Đầu tiên, cơ sở Phú Quới chỉ định làm khô cá lóc để cùng “giải cứu” sản lượng cá ngày càng phình to ở Trà Vinh. Nhưng làm mười ngày, bán một tháng chưa hết, công nhân chẳng biết làm gì! Họ là con dân lao động, thu nhập chẳng là bao, anh là chủ cơ sở phải nghĩ ra việc làm. Câu chuyện nhà xưởng, công ăn việc làm giữa chủ và thợ lại gợi ra ý tưởng làm trà.
Làm trà đẻ ra lắm chuyện
Hoá ra kế hoạch làm trà lại mở ra hướng tận dụng phụ phẩm từ cá làm thành chế phẩm sinh học cung cấp cho cây trồng, không xài hoá chất. Ý tưởng này trùng khớp với một nghiên cứu ứng dụng quy trình làm trà từ thảo dược, vừa được trường đại học Cần Thơ chuyển giao cho sở Khoa học và công nghệ tỉnh Trà Vinh. Quới trình bày cách làm và được chọn là nơi ứng dụng đầu tiên ủ xương, làm đạm cá, dùng nấm trichoderma kết hợp ủ phân bò làm thành hỗn hợp sinh học bón cho đinh lăng, nguyên liệu làm trà.
Hiện nay, trà nhãn lồng là sản phẩm mới, lượng hàng bán ra tương đương với trà đinh lăng, quy trình chăm sóc theo hướng làm cho cây khoẻ, không dùng hoá chất, nông dược. Tự trồng nguyên liệu từ nhiều năm trước không đủ để sản xuất lâu dài, Quới vận động người trồng mở rộng vùng nguyên liệu, bằng cách cung cấp giống và phân đạm cá, phân sinh học. Vẫn chưa đủ, quỹ Hợp tác công tư (PPP) thông qua dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD), nhìn thấy mục tiêu hỗ trợ người nghèo, bà con Khmer ở vùng biến đổi khí hậu của Quới, nên tìm cách hỗ trợ cây giống đinh lăng cho nông dân. Quới có vùng nguyên liệu, người nghèo có thêm thu nhập, thị trường có thêm sản phẩm hữu ích cho sức khoẻ.
“Làm trà đinh lăng xài rễ, lá, thân, nếu thân lớn phải xay nhuyễn, loại nhỏ làm giống giao bà con trồng. Đụng tới đâu là y như rằng có thêm việc tới đó”, Quới nói: “Thách thức bây giờ là năng lực quản trị, quán xuyến mọi việc sao cho dòng vốn chạy đều, công nhân có việc làm hoài”.
Suốt tháng vừa qua, 4.000 hộp trà bán ra, giá 65.000 đồng/hộp. Đùng một cái, Satra gọi nói có đơn hàng. “Thị trường TP.HCM, nào giờ mình đâu có rành. Bên mua cần gì thì ráng đáp ứng”, Quới thú thiệt.
Những chặng đường của Quới luôn có những bất ngờ, từng học ngành chăn nuôi thú y ở trường đại học Nông lâm TP.HCM, ra trường làm thú y viên, tạm gọi là trúng ngành trúng nghề, nhưng cái nghề đúng sở học cứ như lục bình trôi nên Quới nghĩ tới kinh doanh thức ăn gia súc, với hy vọng cải sửa định mệnh. Tới khi “bẻ ghi” qua làm khô, phân bón đạm cá tới làm trà, cuộc mưu sinh đã tách anh khỏi “gốc lâm vồ” quá xa rồi.
Đa dạng hoá sản phẩm
“Năm nay sẽ mở thị trường trà đinh lăng, nhãn lồng và làm sản phẩm mới trà dứa thơm”, Tô Phú Quới, giám đốc công ty TNHH MTV TM-SX Phú Quới, nói: “Trà dứa thơm mùi đặc trưng, tôi đã thử kết hợp với vài loại thảo dược nhưng có loại làm mất mùi nên không thể ép mùi, màu tới mức mất tự nhiên”.
Mỗi lần chuẩn bị cho một sản phẩm mới, dù chỉ tốn phí kiểm định, nhưng để ra được công thức, lưu giữ được giá trị đặc trưng, trà dứa để hai ba tháng vẫn còn thơm, khiến việc thử và sai, trả giá cho thất bại không phải ít, nhưng anh xem đó là chuyện bình thường.
Nhớ lại lúc làm trà nhãn lồng, loại lạc tiên mọc dại dễ thấy ở đâu đó, nhưng tới khi cần hàng tấn lại là chuyện không dễ. Đặt mua ở vùng trồng rừng, nhưng cũng chỉ loanh quanh ngoài bìa. Có người bảo vườn trồng cam bị bệnh greening mấy năm trước bỏ phế nên nhãn lồng hoang dại leo lên, che phủ, vô đó mà xin. Nghĩ cảnh chủ vườn cam thất cơ lỡ vận cũng chạnh lòng, nên anh mua sòng phẳng. Nhưng ở cái miệt đồng này hễ nghe ai lấy cây thuốc về làm việc có ích, thì cho là làm phước.
Phòng thí nghiệm ở đại học Trà Vinh trở thành nơi lui tới thường xuyên, hợp đồng liên kết với Quới. Doanh nghiệp nhỏ, yếu thì phải dựa vào nguồn lực khoa học tại chỗ, rất may nguồn lực đó đang được đầu tư với nhiều thiết bị hiện đại, Quới nghĩ mình đã may mắn khi địa phương biết lo đầu tư thiết bị công nghệ.
“Thuê người làm sạch vườn, vì mùa nắng lạc tiên sẽ chết khô, tránh đứt hàng 3 – 4 tháng. Nhưng lâu dài phải trồng, trong trà nhãn lồng có vông nem, cũng phải trồng… sao đụng tới đâu cũng té ra đủ thứ việc, đi tới chỗ khó hơn”, Quới nói.
Những người bạn là bác sĩ động viên anh: “Để ý từ những bệnh nhân, 30 – 40% người bị mất ngủ, làm trà mà giúp cho người dùng ngủ ngon là việc làm tốt trong đời, còn trù trừ gì nữa?”.
Lô đầu tiên gởi cho bạn dùng thử, bạn lại gởi cho người thân mất ngủ ở hải ngoại. “Hàng xách tay” không tên tuổi, không nhãn mác lại phải “hiện đại hoá”. Hiện tại, người tiêu dùng sẵn sàng mua với giá 65.000 đồng/hộp.
“Không để thu nhập ru ngủ, năm nay Quới lo hoàn thiện nhãn mác, bao bì cho được mắt”, lại còn phải làm trà sa kê, một việc đang dở dang.
bài, ảnh Hoàng Lan (theo TGTT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 131
•Máy chủ tìm kiếm : 7
•Khách viếng thăm : 124
Hôm nay : 6478
Tháng hiện tại : 631181
Tổng lượt truy cập : 50049815