Từ tháng 4 đến nay, ông Nanri đã làm trên mười loại bánh từ bột gạo, tạo dấu ấn sản phẩm mới theo giao kèo với công ty bột mì Đại Nam, tỉnh Vĩnh Long. Những thứ bánh ông muốn thương mại hoá cho Đại Nam gồm cookie nho, bông lan cuốn, bông lan trà xanh… với 100% nguyên liệu là bột gạo; bông lan chuối theo tỷ lệ 50% bột gạo… Ông thích mùi vị bánh bông lan chuối và tới đây bánh pizza từ bột gạo cũng có nhiều khác biệt.
“Lần đầu mời dùng thử bông lan chuối, cookie gạo ai cũng trố mắt hỏi bột gạo làm được bánh này sao”, người phụ trách phát triển thị trường bánh gạo, nói. Bánh của Đại Nam còn rẻ hơn giá trên thị trường 15.000 đồng/hộp.
Làm bánh công nghiệp từ bột gạo sẽ không thực hiện được nếu không có quyết tâm khởi nghiệp từ ông Phạm Minh Hiền, nhà đầu tư Đại Nam Bakery. Sáu năm trước, khi cha của ông Hiền – nguyên chủ tịch hội đồng quản trị công ty Đại Phong – tìm đến nơi xem công nghệ làm bánh gạo của Nhật, và ngộ ra rằng việc thiết kế lộ trình cho bột mì của ông lâu nay vô tình đã xô bột gạo vào góc khuất. Nhận ra thế mạnh của công nghệ làm bánh từ gạo của Nhật, cha ông cùng với con trai tìm cách chuyển hướng để làm giàu giá trị bột gạo.
Đại Nam Bakery đã đầu tư dây chuyền sản xuất của Nhật. Công nghệ này có ưu điểm không nước thải, thời gian ra bột nhanh, thành phẩm mịn như bột mì, thiết bị gọn, đồng bộ hoá và họ sẵn sàng ráp máy chạy demo, dạy nghề, thậm chí bán sản phẩm sang Nhật càng tốt. Chi phí khởi nghiệp với bột gạo khoảng 25 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của nhà máy ở Tam Bình khoảng 12 triệu USD. Năm 2025, nhà máy có công suất gấp mười lần giai đoạn 1.
Giải cứu gạo cứng cơm
Nhà máy mẫu tại TP Vĩnh Long sẽ thành trung tâm dạy nghề làm bánh từ bột gạo và showroom, là hình ảnh về một cuộc đời mới của “gạo cứng cơm”, ông Hiền nói. Những loại gạo cứng cơm như IR 50404, Hàm Châu có giá bán thấp so những loại khác, lại là nguyên liệu rất thích hợp cho nhà máy bột gạo này. “Gạo thuần cho bột ngon, làm bánh sẽ ngon, chỉ học khoảng một tuần là làm được bánh từ bột gạo, vấn đề là người Nhật làm bánh quan tâm nhiều tới dinh dưỡng, mùi, vị; còn người Việt chú trọng hương vị nhiều hơn”, ông Nanri nói. Tuy nhiên, không vì vậy mà ông áp đặt suy nghĩ theo kiểu “made by Japanese in Vietnam” (bánh chế tạo theo người Nhật ở Việt Nam), mà sẽ làm bánh theo khẩu vị người Việt để người Việt có thể giới thiệu với người Nhật và các nước về sản phẩm làm tại Vĩnh Long.
Giai đoạn 1, công ty chỉ mới thực hiện được 50% ý tưởng làm giàu giá trị gia tăng từ gạo, nhưng đã cứu một bàn thua trông thấy cho gạo cứng cơm (4.900 đồng/kg lúa tươi, giá thấp nhất so mặt bằng) khi đồng ý mua lúa, gạo cao hơn giá thị trường. Ông Hiền hiện mua vào 5.000 tấn gạo/tháng và sẽ nâng lên 10.000 tấn trong giai đoạn 2.
Giai đoạn 2, ông Hiền phải vay vốn do nguồn vốn ban đầu phải tự giải quyết tiền nong lo đất đai làm nhà xưởng. Tại sao các nhà đầu tư khác được trải thảm mời gọi, còn nhà đầu tư công nghệ hiện đại để giải cứu gạo cứng cơm phải tự thương lượng trả tiền mua quyền sử dụng đất, tự bồi hoàn, san lấp; rồi lại phải ký hợp đồng thuê lại đất – đã tự thoả thuận với dân – với Nhà nước? Theo lời ông Hiền, cơ quan chức năng tại địa phương cho rằng phải bảo vệ đất lúa nên không có cách nào khác!
Theo ông Hiền, khi đã chọn được công nghệ, tìm được chuyên gia giỏi thì nguyên liệu an toàn, hữu cơ, thuần một loại gạo là bài toán còn hóc búa hơn. Có người nói, chỉ cần rời khỏi Tam Bình đầu tư vào nơi khác, ông sẽ được cưng như trứng mỏng. “Dù sao cũng cố chịu đựng, vì đây là quê hương mình”, ông nói.
bài,
ảnh Hoàng
Lan
Theo
TGTT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 102
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 99
Hôm nay : 5341
Tháng hiện tại : 630044
Tổng lượt truy cập : 50048678