“Nhu cầu thị trường xuất khẩu hiện đang ở mức thấp, có thể do người mua đang chờ đợi xem liệu giá gạo có tiếp tục giảm hay không”, một nhà giao dịch tại Bangkok nhận định. Giá gạo Thái Lan được dự báo giảm trong tuần tới và sẽ duy trì tương đối ổn định tới cuối tháng 10, theo các nhà giao dịch gạo.
Giá gạo 5% tấm Việt Nam giảm nhẹ từ 385 – 395 đô la Mỹ/tấn xuống còn 385 – 390 đô la Mỹ/tấn cuối tuần này (FOB Sài Gòn). Giá gạo Việt Nam giảm vào thời điểm nhu cầu mua mới ở mức thấp sau khi thu hoạch vụ hè thu vừa kết thúc.
“Thị trường trầm lắng, nhu cầu thấp, giá gạo Thái Lan giảm nên giá gạo Việt Nam cũng giảm theo”, một nhà giao dịch tại TPHCM cho biết.
Thái Lan và Việt Nam hiện lần lượt là các nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và 3 trên thế giới. Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo đồ 5% tấm giảm 3 đô la Mỹ, xuống còn 400 – 403 đô la Mỹ/tấn. Nhu cầu thấp là do đồng rupee mạnh lên, làm giảm động lực mua vào của các nhà giao dịch quốc tế.
“Người mua đang đòi giá ở mức dưới 400 đô la Mỹ/tấn, nhưng chúng tôi không thể hạ giá thêm do đồng rupee đang mạnh lên”, theo một nhà xuất khẩu gạo tại Kakinada thuộc bang miền Nam Andhra Pradesh, Ấn Độ. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể sẽ chậm lại trong vài tháng tới do giá đang quá cao so với các đối thủ cạnh tranh khi đồng rupee và giá lúa nội địa cùng tăng.
Trong khi đó, Bangladesh đang chuẩn bị mua 250.000 tấn gạo trắng ở mức giá 453 đô la Mỹ/tấn từ Campuchia theo một hợp đồng chính phủ (G2G). Trước đó, nước này đã nhập khẩu 200.000 tấn gạo trắng với giá 430 đô la Mỹ/tấn và 50.000 tấn gạo đồ với giá 470 đô la Mỹ/tấn từ Việt Nam.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Bangladesh trở nên ngày càng quan trọng đối với giá gạo trên thị trường thế giới trong năm 2017 do chính phủ nước này đang nỗ lực tăng cường kho dự trữ để làm giảm nhiệt giá gạo nội địa đang tăng cao sau đợt lũ lụt diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, gây thiệt hại 1 triệu tấn gạo tại nước này.
Theo báo cáo về tình hình xuất khẩu nông sản mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu 8 tháng đầu năm của Việt Nam ước đạt 3,96 triệu tấn, trị giá 1,75 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 20% về lượng và 17,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm lại giảm 2%, đạt khoảng hơn 440 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% thị phần, và tăng hơn 30% cả về lượng và giá trị.
Nguồn tin: TBKTSG Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 138
•Máy chủ tìm kiếm : 6
•Khách viếng thăm : 132
Hôm nay : 29561
Tháng hiện tại : 613777
Tổng lượt truy cập : 50032411