06:12 +07 Thứ hai, 16/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Còn nhiều loại cá nhiễm chất cấm

Thứ năm - 29/09/2016 11:32
Trong 9 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp TP HCM đã phát hiện 76 mẫu (tỉ lệ 13,8%) cá kèo, cá trê, cá tra, cá điêu hồng , cá hú, cá sặc, cá bống, cá rô… nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm nhưng chỉ xử phạt “nguội” chủ hàng, còn tang vật đều đã được tiêu thụ hết. Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo định kỳ quý III/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP diễn ra ngày 28-9.

Dân trong nghề cũng khó nhận biết

Công tác lấy mẫu kiểm tra được thực hiện bởi Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP với 548 tổng số mẫu, các chỉ tiêu phân tích như: enrofloxacin, chloramphenicom, leucomalachite, malachite green,… Nơi phát hiện tỉ lệ vi phạm cao nhất là tại các cơ sở sản xuất kinh doanh (24,7%), chợ đầu mối Bình Điền (16,4%), riêng 128 mẫu thủy sản lấy tại các vùng nuôi ở TP HCM đều không phát hiện có tồn dư. Điều này cho thấy hầu hết các mẫu thủy sản nhiễm hóa chất, kháng sinh đều có nguồn gốc nuôi từ các tỉnh đem về TP tiêu thụ.

Theo đó, những tỉnh có tỉ lệ mẫu thủy sản nuôi nhiễm nhiều là An Giang (12/38 mẫu, tỉ lệ 31,6%) với sản phẩm gồm cá chim trắng, cá lăng, cá điêu hồng, khô cá bống, lươn; Bạc Liêu (7/18 mẫu) với cá kèo; Đồng Tháp (13/50 mẫu): cá kèo, basa, cá hú, chạch, ếch, cá he; Sóc Trăng (11/26 mẫu): cá kèo; Đồng Nai (6/29): cá basa, cá rô,…

Ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP, cho biết các chỉ tiêu kiểm tra hóa chất, kháng sinh cấm phải lấy mẫu gửi đến phòng xét nghiệm. Kết quả có sau từ 10-14 ngày trong khi lô hàng thường được tiêu thụ trong ngày nên không xử lý được tang vật. Ông Sơn cũng thừa nhận không thể nhận biết thủy sản nhiễm kháng sinh bằng mắt thường, ngay cả dân trong nghề. Do vậy, chỉ có thể khuyến cáo người dân mua thủy sản rõ nguồn gốc, những nơi có áp dụng quy trình sản xuất tốt như GAP, GMP để hạn chế thấp nhất nguy cơ.

Đối với thủy sản hiện nay đã có một số sản phẩm được thí điểm kiểm soát theo chuỗi thực phẩm an toàn như: tôm nước lợ, cá thát lát, cá điêu hồng, cá kèo, cá chẽm, cá viên với sản lượng cung cấp cho thị trường đạt 1.558 tấn/năm.

Người tiêu dùng lãnh đủ

Về việc tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả từ phòng thí nghiệm (kết quả kiểm tra nhanh dương tính) nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cho biết đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng chưa được tháo gỡ về pháp lý. Theo bà Cúc, sở dĩ tỉ lệ vi phạm cao là do cơ quan chức năng tập trung lấy mẫu sản phẩm ở nhóm nguy cơ cao chứ không phải lấy mẫu ngẫu nhiên, đại trà.

Thời gian qua, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đều bị các thị trường siết chặt kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, hóa chất kháng sinh. Nếu bị phát hiện có vi phạm, doanh nghiệp phải chịu hậu quả kinh tế nặng nề: bị trả hàng, tăng tần suất kiểm tra khiến chi phí tăng, thậm chí là bị cấm xuất khẩu. Đối với cá tra xuất khẩu đi Mỹ còn phải kiểm tra trước 100%, được cấp chứng nhận an toàn mới được xuất khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp đều tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng hàng xuất khẩu. Trong khi đó, hàng tiêu thụ nội địa quản lý còn lỏng lẻo nên người tiêu dùng lãnh đủ.

Đối với thủy sản nuôi, nếu gặp dịch bệnh, người nuôi phải dùng đến kháng sinh để chữa trị. Những loại kháng sinh này sẽ được đào thải qua cơ thể sống của tôm, cá,… nhưng một số người nuôi sợ để lâu “đêm dài lắm mộng” nên sau khi dùng thuốc, cá tôm còn sống là xuất bán ngay. Vì vậy, người tiêu dùng Việt thích cá, tôm còn “bơi bơi” có thể yên tâm về độ tươi nhưng chưa chắc an toàn vì có nguy cơ kháng sinh tồn dư!

Tuy nhiên, theo công bố mới đây của Cơ quan Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ, kết quả giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi tháng 8-2016 khu vực Nam Bộ (từ Bình Thuận đến Cà Mau) chỉ phát hiện 2 mẫu cá tra thương phẩm có dư lượng trong tổng số 265 mẫu tôm, cá tra, cá rô phi , cá rô đồng , cá thát lát được lấy.

Ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp gây tồn dư trên thực phẩm cho người không chỉ nhức nhối ở nước ta mà trên toàn thế giới. Điều này vô cùng nguy hiểm vì con người sẽ phải đối diện với những bệnh không có thuốc chữa do tình trạng kháng kháng sinh (lờn thuốc). Do đó, nhà nước cần quan tâm đến vấn đề này để bảo vệ sức khỏe giống nòi.

Hiệu quả từ việc tiêu hủy heo nhiễm chất cấm

Đối với sản phẩm thịt heo, tỉ lệ mẫu nước tiểu heo được lấy tại các lò mổ tại TP nhiễm chất cấm nhóm beta agonist (tạo nạc) 9 tháng đầu năm là 9,47% (tổng số mẫu lấy là 1.225). Đáng chú ý là các mẫu dương tính đều tập trung trong quý I, trong quý II chỉ có 1 lô vi phạm, sau khi lô hàng này bị tổ chức tiêu hủy (80 con) thì cả quý III không phát hiện thêm lô dương tính mới. Chi cục Thú y TP cũng đã lấy 63 mẫu thịt heo để kiểm tra tồn dư chất cấm nhưng không phát hiện mẫu dương tính.

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 58

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 53


Hôm nayHôm nay : 9532

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 495294

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49913928



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach