21:26 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Công nghiệp hàng giả: Tăng như vũ bão

Thứ năm - 20/12/2012 06:41

Công nghiệp hàng giả (k1): Tăng như vũ bão

Ngành công nghiệp sản xuất hàng giả, hàng nhái nhằm lợi dụng danh tiếng và giá trị cao của hàng thật nên bất kỳ sản phẩm nào có giá trị cũng đều có thể trở thành đối tượng bị làm giả. Từ tiền, tài liệu, tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, đồ điện tử, bộ phận máy bay cho tới thực phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách đều có đồ giả. Chúng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại tài chính, nguy hại sức khỏe và đôi lúc đe dọa cả an ninh quốc gia.

Những năm gần đây, hàng giả lan nhanh trên toàn cầu với sự gia tăng như vũ bão về chủng loại và số lượng làm giả.

Thiệt hại 400-600 tỷ USD/năm

Quần áo và phụ kiện chiếm hơn 50% số hàng giả Hải quan Hoa Kỳ bắt giữ. Theo Phòng Thương mại quốc tế (ICC), hàng giả chiếm từ 5-7% thương mại thế giới. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính trong năm 2005, khoảng 200 tỷ USD thương mại quốc tế đến từ hàng giả, hàng nhái.

Tháng 11-2009, OECD đã nâng ước tính này lên 250 tỷ USD. Các nguồn khác nhau ước tính thiệt hại do hàng giả gây ra đối với các quốc gia trên thế giới từ 400-600 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ là nước chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nhất.

Một số người cho rằng sự trỗi dậy của hàng giả có liên quan đến toàn cầu hóa. Trong nỗ lực gia tăng lợi nhuận, ngày càng nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các thị trường lao động rẻ, những nơi luật lao động hay luật môi trường còn nhiều kẽ hở.

Các công ty cung cấp phương tiện sản xuất cho nhân công địa phương. Tuy nhiên, một bộ phận những người quản lý các xưởng sản xuất địa phương bắt đầu nảy sinh những suy nghĩ không trung thành với chính hãng. Các nhà quản lý này thấy rằng các thương hiệu toàn cầu làm ít mà thu lợi nhuận khủng chỉ nhờ vào quảng cáo đánh bóng thương hiệu.

Do đó, họ nghĩ có thể loại bỏ trung gian (công ty chính hãng) và tiếp thị sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Một số chủng loại hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là hàng của các thương hiệu đắt tiền, ăn khách hoặc hàng dễ gia công giá rẻ, đã trở thành mục tiêu thường xuyên bị làm giả.

Những kẻ làm hàng giả hoặc cố gắng đánh lừa người tiêu dùng nghĩ rằng họ đang mua hàng thật, hợp pháp; hoặc tìm sự đồng lõa ở người tiêu dùng rằng họ có thể lòe người khác bằng hàng giả.

Trung Quốc - Thủ phủ hàng giả

Hầu hết hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc, có khi được cho ra lò bởi cùng nhà máy đang sản xuất hàng thật, nhưng dùng vật liệu kém chất lượng so với hàng thật. Gần đây xuất hiện một xu hướng mới khá kỳ lạ trong ngành công nghiệp hàng giả, đặc biệt là hàng điện tử tiêu dùng: hàng chế, tức là chế thêm những tính năng chiều theo thị hiếu tiêu dùng mà dòng sản phẩm chính hãng không có.
 
 
Thí dụ, một số điện thoại Trung Quốc giả hiệu Nokia chế thêm tính năng 2 SIM hoặc tivi mà bản gốc Nokia chính hãng không có, hoặc iPod dỏm có pin rời và thay thế được, trong khi ở sản phẩm thật pin được lắp cố định theo máy. Tại Trung Quốc, quần áo và xa xỉ phẩm giả hiệu được sản xuất hàng loạt, mà xưởng sản xuất có khi chỉ là căn phòng nhỏ trong một ngôi nhà nào đó.
Các xưởng này trang thiết bị rất kém và thường hoạt động theo kiểu gia đình. Họ thuê mướn hàng xóm vào làm, những nhân công này chỉ được trả vài USD mỗi ngày và hầu hết chẳng chút ý thức rằng mình đang tham gia vào một hoạt động phạm pháp. Từ các lò hàng giả, những phiên bản giả mạo có giá thành chưa tới 2USD của những chiếc túi hàng hiệu trị giá cả ngàn USD được tung ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước khác, bao gồm Hoa Kỳ.

Bên cạnh những xưởng cò con còn có những công ty nhái y chang công ty thật. Họ nhái từ kiểu thiết kế nhà máy, dây chuyền lắp ráp cho tới danh thiếp của nhân viên, các thỏa thuận bản quyền, dấu hiệu nhận biết của chính hãng… cho thấy một cấp độ công nghệ và đầu tư cao hơn trong việc sản xuất hàng giả. Năm 2011, thế giới từng sửng sốt trước thông tin Trung Quốc tràn lan các cửa hiệu Apple giả.

Các cửa hàng giả có thiết kế giống đến từng chi tiết với các cửa hàng bán lẻ của Apple, từ logo quả táo cắn dở thường thấy cho đến trang phục màu xanh của nhân viên cửa hàng. Thậm chí, kiểu cầu thang uốn lượn của Apple Store cũng được sao chép y chang. Ngoài Apple, các công ty toàn cầu danh tiếng khác như Starbucks, McDonald’s… cũng bị nhái cửa hàng tại Trung Quốc.

Những biện pháp tuồn hàng

Giới chức Hoa Kỳ cho biết thủ đoạn tuồn hàng vào Hoa Kỳ trước khi gắn mác thương hiệu đang trở nên phổ biến hơn. Trong đó, hàng hóa được sản xuất và gửi đi mà không mang dấu tích nào khả dĩ gây sự chú ý của nhà chức trách. Trong khi đó, nhãn hiệu và các dấu hiệu nhận dạng thương hiệu được gửi riêng hoặc được sản xuất ngay tại Hoa Kỳ. Sau khi hàng hóa đã qua khâu kiểm tra của hải quan, các loại nhãn mác cần thiết sẽ được gắn vào.

Qua theo dõi, nhà chức trách xác định được 4 phương pháp chính thường được dùng để tuồn hàng giả vào Hoa Kỳ, bao gồm gửi các container hàng hóa bằng đường biển hoặc hàng không, các kiện hàng cá nhân gửi qua trung tâm bưu chính, các kiện hàng gửi chuyển phát nhanh và kênh phân phối điện tử các nội dung ăn cắp thông qua internet.

Hàng giả sử dụng giấy tờ giả để qua mặt hải quan, thậm chí có những công ty Trung Quốc đã đánh cắp nhân thân của các nhà nhập khẩu hợp pháp có lý lịch sạch nhằm tăng xác suất hàng giả được thông quan. Do Trung Quốc khét tiếng là “thủ phủ hàng giả của thế giới”, nên một số công ty đã lái hàng sang một hoặc nhiều nước khác rồi từ đó mới chuyển tiếp tới Hoa Kỳ.

-----------
Kỳ 2: Cơ cấu hàng giả

 

Công nghiệp hàng giả (k2): Cơ cấu hàng giả

Tính đến nay, riêng tại Hoa Kỳ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, lực lượng thực thi pháp luật đã bắt được trên 600 chủng loại hàng giả khác nhau.
Nâng cấp hàng giả

Công nghiệp hàng giả trước đây giới hạn trong các xa xỉ phẩm như túi xách hay đồng hồ hàng hiệu. Ngày nay, bằng sự cải tiến công nghệ được thúc đẩy bởi lợi nhuận hấp dẫn và ít rủi ro khi bán hàng giả, các loại hàng giả đã trở nên phức tạp và thịnh hành hơn.

Các sản phẩm của mọi ngành, từ thực phẩm, dược phẩm cho tới điện tử đều có thể bị làm giả. Tính đến nay, riêng tại Hoa Kỳ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, lực lượng thực thi pháp luật đã bắt được trên 600 chủng loại hàng giả khác nhau.

Các chuyên gia chống hàng giả ghi nhận trong những năm gần đây, nguồn cung hàng giả đã chuyển hướng từ thị trường thứ cấp lợi nhuận thấp (là thị trường người tiêu dùng biết họ đang mua hàng giả, hàng nhái nên đòi phải có giá rẻ hơn đáng kể) sang thị trường sơ cấp (người tiêu dùng bị gạt rằng họ đang mua hàng xịn nên chịu chi mua giá cao hơn).

Trình độ làm hàng giả ngày càng "thượng thừa", có thể cho ra các món đồ giả trông không khác gì đồ thật và không thể phân biệt bằng mắt thường.

Hàng giả trên internet

Khả năng phủ rộng của mạng internet đang bị kẻ xấu lợi dụng như một kênh phát tán hàng giả. Thông qua internet, những kẻ làm hàng giả có thể dễ dàng tiếp cận và bán đồ giả cho khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Bọn bán hàng giả lập ra các website trông có vẻ hợp pháp để lừa gạt người tiêu dùng mua nhầm hàng giả.

Do tính nặc danh của internet cũng như bọn hàng giả có khả năng ngụy trang nguồn gốc thực sự của món hàng chào bán trên mạng, nên người tiêu dùng dễ dàng sập bẫy. Những mặt hàng giả thường được rao bán trên internet bao gồm dược phẩm, quần áo, xa xỉ phẩm, linh kiện xe hơi và đồ điện tử. Ước tính có tới 50% dược phẩm rao bán trên các website bất hợp pháp trên toàn cầu là thuốc giả.

Hiện nay, thuốc Viagra của Pfizer đứng đầu bản danh sách bị làm giả nhiều nhất trên toàn cầu. Bên cạnh đó, bọn làm hàng giả cũng vươn vòi bạch tuộc sang những thứ thuốc đắt giá khác như thuốc cholesterol, thuốc ung thư, thuốc AIDS, thuốc sốt rét.

Để tránh bị chú ý và giảm thiểu thiệt hại nếu bị phát hiện, bọn buôn hàng giả đã chuyển dần từ đánh hàng bằng container sang chẻ nhỏ hàng, gởi đi thông qua các dịch vụ bưu chính hoặc các công ty chuyển phát có uy tín. Bán hàng giả qua internet rất thích hợp để thực hiện thủ thuật chẻ nhỏ này vì hàng giả sẽ được bên bán gởi chuyển phát trực tiếp đến người tiêu dùng.

Không chỉ người tiêu dùng cá nhân mà còn có các công ty Hoa Kỳ, thậm chí quân đội Hoa Kỳ cũng mua sắm qua internet và bị hố hàng. Có thể kể trường hợp quân đội Hoa Kỳ bị ê mặt vì mua lô hàng microchip trị giá 2,7 triệu USD từ một tay môi giới ở California, nhưng hóa ra, tay môi giới này đã mua chip rẻ tiền từ các website để bán lại, mà phần nhiều trong số đó là hàng giả.

Thiệt hại bởi hàng giả

Báo cáo các vụ hàng giả bắt giữ được của hải quan Liên minh châu Âu năm 2011 cho thấy những dấu hiệu đáng báo động. Các sản phẩm dùng hàng ngày và các sản phẩm có nguy cơ gây tổn hại sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, sản phẩm chăm sóc thân thể, dược phẩm, đồ điện gia dụng, đồ chơi bị làm giả tăng đột biến từ 14,5% trong năm 2010 lên 28,6% trong năm 2011.
 
Đáng sợ hơn, dược phẩm - mặt hàng can hệ trực tiếp tới sinh mạng con người - dẫn đầu danh sách hàng giả, chiếm tới 24% tổng số hàng bị bắt giữ.

Trong lúc đó, nhà chức trách Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan ngại hàng giả bắt đầu len lỏi vào chuỗi cung ứng hợp pháp với mục đích lừa gạt người tiêu dùng tin chúng là hàng thật, thí dụ trong các ngành sản xuất bộ phận máy bay, điện tử, linh kiện xe hơi.

Hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD trên toàn thế giới. Hàng giả khiến những công ty thật bị thiệt hại doanh số, chưa kể tới tổn thất giá trị thương hiệu và chi phí bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bị đội lên cao, nhà nước thất thu thuế, người lao động mất công ăn việc làm…

Đồng thời, người tiêu dùng hứng chịu rủi ro về an toàn và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi sử dụng hàng giả. Dược phẩm giả có thể chứa liều lượng thuốc không đúng hoặc đi kèm những thành phần độc hại rất nguy hiểm cho sinh mạng người dùng. Linh kiện xe hơi giả có thể biến chiếc xe thành mối nguy hiểm di động trên đường phố, các bộ phận máy bay "dzỏm" có thể phá hỏng chuyến bay, các bộ phận điện kém chất lượng có thể bỗng dưng bốc cháy…

Tuy nhiên, do các loại sản phẩm này có tính đặc thù về công nghệ, kỹ thuật nên người tiêu dùng bình thường khó phát hiện được. Sâu xa hơn, an ninh quốc gia có thể bị đe dọa một khi hàng giả thâm nhập những hệ thống nhạy cảm như viễn thông, quốc phòng.

Hàng giả mang về lợi nhuận cao, ít rủi ro bị bắt, mà lỡ như bị bắt cũng không nặng tội như buôn hàng trắng, đó là những lý do chính khiến hàng giả ngày càng trở nên hấp dẫn bọn tội phạm. Các nhà điều tra Hoa Kỳ cho biết đã phát hiện những bằng chứng các tập đoàn tội phạm có tổ chức ở Hoa Kỳ tủa ra các nước khác gom hàng giả rồi chuyển lậu về Hoa Kỳ để phân phối lại. Cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả ngày càng gay go, khốc liệt hơn.

-------------

Công nghiệp hàng giả (k3): Cuộc chiến vô vọng

Lợi nhuận quá hấp dẫn đã kích thích kẻ gian nghĩ ra đủ mọi chiêu trò làm giả. Chúng như bạch tuộc thành tinh, chặt vòi này lại mọc ra nhiều vòi khác, khiến công cuộc chống hàng giả dường như là một cuộc chiến vô vọng. 

Nỗ lực ngăn chặn

Tại EU, sự hợp tác giữa lực lượng hải quan với khu vực tư nhân đã được củng cố đáng kể trong những năm gần đây. Trong các trường hợp tình nghi hàng giả hải quan bắt giữ, có tới 90% trường hợp hàng hóa bị tiêu hủy sau khi chủ hàng và bên giữ bản quyền đồng thuận, hoặc bên có bản quyền khởi kiện vụ việc ra tòa.

Chỉ có 7,5% trường hợp hàng được thả vì xác định là hàng thật (3%) hoặc bên giữ bản quyền không có phản hồi thông báo của hải quan (4,5%). Theo luật của EU, các công ty nắm bản quyền có thể nộp đơn yêu cầu hải quan can thiệp trong những trường hợp tình nghi hàng giả. Quy định này là công cụ hữu ích cho các công ty chống nạn hàng giả nên trong giai đoạn 2004-2011, số đơn xin can thiệp đã tăng nhanh hơn 7 lần, từ 2.888 đơn lên 20.566 đơn.

Trong lúc đó, hải quan EU vẫn có thể tự ra tay bắt hàng tình nghi đồ giả, nhưng hải quan phải xác định, thông báo với chủ nhân quyền sở hữu trí tuệ và trong vòng 3 ngày làm việc, chủ bản quyền phải nộp đơn yêu cầu can thiệp thì hải quan mới có thể giữ hàng lại.

Trong 4 năm 2008-2011, số vụ hải quan tự bắt hàng giảm từ 26,5% xuống 2,8%, ngược lại, các vụ bắt hàng theo đơn yêu cầu tăng đều đặn từ 75,5% lên 97,2%. Không chỉ đánh vào giới sản xuất hàng giả, các nước như Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Đức đã áp dụng biện pháp phạt nặng những ai mua, sử dụng hàng giả, chẳng hạn nhân viên hải quan sân bay có thể kiểm tra ngẫu nhiên hành khách, nếu phát hiện mang theo hàng giả sẽ tịch thu, phạt tiền hoặc thậm chí truy tố.

Cuộc chiến vô vọng

Tuy nhiên, những bước tiến công nghệ làm hàng giả cũng đã đa dạng hóa chủng loại hàng giả và cho ra những thứ đồ giả giống hàng thật tới mức không thể phân biệt bằng mắt thường. Một trong những phương pháp chính mà kẻ gian dùng để làm giả hàng điện tử và thiết bị phần cứng là sử dụng nhãn giả.

Thí dụ các con chip hoặc bo mạch máy tính cũ có thể là linh kiện thật, được sản xuất bởi một công ty hợp pháp nhưng bị kẻ gian dán lại nhãn nhằm làm khách hàng lầm tưởng chúng là đồ mới, có tính năng, chất lượng cao cấp hơn.

Thủ pháp này phổ biến ở Trung Quốc, nhưng ngay tại Hoa Kỳ, sau cơn siêu bão Katrina, người ta phát hiện nhiều bộ ngắt mạch bị nước phá hỏng đã được thu gom, làm sạch, sửa chữa, dán nhãn mới để bán cho khách hàng. Nguồn tin của Hoa Kỳ cho biết kể cả tem hologram (có nhiệm vụ giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật) cũng đang bị làm giả một cách hoàn hảo, khiến việc xác minh thật/giả càng thêm phức tạp, phải cần tới chuyên gia giám định với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật như chụp X quang để tìm ra những chi tiết khác lạ ở sản phẩm giả mạo.
 
Một số ngành công nghiệp đã đặt ra những nguyên tắc cực kỳ khắt khe cho hệ thống sản xuất, phân phối và bán sản phẩm của họ. Trong ngành hàng xa xỉ phẩm, các thương hiệu lớn cho sản xuất hàng ở 1 nơi duy nhất, chuyển hàng bởi 1 nhà vận chuyển duy nhất và bán trong những cửa hàng tên tuổi có liên kết với công ty. Các công ty dược phẩm có rất ít đại lý bán sỉ và quy trình bán hàng được kiểm soát cao độ.

Việc kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng sẽ giúp giảm nguy cơ bị hàng giả xâm nhập. Tuy nhiên, để tới tay người tiêu dùng đầu cuối, có thể 1 sản phẩm phải đi qua vô số nhà cung ứng, sản xuất, phân phối, và theo đó, vô số rủi ro có thể xảy ra.

Đại diện ngành công nghiệp linh kiện xe hơi, máy bay cho biết hàng giả thường được trộn lẫn với hàng thật khi giao hàng, nếu như chỉ kiểm tra ngẫu nhiên lô hàng nào đó thì hàng giả hoàn toàn có khả năng lọt lưới vào chuỗi cung ứng hợp pháp và có mặt trong thành phẩm cuối cùng. Tính chất bảo đảm hàng thật của chuỗi cung ứng hợp pháp bị thách thức.

Không ít người tiêu dùng vì muốn mua được giá rẻ hơn nên đã chấp nhận hàng giả không đạt chuẩn mà chẳng mấy quan tâm tới mối nguy hiểm đi kèm. Không cần nhọc công len lỏi vào chuỗi cung ứng hợp pháp, hàng xa xỉ phẩm giả nhắm vào thị trường thứ cấp nơi người tiêu dùng biết rõ hoặc có lý do nghi ngờ sản phẩm họ đang mua là đồ giả, nhưng vẫn cứ mua.
Dược phẩm cũng thế, nếu mua trong nhà thuốc được cấp phép, người sử dụng có lý do tin rằng thuốc đó là hợp pháp và an toàn, còn nếu mua trên mạng, họ có thể mua phải thuốc giả chưa được kiểm nghiệm và không có sự bảo đảm nào về tính hiệu quả hay an toàn, vậy nhưng vẫn có người nhắm mắt làm ngơ với rủi ro.

Ở thị trường sơ cấp, mặc dù người tiêu dùng chấp nhận giá cao để mua được hàng thật nhưng họ vẫn có tâm lý thích giá hời, và để thỏa mãn những vị khách này, hàng giả siêu cấp sẽ được bán với giá chỉ hơi thấp hơn hàng thật để khách vui vẻ móc hầu bao mà không chút nghi ngờ.

Lợi nhuận quá hấp dẫn đã kích thích kẻ gian nghĩ ra đủ mọi chiêu trò làm giả, cùng với sự thỏa hiệp dù vô tình hay cố ý của người tiêu dùng đã khiến những nỗ lực chống hàng giả dường như là một cuộc chiến vô vọng.

Bảo Trúc
 

Nguồn tin: Cafef.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 145

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 144


Hôm nayHôm nay : 42112

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 957160

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44324845



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach