18:07 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Chợ chuối

Thứ ba - 05/02/2013 03:50
Chợ tuy không lớn nhưng đó là nơi trao đổi buôn bán của hàng trăm người, bởi 14 xã của huyện đều tập trung về đây. Ở đó không chỉ có hoạt động buôn bán mà còn là địa điểm để các mẹ, các chị tảo tần, vất vả, lại có một nơi để hàn huyên tâm sự về chuyện gia đình, hàng xóm...

Nông sản ở quê tôi chủ yếu là mít và chuối. Trong đó chuối được bán quanh năm, mùa nào cũng có. Chợ chuối diễn ra từ bốn giờ sáng đến hơn tám giờ là tan. Chợ họp tất cả mọi ngày trong năm dù mưa hay nắng. Chuối oằn đôi vai của các mẹ, các chị tới chợ hoặc được chở bằng xe máy. Chợ không có sạp, cũng không có mái che. Mấy bà, mấy chị ngồi chồm hổm dưới đất, phía trước mặt là những buồng chuối được dựng đứng ngay ngắn bằng những tờ lá chuối khô và vài cục đá kê làm tựa.

 

Chuối ở đây đem bán nguyên buồng còn xanh, có nhiều loại chuối như chuối nai, chuối bom, chuối lùn... Tùy buồng lớn, nhỏ mà giá tiền cũng tương ứng, nhưng tính ra số tiền một nải chuối ở đây không bằng một nửa nải chuối bạn mua ở thành phố. Chuối được các đầu nậu buôn đem về miền xuôi như Hội An, Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng...

 

Những người dân ở đây mua bán đậm chất quê:

- Buồng chuối ni bán bao nhiêu vậy chị? - người mua hỏi

- Em xem và trả giá đi, nếu thấy được chị bán - người bán trả lời

- 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 nải. Em mua cho chị một nải 5 nghìn, bảy nải là 35 nghìn.

- Ê, họ trả bao nhiêu mà mi không bán? - Một người ngồi bên cạnh hỏi:

- 35 nghìn.

- Mi xem lựa lựa bán chứ chuối hôm nay rẻ lắm. Buồng chuối của tao họ trả có 10 nghìn. Hôm qua con tao bảo mẹ để ở nhà chuối chín con ăn, mà tao tiếc quá - Người khác nói xen vào.

- Mấy bữa ni răng không thấy mi đi chợ? - người ngồi đối diện hỏi với qua.

 

Những cuộc trả giá, những lời cười nói, hỏi han như thế làm xôn xao cả một khu chợ mờ sương.

 

Nếu ở đằng trước chợ là hình ảnh bà cụ quê móm mém nhai trầu, ngồi trước hàng tá chuối xanh chờ người buôn tới trả giá thì đằng sau chợ là hình ảnh các chị đội nón lá ngồi bán chuối chín xếp thành hàng dài dọc triền sông. Các chị ở đây còn bán thêm một số quà của nhà quê như một mớ rau giớn hái dưới suối, mớ rau ranh trên núi, ốc đá dưới sông... Nếu hiện nay ra chợ là sợ thức ăn có chất tăng trưởng này nọ thì những thứ quà từ thiên nhiên như thế này rất được ưa chuộng. Một nải chuối lùn 17 trái múp míp, chín vàng tươi chỉ có giá 10.000 đồng. Một bó rau ranh 3.000 đồng cộng với một lon ốc đá 2.000 đồng là bạn đã có một nồi canh ngon.

 

Người bán là dân quê nên rất gần gũi, thể hiện qua từng cử chỉ, lời nói. Họ không nói thách, nói đố, chắc nịch một giá. Nhưng có điều đặc biệt là họ bán cho người dân lao động thì giá rẻ hơn, còn giá vẫn giữ nguyên nếu bạn không phải là dân lao động thứ thiệt. Nếu bạn hỏi giá cho vui mà không mua, họ sẽ trả lại bằng nụ cười vui vẻ, chân chất của nhà nông. Nếu ở xa tới thấy lá rau lạ, bạn có thể hỏi và họ sẽ nhiệt tình giải thích, còn chỉ cách cho bạn làm thế nào để nấu món rau ấy ngon nhất. Ngoài ra, bạn còn được khuyến mãi một ít ớt kim xanh, tuy trái nhỏ nhưng nếu ăn một tô mì Quảng, cắn một trái ớt kim giòn tan trong miệng thì ngon không gì bằng.

 

Chiều nay mẹ tôi hái được quả mít. Mẹ bảo: Hai hôm nay mẹ không đi chợ, tự nhiên thấy nhớ. Nhìn trái mít non đang nhỏ từng giọt mủ, tôi lại nhớ món cá chuồn nấu mít mang đậm hương vị quê hương:

 

Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên.


Nguồn tin: BSA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 151


Hôm nayHôm nay : 42465

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 988223

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44355908



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach