14:09 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Gỉai pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản Hậu Giang

Thứ sáu - 10/01/2014 03:16


Hậu Giang là vùng đất có nhiều tiềm năng và con người chịu khó nên khi thành lập tỉnh đến nay đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Từ xuất phát điểm rất thấp, nhờ biết phát huy nội lực, từng bước khai thác lợi thế địa lý kinh tế cả tỉnh đã vượt qua  khó khăn, đưa nền kinh tế phát triển với những bước đi vững chắc.


 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân giai đoạn 2004 – 2013 là 7%. Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn còn phải đối diện với những thách thức trong chặng đường sắp tới !
 

 Diện tích trồng lúa khoảng 80.000 ha, sản lượng tăng từ 1.076 triệu tấn năm 2004 lên 1.185 triệu tấn năm 2013, nhưng rõ ràng tổn thất sau thu hoạch còn ở mức cao; Ngoài thất thoát về khối lượng từ 11 – 13 %, còn giảm giá trị trên thị trường từ 10 – 20 %.
 

Nông dân Hậu Giang tiếp cận thiết bị mới của Cty Bùi Văn Ngọ

 

Theo báo cáo của cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản  và nghề muối, bộ NN-PTNT, tỷ lệ gặt bằng máy ở Hậu Giang mới đạt 43%. Số lượng máy sấy lúa , công suất quy  đổi:  6 tấn/ mẽ , có khoảng 416 máy. Lượng lúa được sấy chiếm 30 – 40 %. Chủ yếu sấy lúa bằng máy sấy tĩnh vĩ ngang. Hậu Giang chưa có hệ thống sấy công nghiệp, kho tồn trữ lúa cơ giới và các hệ thống xay xát chế biến lúa gạo có công nghệ tiên tiến. Do đó tiềm năng sản xuất lúa gạo chất lượng cao nhưng  sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo theo hướng chế biến, bảo quản chất lượng trung bình.
 

 Sức cạnh tranh của hạt gạo Hậu Giang trên thị trường chưa tạo giá trị tăng thêm trong chuỗi sản xuất tương xứng với tiềm năng, không chỉ đem lại hiệu quả trực tiếp cho các hộ nông dân trồng lúa chưa cao mà còn ảnh hưởng đến giá trị đóng góp từ khu vực nông nghiệp- Kéo theo những ngành khác đang tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
 

             Triển khai chương trình cơ giới hóa trong canh tác và hiện đại hóa công nghiệp chế biến là việc cần thiết, Hậu Giang cần nhiều chuyên gia trong cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp nói riêng.
 

            Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp ở Hậu Giang. Nhưng tại Hậu Giang hiện nay có bao nhiêu kỹ sư cơ khí và kỹ sư cơ khí nông nghiệp phục vụ trong ngành nông  nghiệp? Cả khu vực tư nhân và khu vực công? Ai quản lý nguồn nhân lực quý hiếm này? Nếu không biết nguồn nhân lực này đang như thế nào thì chúng ta chưa hết khó khăn!
 

             Hậu Giang là nơi dành đất cho cây mía, nhưng nếu nhìn vào thực trạng cây mía, chúng ta thấy gì? Diện tích hiện nay  lên đến 12.000 ha. Năng suất bình quân đạt 100 – 110 tấn/ha (Thâm canh đạt 130 – 150 tấn ).Vấn đề đặt ra cho cây mía Hậu Giang là khâu cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch còn rất nhiều khó khăn và khi mà khó khăn đó chưa được khắc phục, việc  lấy đường từ cây mía không phải dễ có lời! Cây mía Hậu Giang phải canh tranh với các nước có ngành trồng mía đường được trang bị cơ giới hóa cao, năng suất mía bình quân 150 tấn/ha, trữ lượng đường 14%, công nghiệp chế biến tiên tiến với giá thành rất cạnh tranh so với ngành chế biến mía đường của Việt Nam.
 

          Về vật nuôi, thủy sản và các cây trồng khác, nhìn chung còn ở quy mô nhỏ, trình độ canh tác chưa được xem là  tiên tiến, chưa có thương hiệu và sức canh tranh còn yếu.
 

 Hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, kết hợp với điện khí hóa nông nghiệp, bờ ruộng phải đủ rộng để cơ giới vào được tận ruộng. Liệu  Hậu Giang có nghĩ tới việc dành đất để trồng cỏ, trữ rơm. Kết hợp trồng cỏ, phát triển chăn nuôi đại gia súc, thủy sản, trồng nấm trên đất lúa và đất vườn tạp sẽ đa dạng hóa nguồn thu cho nông dân.
 

Liệu có giải pháp nào hiện đại hóa hệ thống canh tác, hợp tác với các Viện , trường nghiên cứu giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước trong tỉnh , thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, cho gạo ngon, chịu phèn mặn, chống sâu bệnh, đỗ ngã, tránh tình trạng rơi rụng và thuận lợi cho khâu thu hoạch bằng  máy.
 

Những giống gạo ngon cơm sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại có ảnh hưởng lớn như Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương ( Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – Viết Tắt TPP), cơ hội và thách thức buộc chúng ta phải suy nghĩ và hành động để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia từ lĩnh vực nông nghiệp . Đó là lĩnh vực mà Việt Nam có nguồn lực lớn. Vấn  đề là làm sao liên kết lực lượng để tạo sức mạnh?!.
 

