05:02 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Sao dân ta phải ăn thực phẩm bẩn?

Thứ tư - 16/12/2015 05:20
Câu chuyện thịt VietGap bị “đánh hội đồng” ở chợ Hoà Bình, quận 5 đã phản ánh đầy đủ môi trường kinh doanh thực phẩm hiện nay. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, công ty An Hạ (Củ Chi) những tưởng đã gặt hái thành công khi lượng người tiêu dùng từ khắp nơi nườm nượp đổ về chợ Hoà Bình chỉ để… mua được thịt heo VietGap.

[143697]anh__17___1_Heo VietGap bị đánh hội đồng

Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ “êm” được hai ba ngày đầu thì đến những ngày sau An Hạ bị giới tiểu thương phản ứng quyết liệt. Nguyên cớ là do lượng người tiêu dùng “hút” hết về mấy quầy thịt VietGap của công ty, còn những quầy khác không bán heo VietGap thì bị ế ẩm, vậy là tiểu thương tỏ thái độ ghen tỵ, yêu cầu ban quản lý can thiệp, bắt các quầy thịt VietGap dỡ bỏ tất cả các biển quảng cáo heo sạch VietGap cho… công bằng!

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty An Hạ, nói rằng bà rất buồn trước hành động của tiểu thương chợ Hoà Bình. Theo bà Thắm, thực tế thịt heo VietGAP mặc dù có giá thành chăn nuôi cao hơn, tốn công sức, thời gian nuôi lâu hơn nhưng giá bán chỉ ngang bằng heo thường chứ công ty không bán cao để trục lợi.

Sự việc bị buộc phải “lột” sạch biển quảng cáo heo sạch VietGap chưa nguôi, thì mới đây, vào đầu tháng 12 An Hạ lại bị đội quân thương lái xuống các trang trại nuôi heo ở Củ Chi, Hóc Môn tranh giành mua heo VietGAP, vốn đã được công ty liên kết tiêu thụ. Theo bà Thắm, kể từ khi công ty công bố bán heo VietGAP, loại thịt này không chỉ được người tiêu dùng quan tâm mà ngay cả các bếp ăn trường học, bếp ăn nhà hàng, khách sạn và một số hệ thống siêu thị cũng tìm đến đặt hàng. Do đó, rất có thể các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cùng ngành, trong đó có cả tên tuổi lớn bị mất khách hàng nên họ phải vội vàng tìm kiếm heo VietGAP hòng đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Môi trường kinh doanh chụp giật, không có gì là bài bản, bền vững. Tôi có cảm giác như người ta chỉ mong muốn kiếm lợi nhuận thật nhanh chứ ít quan tâm đến việc đầu tư tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng”, bà Thắm tâm sự.

Người tiêu dùng hàng ngày đang ăn phải những thứ độc hại, rất cần tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch nhưng với kiểu kinh doanh thật giả lẫn lộn như hiện nay thì khó có thể khuyến khích doanh nghiệp chịu đầu tư để đáp ứng nhu cầu này được. Theo ông Phi Long, giám đốc công ty chăn nuôi Long Bình, Đồng Nai, công ty không thể làm thương hiệu gà sạch để bán vào hệ thống siêu thị hay mở cửa hàng riêng phân phối, vì thị trường có quá nhiều điều bất minh.

Ông Long kể, thông thường giờ giao hàng là 5 giờ sáng, xe công ty chở gà từ lò mổ tới giao, lúc đó chỉ có nhân viên phụ trách kho đứng ra nhận, sau đó họ ném gà ở ngoài trời cho đến tận 7 – 8 giờ mới có người tiếp hàng tới đưa vào kho mát. Lúc đó, thịt không còn tươi, hàm lượng vi khuẩn E.coli, salmonella tăng lên. Ông Long đành rút lui khỏi siêu thị vì… sợ mất uy tín.

Không chỉ gặp khó khăn đưa sản phẩm sạch vào siêu thị, doanh nghiệp còn phản ánh việc làm nhãn hàng, logo riêng công ty để người dùng dễ nhận diện thương hiệu; thì tung ra thị trường ngày trước là ngày sau bị làm giả, làm nhái tức thì. Ông Phi Long cho hay, logo giả gà thương hiệu Long Bình của công ty hiện đang được người khác lấy để sử dụng một cách ngang nhiên. Họ phân phối sản phẩm nhái hà rầm trên thị trường. Trước tình trạng này, Long Bình cũng đã tìm cách thuê địa điểm, mở cửa hàng riêng nhưng vẫn không thành công vì giá thuê mặt bằng làm đội chi phí, đặc biệt là người dùng dường như đã mất niềm tin vào sản phẩm bán ở cửa hàng có quảng cáo bài bản. Ngược lại, họ thích mua ở chỗ tiện lợi, chỉ cần tạt vào chợ, chống xe, nhoài người trả tiền rồi lấy con gà đi.

“Mình làm ra sản phẩm sạch mà đành chấp nhận phải đem ra bán đổ đồng, giá bằng với sản phẩm không rõ nguồn gốc”, ông Long nói.

Có ý kiến cho rằng, với một môi trường kinh doanh thực phẩm bán nháo như hiện nay, doanh nghiệp làm ra sản phẩm sạch xuất khẩu ra nước ngoài còn dễ hơn bán trong nước. Hiện đang có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã sản xuất ra thịt gà sạch, thịt heo sạch và mục đích của họ là xuất khẩu chứ không tiêu thụ ở thị trường nội địa. Không chỉ có mặt hàng thịt, lâu nay thuỷ sản đem xuất khẩu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế chứ không thể làm bậy bạ như bán nội địa. Xem ra, chúng ta đang coi trọng đến xuất khẩu, phải kỳ công làm ra sản phẩm sạch để phục vụ người nước ngoài, còn người dân Việt Nam lại chỉ được ăn sản phẩm bẩn, thiếu ăn toàn.

Hiện đang có quá nhiều cơ quan liên đới trách nhiệm quản lý thực phẩm. Bộ Nông nghiệp, ngoài chức năng nhiệm vụ sản xuất ra nguồn thực phẩm đạt chất lượng, bộ này còn lập ra hẳn cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad), cục Thú y và dưới cục là có đội ngũ cán bộ chi cục thú y các tỉnh rất hùng hậu để quản lý thực phẩm.

Phía bộ Y tế cũng có cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cấp sở y tế địa phương cũng có bộ phận chuyên trách làm công việc tương tự như cục. Ngoài ra, mặt hàng thực phẩm còn được giám sát bởi bộ Công thương, cụ thể là cơ qua quản lý thị trường.

Mới đây, bộ Y tế và bộ Nông nghiệp còn bày ra chương trình “Năm an toàn thực phẩm”, do đó đã thành lập ra ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố với số lượng công chức, viên chức tham gia đông đảo. Vậy mà, thực phẩm bẩn vẫn cứ tràn lan trên thị trường.

Minh Khoa

Nguồn tin: TGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 89

Máy chủ tìm kiếm : 11

Khách viếng thăm : 78


Hôm nayHôm nay : 29668

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 927008

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44294693



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach