Nước mắm truyền thống gặp nhiều rắc rối với thông tin nhiễm arsem.
Ngày 17/10, VINASTAS tổ chức họp báo rầm rộ, công bố 67% nước mắm trên thị trường Việt Nam nhiễm thạch tín vượt xa ngưỡng quy định trong Quy chuẩn Việt Nam. Theo lập luận của Vinastas: Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT quy định, hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l.
Hàng loạt tên tuổi sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam nằm trong danh sách nhiễm arsen mà VINASTAS công bố, trong đó các sản phẩm độ đạm càng cao càng nhiễm nhiều. Thông tin này gây hoang mang dư luận và đánh một đòn mạnh vào các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.
Đại diện của công ty Phúc Lâm cho biết thêm, trong ngày 18/10, công ty phải liên tục trả lời khách hàng về những thông tin liên quan đến thương hiệu nước mắm có xuất xứ từ đảo Phú Quốc. Phần lớn khách hàng cho biết, họ có cảm giác bất an khi sử dụng các sản phẩm nằm trong danh sách liệt kê của VINASTAS.
Theo công ty Phúc Lâm, những thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín gây ảnh hưởng không chỉ hoạt động của công ty mà còn tác động tới toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối nước mắm truyền thống. Dù thiệt hại về kinh tế chưa lớn nhưng nếu thông tin gây nhiễu này không được làm sáng tỏ, ngành nước mắm cũng không thể tránh thiệt hại.
Trao đổi với ông Trương Quang Hiến - Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, vị này bắt đầu với việc giải thích rõ về arsen (còn gọi là thạch tín) hữu cơ và vô cơ tác động tới sức khỏe con người ra sao.
Ông Hiền nói: “Arsen hữu cơ có sẵn trong cơ thể cá. Trong quá trình làm mắm, cá kết hợp với muối trong quá trình lên men sẽ sản sinh ra arsen hữu cơ. Đây là chất vô hại, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ngược lại, chất arsen vô cơ, có thể do cá nhiễm từ môi trường, mới gây hại cho con người và cần cảnh giác”, ông Hiến nhấn mạnh.
Nói về những ảnh hưởng trong đánh giá của VINASTAS, ông Hiến cho rằng nó gây tác động tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất. Việc đưa ra bản đánh giá về kim loại nặng trong nước mắm mà chưa chưa được phân tích kỹ và cụ thể làm người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu của các sản phẩm nước mắm truyền thống.
Các hộ dân và doanh nghiệp làm mắm mong thông tin chính xác để đời sống không bị ảnh hưởng.
Về kinh tế, thông tin của VINASTAS chưa gây tác động quá lớn tới ngành sản xuất nước mắm của Phan Thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu thông tin này không được làm sáng tỏ và khiến người tiêu dùng quay lưng lại với nước mắm truyền thống, nó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng tới đời sống của đông đảo người dân, từ người đánh cá tới người sản xuất mắm và các doanh nghiệp.
Ông Hiến cũng cho biết, người dân địa phương phản ứng gay gắt với thông tin VINASTAS đưa ra vì ảnh hưởng của nó tới đời sống của họ. Đa phần người dân đều mong mỏi các cơ quan chức năng vào cuộc và có một cuộc khảo sát kỹ lưỡng và đáng tin cậy để đảm bảo kế sinh nhai.
Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, nhấn mạnh, quy định TCVN5107:2003 do Bộ Y tế ban hành được áp dụng với chỉ số kim loại nặng trong nước chấm. Việc dùng quy định này áp dụng với nước mắm truyền thống sẽ chưa chuẩn xác vì nước mắm có arsen hữu cơ chứ không phải arsen vô cơ. Để có kết luận chính xác, các nhà khoa học, hoạch định cần lấy mẫu ở cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống để xác định tác động của nó tới sức khỏe con người và xây dựng một quy chuẩn phù hợp.
Về phía hiệp hội và các nhà sản xuất, một hội thảo về nước mắm sẽ được tổ chức vào tháng 11 tại Phan Thiết nhằm làm tăng thêm nhận thức về các sản phẩm nước mắm truyền thống. Về những thông tin mà VINASTAS đưa ra, ông Hiến chỉ đề nghị nhà chức trách vào cuộc để có kết quả cuối cùng. Phía các doanh nghiệp cũng không có ý định kiện VINASTAS mà chỉ mong thông tin chính xác nhằm trấn an người dùng.
Theo Trí thức trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 71
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 69
Hôm nay : 35005
Tháng hiện tại : 111310
Tổng lượt truy cập : 50539854