM – Cà Mau, tạo xương sống vững chắc cho vùng. Đại dịch vừa qua cho thấy liên kết không những không được phát huy mà còn bị phá vỡ. Nào là kiểm soát giao thông, Logistic, không chia sẻ thông tin… Bình thường thì hợp tác nhưng khi “lâm trận” thì mạnh ai nấy lo và chuỗi cung ứng bị cắt đứt.
Sau 20 năm nghiên cứu và quan sát, tôi cho rằng cơ chế quan trọng nhất của liên kết chính là liên kết thị trường, kết nối các tác nhân của thị trường, nông dân – DN. Dù hô hào địa phương hợp tác, có các biên bản ghi nhớ với nhau, với TP nhưng mỗi năm cũng chỉ gặp nhau 1 lần. Liên kết thị trường là nhu cầu thiết thân, đối với DN thì đó chính là xương sống. DN chính là trung tâm của liên kết này, hỗ trợ cho thông tin, Logistic… Tóm lại nếu xây dựng thị trường theo hướng này sẽ làm cơ sở cho liên kết của ĐB.
Nhận dạng ĐB là 1 tổng thể nên những gì liên quan đến lợi ích hay thách thức của ĐB đều là chung, cần sự hợp tác như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguồn nước… Dứt khoát phải cần sự hợp tác của các tỉnh ĐBSCL.
Một yếu tố mà chúng tôi quan sát được mà hiện nay chúng ta không có, đó là thương hiệu chung Mekong Delta với hệ thống cơ sở dữ liệu chung nối kết với các cơ sở dữ liệu của thương mại VN.
Tóm lại, cần giải quyết 3 nút thắt: (1) làm thế nào để quy hoạch của ĐB, làm sao DN các địa phương có tiếng nói (2) tài khóa (3) hợp tác để có các khoản đầu tư lớn.
Có thể kiến nghị TW cho ĐB thí điểm quyền lực về kế hoạch, quyền lực về tài khóa và quyền lực về ngân sách. Cơ chế hiện chưa cho phép.
Ông Nguyễn Phương Lam: Xin được mời chuyên gia Phan Chánh Dưỡng có những phân tích thêm về ý kiến của TS Vũ Thành Tự Anh.
Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng: TP.HCM muốn phát triển thì phải tính đến mối quan hệ hữu cơ của các vùng xung quanh và ngược lại. Nếu ĐB muốn phát triển mà không có TP thì sẽ mất đi động lực phát triển. Chuyện liên kết đã nói nhiều năm, 15 năm qua vẫn nói liên kết, ai cũng thấy đúng nhưng sau khi họp về liên kết xong rồi không tiến hành.
Chúng ta rất giống máy, đẩy đống rác từ năm nay qua năm khác đã cao đến mức trung ương nhận ra rồi. Vùng đất này có vai trò quan trọng mà hạ tầng lại quá kém. Cuộc họp này cần thiết cho đến khi trung ương nhận dạng ra vai trò của vùng đất này đối với cả nước nhưng chưa được phát huy tiềm năng. Xin không nhắc đến phần hạ tầng.
Tôi nêu 3 việc:
-Sau Covid chúng ta hiểu sâu sắc. Nếu chỉ 1 tháng thì dân có thể chịu đựng. Tuy nhiên dịch bệnh này không thể lường được bao lâu. Nếu dịch kéo dài thì chúng ta sẽ “chết” vì tan rã nền kinh tế. Nên phải cần thay đổi chống dịch và đảm bảo kinh tế. Đảm bảo kinh tế thì con người phải dịch chuyển, hàng hóa phải di chuyển…
Vai trò phát triển kinh tế của ta trong điều kiện hiện nay. Ngành Logistic rất quan trọng vì lưu thông hàng hóa và lưu thông con người không được chậm lại. Logistic phải nhanh hơn, mạnh hơn. Chống dịch phải trên nền tảng Logistic. Vậy cần làm gì? Mỗi tỉnh, thành phố phải nghiên cứu được cách chống dịch đảm bảo được Logistic của địa phương. Mỗi tỉnh đều có các đầu mối liên hệ. Chuỗi Logistic này tăng sức mạnh cho hàng hóa đi nhanh hơn.