Hiệu quả “bậc thang giải pháp” cần được nghiên cứu vì nó sẽ  góp phần:
 

  • Giảm tổn thất sau thu hoạch hiện nay ở mức 12- 13% về khối lượng xuống 6%  vào năm 2020.
  • Tăng giá trị hạt gạo lên từ 10-15%
  • Tăng giá trị trong chuỗi sản xuất lúa gạo do sử dụng có hiệu quả các phó sản từ sản xuất lúa gạo.
  • Tạo ra năng lực cạnh tranh và giá trị tăng thêm mới mức 20% trên tổng giá trị hạt lúa tương đương với 200.000 đến 250.000 tấn lúa trị giá đến 1.000 tỷ đồng.


Từ nguồn lực này Hậu Giang chủ động đầu tư phát triển tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh của hạt gạo và hàng nông sản trong tỉnh.  Định hướng phát triển Hậu Giang đến năm 2020 có nêu:“Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ có diện tích 5.200 ha với tổng vốn đầu tư là 4.000 tỷ đồng”.
 

Nguồn vốn ở đâu và nguồn nhân lực nào để thực hiện đề án này?Và hàng nông sản này nhắm vào thị trường nào- và năng lực cạnh tranh ra sao? Đang là câu hỏi nhiều trăn trở!
 

          Nếu hiện thực hóa điều này sẽ tạo ra động lực mới để đưa nông nghiệp Hậu Giang chuyển biến mới về chất. Muốn vậy,  Hậu Giang  phải tập trung vào các mục tiêu chủ yếu sau đây:
 

  • Tập trung đầu tư vào cây lúa, sản xuất lúa chất lượng cao theo chuẩn VIETGAP , Global GAP.
  •  Giải quyết triệt để thất thoát sau thu hoạch lúa về khối lượng và giá trị.
  • Tăng năng lực cơ giới hóa nông nghiệp trong sản xuất lúa - thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
  • Sấy tồn trữ xay xát lúa gạo bằng công nghệ tiên tiến.
  • Chế biến các phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo là rơm rạ, trấu, tấm cám và các sản phẩm sau gạo.


 

Đầu tư theo hướng này rất khả thi do phát huy được nguồn nội lực, vốn đầu tư và đem lại hiệu quả ngay cho nền kinh tế . Khi Hậu Giang huy động được lợi thế so sánh về tiềm năng, địa lý kinh tế và có tác dụng dây chuyền, không chỉ xây dựng cánh đồng hiện đại, sản xuất lúa chất lượng cao mà còn giải quyết được bài toán công nghệ chế biến lúa gạo tiến tiến.
 

      Xây dựng 10 cụm xay xát tiên tiến, liên kết với vùng nguyên liệu diện tích canh tác khoảng 6.000-7.000 ha. Ổn định sản xuất chế biến lúa chất lượng cao từ 150.000 đến 200.000 tấn/ cụm, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng/cụm sẽ tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng/ năm. Đó là nguồn nội lực để phát triển nông nghiệp Hậu Giang.
 

     Do điều kiện thuận lợi, Hậu Giang nên xác định là tỉnh trồng lúa chất lượng cao và hệ thống chế biến lúa gạo tiên tiến. Kênh Xà No phải phát huy tiềm năng và truyền thống vốn có của nó.
 

          Thành công trong mũi đốt phá này, sẽ tạo ra các bước tiếp theo khơi dậy nguồn lực kinh tế Hậu Giang.

 

KS: Nguyễn Thể Hà

Tư vấn Công Ty Cơ Khí CNN Bùi Văn Ngọ


 

BOX 1:

Những giải pháp cho cây lúa:

-Cơ giới hóa trong toàn bộ các khâu

-Xây dựng cánh đồng hiện đại theo chuẩn Vietgap – Global Gap

-Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp

Tồn trữ chế biến

Sấy lúa ngay sau thu hoạch bằng phương pháp sấy công nghiệp, công nghệ sấy gián tiếp đảm bảo giữ được tính đặt trưng của từng loại gạo theo từng giống lúa. Sấy lúa theo công nghệ sấy thóc giống.

Tồn trữ trong các kho bảo quản được cơ giới hoá.

-  Xay xát lúa gạo trong các nhà máy tiên tiến đạt tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, đạt chuẩn HACCP ở các khâu đảm bảo chất luợng hạt gạo.

- Tăng cuờng chế biến phụ phẩm và các sản phẩm sau gạo.Làm thị truờng là khâu quyết định bên cạnh việc tạo giá trị gia tăng trong toàn chuỗi sản xuất chế biến tạo ra giá trị gia tăng nông sản của Hậu Giang.

 Tận dụng rơm rạ không phải là suy nghĩ mới, nhưng sẽ tạo việc làm mới nhằm khai thác hiệu quả rơm rạ sau thu hoạch: Dễ hình dung nhất là làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc, trồng nấm…Đưa giá trị rơm rạ từng bước ngang với giá trị hạt lúa.

 

 

BOX 2:

Những giải pháp cho cây mía và vật nuôi khác

Cần phải chuyển đổi hệ thống canh tác, công nghệ chế biến và sản phẩm mía đường tránh phải cạnh tranh với các nước có ngành trồng mía được cơ giới hoá toàn bộ và công nghệ chế biến tiên tiến.

Cần nghiên cứu sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thủ công hiện đại theo hướng sản xuất đường sạch không hoá chất.

 

 

BOX 3:

Những giải pháp đối với cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản

- Cần phải tổ chức lại sản xuất, phát huy tính đặc sắc của từng mặt hàng

- Thương mại hoá sản phẩm bằng các giải pháp chủ động tích cực vào thị trường đô thị và thị trường xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao.

- Xây dựng tiêu chuẩn hàng hoá.

- Xây dựng thương hiệu nông sản, thực hiện tốt các giải pháp về thị trường liên kết lợi ích là những yếu tố cốt lõi của đổi mới trong nông nghiệp.

Nguồn tin: haugiang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 102

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 99


Hôm nayHôm nay : 42465

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 983292

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44350977



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach