Không có vùng cấm
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận 1 đã chất vấn các đại biểu quốc hội về việc xử lý nhiều vụ án tham nhũng khiến người dân chưa đồng tình.
Cử tri Lê Thanh Bình (P.Cầu Ông Lãnh) nói: Đảng, nhà nước luôn khẳng định tham nhũng không có vùng cấm, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Vậy tại sao có những vụ như lãnh đạo Vinaconex sai phạm như thế mà không bị khởi tố?
Cử tri Trần Quang Tuấn ở P.Bến Nghé đặt vấn đề phải chống tham nhũng lãng phí ở ngay các tổng công ty, tập đoàn nhà nước - những cơ quan mà lẽ ra phải tạo được nguồn thu chính yếu cho ngân sách nhà nước thì lại thường xuyên thua lỗ, tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng.
“Chúng ta cứ bàn về nợ công tăng cao, nhưng nguyên nhân từ đâu? Một nguyên nhân rất lớn từ sự thất thoát này. Phải xem lại cách quản lý các tổng công ty, tập đoàn này, vì cương lĩnh của Đảng vẫn coi các doanh nghiệp nhà nước là chủ chốt của nền kinh tế”, cử tri Tuấn nói.
Cử tri Trần Đăng Trâm ở P.Đa Kao cũng đồng tình với ý kiến này. Ông Trâm cho rằng kỷ luật tài chính không nghiêm, quốc hội không giám sát được, dẫn đến tham nhũng lãng phí, đẩy nợ công tăng cao.
Chia sẻ với những ý kiến của cử tri, chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, quan điểm nhất quán của đảng và nhà nước về tham nhũng là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không chịu áp lực từ bất kỳ cá nhân tổ chức nào.
“Nhưng với tư cách người đã từng là Bộ trưởng Bộ Công an, đã từng trực tiếp chỉ đạo điều tra nhiều vụ án tham nhũng mà báo chí gọi là “đại án”, tôi cũng báo cáo thực với các vị cử tri rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc chiến đầy cam go, đòi hỏi bản lĩnh và sự quyết tâm rất cao, nó đòi hỏi bản lĩnh của người chỉ huy, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán…”, chủ tịch nước chia sẻ.
Về vụ việc xử lý các cán bộ vụ vỡ đường ống nước sông Đà, chủ tịch nước cho biết, cơ quan điều tra cũng đã có kết luận mức độ sai phạm của từng cá nhân liên quan, đã kiến nghị xử lý, cũng xem xét về thân nhân, thành tích công tác, cũng có đề xuất là trường hợp này truy tố, trường hợp kia không truy tố.
“Đó là quyền của các cơ quan tư pháp, nhưng quyết định cuối cùng là của tòa án. Tôi nhận được thông tin này, cũng đã yêu cầu các cơ quan tư pháp kiểm tra lại, đánh giá khách quan, công khai minh bạch.
Vụ án kết thúc, cơ quan điều tra kết luận thế nào, kết quả điều tra ra sao cứ nói nguyên như thế, đúng như thế, trung thực như thế, rồi Viện kiểm sát căn cứ vào kết luận điều tra viết cáo trạng cũng trung thực như thế.
Tòa là người phán quyết cuối cùng, xem xét tình tiết tăng nặng giảm nhẹ như thế nào. sẽ quyết định hình phạt. Nếu tòa xử thấy chưa thỏa đáng thì tiếp tục kháng nghị chứ không có vùng cấm, không chừa bất cứ ai”, ông Trần Đại Quang thông tin thêm.
Cử tri cũng thắc mắc tại sao chủ tịch nước không tham gia ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng quốc gia? Ông Trần Đại Quang khẳng định, dù tham gia hay không, trong vai trò chủ tịch nước, trưởng ban cải cách tư pháp trung ương, ông cũng làm hết chức năng nhiệm vụ của mình để góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng.
Vụ cá chết: sẽ kết luận trách nhiệm cá nhân cụ thể
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri rất bức xúc về việc ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh trả lời báo chí rằng việc cấp phép cho Formosa hoạt động tới 70 năm không phải trách nhiệm của riêng ông mà của tập thể nhiều bộ ngành, cả chính phủ cũng đồng ý.
“Nhưng chính phủ là ai? Phải làm rõ trách nhiệm của từng người chứ không nói chung chung vậy được”, cử tri Lê Thanh Bình nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói, về phía nhà đầu tư, chúng ta sẽ yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc các cam kết, tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm của họ. Còn về phía các tổ chức cá nhân trong nước có liên quan cũng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Nhưng cụ thể là ai phải chờ kết luận, trong một thời gian ngắn nữa thôi. Hiện nay đã chỉ đạo kiểm điểm ở địa phương, bộ ngành với tinh thần bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý”, chủ tịch nước khẳng định.
Cử tri Q.1 cũng lo lắng trước vấn đề an ninh mạng, an toàn thực phẩm, coi đây là hai yếu tố quan trọng của an ninh quốc gia. Ngoài ra, cũng đề nghị quốc hội xem xét lại quy trình làm luật, phải có cơ quan chuyên trách xây dựng luật, tập trung các chuyên gia độc lập với cơ quan hành pháp để tránh những sai sót như bộ luật hình sự vừa rồi.
Cử tri Trần Quân Ngọc hỏi, phán quyết của tòa trọng tài thường trực PCA về biển Đông có điểm có lợi, cũng có điểm bất lợi cho Việt Nam, vì sao đến nay Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố nào về phán quyết này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, phán quyết dài hơn 500 trang, cần phải xem xét kỹ các mặt lợi hại để có tuyên bố phù hợp. Ông khẳng định sẽ cùng các lãnh đạo cấp cao chỉ đạo đẩy nhanh việc nghiên cứu này, từ đó có phản ứng phù hợp.
Tuổi trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 100
•Máy chủ tìm kiếm : 7
•Khách viếng thăm : 93
Hôm nay : 1155
Tháng hiện tại : 289608
Tổng lượt truy cập : 50718152