Trong điều kiện phát triển hiện nay, ĐBSCL là nơi sản xuất ra sản phẩm của nông lâm ngư nghiệp, là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Nhưng vẫn bán thô. Nên chuỗi giá trị cần hướng đến người tiêu dùng cuối cùng. Giá trị sẽ gia tăng khi chế biến sâu. Không thể làm nông nghiệp mà nghèo khổ.
-Ngành học – sinh học, các trường đại học cần khuyến khích học sinh đi sâu vào ngành này.
Một điều nói vui nhưng chua chát: Qua trận dịch này, chúng ta thấy virus – chỉ là đơn bào, trong khi con người lại có bộ não, được xem là động vật cao cấp, nhưng trận chiến này không biết ai thắng. Qua lăng kính con virus, ta thấy tốc độ là sức mạnh, thích nghi là tồn tại. Đó là bài học mà chúng ta cần học từ virus. Kinh tế cũng vậy: Sức mạnh chính là tốc độ, thích nghi là tồn tại.
Ông Phương Lam: Xin được hỏi bà Đỗ Thu Hường – Phó Giám đốc Marketing của TCT Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị về hạ tầng mạnh, nhiều cảng biển kết nối TP.HCM với các địa phương và với ĐB: Nhận định những hạn chế của vùng và hướng phát triển Logistic ở ĐB sắp tới như thế nào?
Bà Đỗ Thu Hường: Tân Cảng Sài Gòn là đơn vị khai thác cảng biển hàng đầu VN, có sản lượng container thông quan đứng thứ 19/20 nhà khai thác cảng lớn nhất trên thế giới và là nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ Logistic cả nước. Thị phần của chúng tôi chiếm 93% container xuất nhập khẩu qua các cảng và 52% cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải và 51% sản lượng container khắp cả nước; chúng tôi hệ thống cảng biển trải dài khắp Bắc Trung Nam. Tân Cảng Sài Gòn cũng là 1 trong 7 sếu đầu đàn trong ngành logistic.
ĐBSCL là vựa lúa gạo của cả nước, thủy sản, trái cây. Là khu vực tập trung rất nhiều khách hàng của Tân Cảng, các Cty Logistic, Cty fording. Tân Cảng cũng đã đầu tư rất nhiều cảng ở ĐBSCL, với xu hướng “Đưa cảng đến với chân hàng”, như Cái Cui, Sa Đéc, Gia Long, Thốt Nốt… để kết nối với khách hàng xuất nhập khẩu. Tân Cảng cung cấp 2 giải pháp cho DN: đường bộ và đường thủy. Xin nêu những vấn đề bất cập, đã nói rất nhiều mà vẫn phải nói lại vì vẫn chưa giải quyết được:
Đường bộ: Cả hệ thống cơ sở hạ tầng đi qua nhiều tỉnh thành mà chưa đồng bộ, chưa phát triển đầy đủ nên chi phí Logistic rất cao, chiếm 20% – 25% chi phí giá thành. Như thế thì làm sao DN XNK VN có được lợi thế cạnh tranh trên thế giới. Phải có chính sách làm sao để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ. DN mong chờ khi nào thì cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ được hoàn thiện để các DN giảm được chi phí Logistic.
Đường thủy: Về lý thuyết, hỗ trợ được đường bộ, phù hợp với Logistic xanh, sử dụng đường thủy nhiều hơn đường bộ, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng thấp. Nhưng thực tế, đội xà lan kết nối khách hàng, kết nối container từ ĐBSCL về cảng TP, Cát Lái và Cái Mép thì gặp phải nhiều khúc cua, khúc hẹp, độ tĩnh không… DN chỉ có thể dùng xà lan nhỏ. Như vậy mong chờ của DN Logistic là nâng cấp được hạ tầng của đường thủy.
Vấn đề thu hút đầu tư: Nên nghĩ đến việc thu hút đầu tư của các Cty dịch vụ Logistic quốc tế, hãng tàu, họ sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng Logistic ở ĐBSCL mới có thể kết nối với các cảng hiện hữu của khu vực TP và Cái Mép.  Ví dụ, Tân Cảng Sài Gòn sau nhiều năm đồng hành với các hãng tàu và đàm phán đưa họ đến “tận chân khách hàng” ở ĐBSCL để họ cần mở code container rỗng tại đây để khách hàng có thể giao nhận container rỗng thật thuận tiện. Nhiều năm vẫn chưa có kết quả, cho đến tháng 9 vừa rồi Hãng tàu Freeland đã mở code ở Cái Cui – điều này rất thuận lợi cho các mặt hàng thủy sản, vì họ hạ hàng ở đây, lấy cont rỗng kết nối với TP. Nên có chính sách thu hút đầu tư với hãng tàu, Logistic, họ có thể phát triển thêm kho, nhất là kho lạnh vì đang rất thiếu.
Liên kết vùng: Chúng tôi cung cấp phương tiện, nhưng hạ tầng Logistic bị “ngăn sông cấm chợ”, đường bộ lẫn đường thủy đã ảnh hưởng rất lớn đối với DN Logistic.
Tóm lại: Thu hút nhà đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL sẽ là cơ hội Logistic và thúc đẩy sự phát triển của các DN. Thu phí cơ sở hạ tầng cảng thì DN vẫn ủng hộ vì sẽ tạo ngân sách phát triển Logistic. Tuy nhiên, đối với khu vực ĐBSCL mong muốn được giảm chi phí phần nào.
Ông Nguyễn Phương Lam: Tôi xin cung cấp nhiều thông tin không mới có  thể làm chúng ta bất ngờ: Thứ nhất, ĐBSCL tuy được xem là vùng trù phú, hay cách khác gọi là vùng giàu có về tài nguyên nhưng thực tế lại là vùng nghèo nhất cả nước. Trong Báo cáo kinh tế thường niên nêu ra GDP năm 1990 của TP.HCM chỉ bằng 2/3 GDP ĐBSCL, nhưng sau 20 năm thì GDP của 13 tỉnh chỉ bằng 1/3 GDP của TP.HCM. Như vậy ĐBSCL phát triển chậm dần đều so với khu vực và TP.
Thứ hai, dù ĐB có sông nước nhưng chi phí vận tải đường thủy cao hơn đường bộ.
Thứ ba, tuy gần TP nhưng đi lại lâu hơn. Trong trạng thái bình thường, cận Tết, 1 container chở hàng từ Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng về TP bằng TP đi Đà Nẵng, dù cạnh bên chưa đến 200 km. Chuyện này khiến ta trăn trở.
Thứ tư, đây là nguồn cung ứng dồi dào nhưng lại thiếu lao động.
Những điều trên là hệ quả của sự thiếu phối hợp để đưa ĐB về đúng tiềm năng của nó.
Xin được hỏi ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cơ quan giữ vai trò kết nối DN trong lĩnh vực thương mại. Xin được đặt ra liên kết thị trường – phần mà ông Vũ Thành Tự Anh đã nói trên, câu chuyện liên kết trong dịch đã bộc lộ ra là bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. ĐB là nơi cung ứng lương thực thực phẩm, sản phẩm, nguyên liệu đầu vào cho TP nhưng TP cũng là thị trường của ĐB. Vậy làm sao để liên kết TP và ĐB ngày một hiệu quả hơn?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc sở công thương: Xin trả lời ngắn gọn: Nếu chúng ta thực hiện được 3 việc TS Vũ Thành Tự Anh nói, 3 việc của chuyên gia Phan Chánh Dưỡng nêu và 2 gợi ý của chị Hường của Tân Cảng Sài Gòn thì chúng ta sẽ liên kết được.
Tôi xin nói về góc độ khác. Nếu chỉ nêu vấn đề thì không có lối thoát vì rất khó thay đổi các cơ chế pháp luật. Tôi là người hiểu rất rõ những nỗi khó khan, nhất là TP bị tác động lúc dịch bệnh. Hàng hóa dư thừa ở vùng sản xuất nhưng TP thiếu, giá ở vùng sản xuất thấp, còn TP lại rất cao, chúng ta không tạo điều kiện Logistic kết nối, không tạo điều kiện cho DN liên kết. Tôi cũng công tác ở nhiều môi trường, khi công tác ở sở du lịch, nếu không có liên kết thì không thể phát triển nếu chỉ quảng bá du lịch TP. Kết nối và trải nghiệm của khách du lịch phải từ đi tour liên tuyến từ đường không, đường thủy, đường bộ…
Chúng ta có khát vọng nhưng cơ chế nào cho phép làm? Hội đồng vùng thì không có cơ chế ràng buộc. Các thể chế khác trước đó cũng vậy. Tôi xin ghi nhận và thảo luận cùng mọi người. Tôi cũng đang được giao nhiệm vụ tham mưu phát triển Logistic cho TP.HCM.
Ông Nguyễn Phương Lam: Cần cơ chế phối hợp. Tôi đã đặt vấn đề này rất nhiều với các cơ quan nhà nước. Nhất là lúc dịch bệnh thì rất loay hoay trong địa bàn của mình, tôi đã cùng chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các tỉnh Nam sông Hậu ngồi với nhau, mất 2 tháng mới ngồi lại với nhau 1 hội nghị trao đổi rất kỹ nhưng rồi mạnh ai nấy về tự bảo vệ. Nên rất cần một cơ chế!
Khi đặt ra với DN là cần hình thành chuỗi ngành để liên kết, thì DN cũng nói là hợp tác tốt, nhưng hiện hữu vẫn xảy ra, tức không hợp tác, đứt gãy vẫn xảy ra. Xin hỏi doanh nhân Nguyễn Đình Tùng nhận xét việc này thế nào trong ngành rau củ và nhận định sự liên kết trong ngành?
Ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Vina T&T: Những ngày đầu tôi làm trái cây liên kết với HTX. Khi qua Mỹ, tôi thấy nhãn bán rất tốt, rổ nhãn có giá 13,5 USD/rổ/10kg mà lại là nhãn Trung Quốc, đó là năm 2016. Khi tìm hiểu tại VN thì biết Trung Quốc nhập nhãn từ VN, xong lại xuất đi Mỹ. Tôi thắc mắc VN được phép xuất nhãn qua Mỹ từ 2013 mà sao đến 2016 vẫn chưa có trái nhãn nào xuất được. Sau đó chính tôi đã làm thử khi lên nhà máy diệt khuẩn chiếu xạ thì giá đã là 15USD/rổ nhãn 5kg. Tôi đi vào Cái Tàu Hạ thì thấy nhãn rất rẻ, tính toán bán qua vẫn có lời. Trung Quốc xử lý công nghệ hơi nước nóng thì không bằng công nghệ của mình. Nhưng qua rất nhiều thương lái, qua DN các tỉnh, lên tới DN xuất khẩu thì giá bị đội. Chuỗi liên kết mà ai cũng muốn lời, cuối cùng sản phẩm VN không bán được. Không bán được thì chả ai lời. Tôi mua trực tiếp tận vườn để làm nhưng bài toán tiếp tục là loại 2, loại 3 thì giải quyết làm sao. HTX không chịu liên kết, vườn 10 tấn anh mua 5 tấn xuất đi, vậy còn lại thì sao. Thương lái, Cty phân bón can thiệp sâu vô HTX, phá hỏng chuỗi liên kết. Lúc đó tối đã khám phá ra nếu không thỏa mãn lợi ích, cho cả DN lẫn HTX thì không thể liên kết. Tôi chọn 5 nhà tiến bộ nhất, họ cũng muốn làm với danh tiếng hàng xuất đi Mỹ. Tôi lên chợ đầu mối để liên kết giải quyết hàng loại 2, liên kết với cơ sở chế biến làm nhãn sấy để xử lý nhãn loại 3. Hình thành liên kết xong tôi quay lại HTX, sau đó các thành viên khác trong HTX thấy làm được thì họ chịu hợp tác với mình. Đương nhiên một mình HTX hay DN không thể làm hết nên phải chia sẻ lợi nhuận.
Chuyện thứ hai: Vina T&T trong dịch vừa qua vẫn xuất hàng đi đều đặn, nhưng nói thật là rất khó khăn do bị phong tỏa. Thanh nhãn ở Nông trường Sông Hậu đã đến thời điểm thu hoạch, xe vô Cần Thơ không được ra, người địa phương khác đến thu hoạch thì không thể đi ra. Phải nhờ tổ 970 của Bộ nông nghiệp hỗ trợ, cho phép người test PCR vào vườn ở lại trong vườn, phải được xe tỉnh đội đưa đi. Trong điều kiện bình thường thì không thấy gì nhưng trong đại dịch thì thấy kết quả này rất tự hào.
Vú sữa bán ở Mỹ là 500 ngàn/ký, trong khi ở vườn chỉ có 40 ngàn/ký. Tại sao lại vậy. Tất cả nằm trong chi phí Logistic. Trong khi mình có cả nghìn tấn mà chỉ đi được 10 tấn/tuần bằng đường hàng không, giá thì trên trời. Vận chuyển đường biển hiện hãng tàu từ chối hàng nông sản VN. Hàng hóa dư thừa phải đem chế biến và cấp đông… Tuy năng lực của Vina T&T cung cấp 100% nhưng chỉ đáp ứng 60% nhu cầu của khách là do Logistic cả nội địa và quốc tế.
Ông Phương Lam: Câu chuyện của anh Tùng rất thú vị để đưa vào nghị sự tiếp theo. Thứ nhất, cần có liên kết mẫu để người nông dân hay DN (chưa thấy, ngại tham gia) tham khảo. Thứ hai, trách nhiệm của các bên khi tham gia liên kết phải rất cao. Như năm 2006 việc phá vỡ hợp đồng giữa DN và hộ nuôi ở ĐBSCL diễn ra rất nhiều nên chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng, do khả năng chế tài luật chưa đủ mạnh, khi đụng đến nông dân lại là nhóm yếu thế nên rất cân nhắc, ngược lại DN lại không thể hiện vai trò của mình, nên hợp tác thường gãy đổ. Thứ 3, điểm yếu của logistic – điểm  yếu chí tử khiến liên kết không thực hiện được.
Xin được hỏi Doanh nhân Phan Minh Thông – CEO Phúc Sinh dưới góc nhìn của nhà đầu tư thì ĐBSCL phải làm gì để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư?
Ông Phan Minh Thông – CEO Phúc Sinh: Phúc Sinh là Cty cổ phần tư nhân 20 năm trong lĩnh vực nông nghiệp, có 6 nhà máy, mỗi năm xuất 250 – 300 triệu USD. Phúc Sinh đầu tư Sơn La khá xa xôi, bay ra HN mất 2 tiếng và lên Sơn La 7 tiếng. Sơn La trồng cà phê 30 – 40 năm mà người HN gần như không biết. Nhiều người từ Sơn La đem cà phê vào Lâm Đồng để bán. Phúc Sinh thấy tiềm năng nên đã đầu tư nhà máy, mời chuyên gia và máy móc Columbia để xây dựng nhà máy, năm 2018, 6-7 nghìn đồng/ký và hiện nay 20 nghìn/ký cà phê. Hiện Phúc Sinh có cụm nhà máy Bình Dương, mua cơm dừa ở Bến Tre. Có người hỏi, không hiểu sao Phúc Sinh vẫn chưa có nhà máy nào ở ĐBSCL?
Thứ nhất chưa bao giờ được mời tham gia hoạt động xúc tiến nào. Đây cũng là lần đầu tham dự một kết nối.
Thứ hai không thể chấp nhận đi từ TP.HCM về Cà Mau mà mất hơn 5 tiếng đồng hồ, mất cả ngày như thế còn làm ăn gì!
Thứ ba là giấy phép. Tại sao xuất khẩu gạo phải có giấy phép, trong khi gạo có rất nhiều. Mình muốn xây nhà máy và làm thương hiệu gạo nhưng mình vẫn làm với cà phê.
Theo tôi, nên tận dụng nguồn DN ở TP.HCM, thuyết phục DN đầu tư như trước đây Phúc Sinh đầu tư Sơn La đã được hỗ trợ. Bí thư tỉnh đã vào SG bao nhiêu lần mà không có DN nào chịu ra, khi gặp Phúc Sinh ngay hôm sau đã ký MOU và 8 tháng sau đã có nhà máy, năm nào cũng có lợi nhuận, đã có thương hiệu cà phê Sơn La và người dân được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Phương Lam: Tôi đại diện cơ quan xúc tiến mà thấy có lỗi vì đã không mời được những nhà đầu tư như Phúc Sinh. Chúng tôi phản đối quyết liệt để bãi bỏ giấy phép xuất khẩu gạo, sau 2 năm bãi bỏ thì giờ lại quay lại.
Xin hỏi chuyên gia Phan Chánh Dưỡng: ĐBSCL là nhiều mảnh ghép do chia cắt địa giới hành chính có cần chính quyền cấp vùng hay không? Đây là câu hỏi lớn, tất nhiên sẽ không thể trong 1-2 năm để hình thành được cơ quan cấp vùng hoạt động hiệu quả. Trước đây có BCĐ vùng, giờ là Hội đồng vùng nhưng vẫn chưa thấy khai thác tối đa cơ chế vùng. Ý kiến của ông thế nào?
Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng: Bất kỳ cuộc cải cách nào cũng không thể phủ nhận thực trạng lịch sử để lại. Không chỉ riêng ĐBSCL, theo cách nhìn lý tưởng của mình, Việt Nam với 340 nghìn km2 và 100tr dân thì chỉ cần chia thành 8-12 vùng là đủ. 63 tỉnh thành là quá manh mún nhưng làm cách nào được, đó là thực trạng. Không dám nói thay đổi 8 -12 vùng là sẽ mạnh. Nên theo ý tôi, từng bước dẹp gọn lại tỉnh thành chỉ quản lý hành chính, còn kinh tế thì chia từng vùng. Nhà nước phải hình thành vùng kinh tế có cơ chế lãnh đạo rất cao, có quyền về tài chính độc lập, đầu tư và kế hoạch toàn vùng là thống nhất. Đương nhiên gắn kết toàn vùng phải gắn kết với quốc gia.
Nhận dạng rất rõ một điều: Vai trò của DN là nòng cốt cho tất cả những cái khác. Nhà nước là người tạo mọi điều kiện pháp lý để DN làm đúng, còn làm cách nào thì DN là người hiểu biết nhất nên làm gì, chắc chắn sức mạnh của kinh tế là tốc độ. Cứ có 1 giấy phép, 1 chữ ký là có thêm delay time – thời gian ngừng lại, nhiều thời gian chết. 5g chiều mà có giấy phép thì tối hàng đi. Trước 4g chứ sau 4g là để ngày hôm sau. Cả nước này đều mất 1 buổi cho 1 giấy phép, chỉ vì 1 giấy phép, tốc độ nền kinh tế đi 2 bước, lùi 3 bước. Tôi đã từng là doanh nhân, tôi đau lòng vì mất thời gian.
Ông Nguyễn Phương Lam: Xin đặt câu hỏi với anh Bùi Tá Hoàng Vũ: ĐBSCL chưa có gì là Logistic, chỉ là kho bãi, trong khi TP đã có rồi. Liệu sắp tới TP có là địa phương dẫn dắt ĐBSCL không?
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Chúng tôi đã hình thành đề án Logistic TP.HCM 5 năm và tầm nhìn 10 năm. TP đã xác định Logistic như 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của, đã hình thành 9 trung tâm Logistic, ứng dụng công nghệ thông tin tạo dữ liệu lớn, tập trung đầu tư nguồn nhân lực, liên kết vùng. Trước hết, TP.HCM phải tự mình vươn lên đóng vai trò quan trọng. Logistic phục vụ cho không gian kinh tế mà TP lại có lợi thế khi có không gian kinh tế có quy mô. Sắp tới TP sẽ thay thế cảng bên sông, hình thành chuỗi của cảng sông, cảng biển phối hợp với vùng.
Ông Phương Lam: Tôi có câu hỏi dành cho cả 3 DN, chính các DN đều thấy mình có vai trò quan trọng trong liên kết, vậy liên kết bắt đầu từ đâu?
Ông Phan Minh Thông: Liên kết xuất phát từ nhu cầu của mình, mình thấy cần làm là sẽ làm, mình tác động vào quá trình để biến nó thành tốt hơn thì liên kết sẽ tốt hơn.
Ông Phan Đình Tùng: Liên kết dựa trên lợi ích của các bên, thị trường có nhu cầu thì có người cung cấp, người cung cấp sẽ liên kết lại với nhau. Tuy nhiên cái khó là làm sao trong cùng 1 thị trường mà liên kết được với nhau. Nên có nhiều hiệp hội nhưng chưa phát huy được, trong khi hiệp hội thế giới làm rất tốt. Cùng ngành, cùng thị trường mà vẫn liên kết được. Tôi có thể liên kết trong chuỗi nhưng không thể liên kết với cty giống như cty tôi, tuy bán cùng thị trường thì vẫn giữ được giá trị sản phẩm để chia sẻ với người nông dân. Dẫm chân nhau là chết không phải chỉ quốc tế mà còn nội địa.
Bà Đỗ Thu Hường: Cảng Cái Mép chính là liên kết giữa công ty Tân Cảng Sài Gòn với các hãng tàu lớn trên thế giới với mục đích đi cùng nhau tạo được thành tựu to lớn, khi hợp tác mà có thành quả thì chia sẻ lợi ích với nhau. Thay vì cạnh tranh thì ta lại liên kết.
Ông Phan Chánh Dưỡng: Hãy nghĩ thật sâu trong chuỗi giá trị, như chuỗi giá trị trái cây đến tận cùng. Trước là gì, sau là gì. Hay như Logistic cũng vậy. Câu chuyện của tôi khi làm khu chế xuất Tân Thuận. Tôi xuống vùng Nhà Bè tôi đã nghĩ, nếu thất bại thì thôi, nếu thành công thì cái gì tiếp tục phải làm? Đó là phát triển toàn vùng Nhà Bè và nếu phát triển toàn vùng thì cần con đường rất lớn, rộng, đó là đường Nguyễn Văn Linh. Đã có nhiều tranh cãi, anh làm gì mà cần con đường to như vậy, nhưng ý của tôi, vì con đường đó để phát triển vùng Nhà Bè chứ không phải chỉ có KCX. Dọc theo con đường này cấu tạo khu đô thị mới, và đó là Nam Sài Gòn, sau Nam Sài Gòn sẽ phát triển ra Thủ Thiêm. Mà nếu Thủ Thiêm hình thành thì Cảng Sài Gòn phải rời khỏi Sông Sài Gòn. Như vậy một cảng khác thế cho cảng Sài Gòn, và đó chính là vùng Hiệp Phước và cảng Hiệp Phước.
Cho nên khi phác họa trước như vậy cho chúng ta cái nhìn rất rộng mà chương trình làm KCX của tôi là điểm bắt đầu cho ý tưởng phát triển thành phố hướng về biển Đông. Kết quả của một ý tưởng mới về mặt tư duy tạo ra giá trị vô hình lớn gấp nhiều lần so với giá trị thật và chất. Ở VN chỗ nào cũng phát triển được, miễn là đúng địa điểm, đúng thời cơ, DN nên tư duy như vậy, tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi Logistic, phải vào thực tiễn mới có sáng tạo.
Ông Phương Lam: Xin được tóm lại các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý.
Dưới góc độ chuyên gia:
-Cần có 1 thể chế vùng
-Xác định các vấn đề để liên kết hiệu quả hơn, như là hình thành cơ chế quản lý cấp vùng theo hành chính và theo kinh tế
-Cần tầm nhìn về lợi ích chung
-Hình thành cơ chế giám sát để thúc đẩy thực thi kế hoạch
Dưới góc độ doanh nghiệp, để liên kết hiệu quả:
-Xuất phát nhu cầu, thống nhất mục tiêu và hưởng lợi
-Trách nhiệm của các bên trong liên kết để liên kết bền vững
Dưới góc độ quản lý, thông tin là TP.HCM đã có chiến lược phát triển Logistic cụ thể làm nền tảng trợ lực cho ĐB phát triển. Còn lại là chương trình nghị sự triển khai.

Nguồn tin: BSA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 124

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 122


Hôm nayHôm nay : 32505

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 616721

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50035355



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach