* Hiệu quả bước đầu
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Qua 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ĐBSCL đóng góp 40,7% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Nhiều địa phương như: An Giang, Đồng Tháp đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng bắp, đậu nành và các loại rau màu khác, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế từ 20-30% so với trồng lúa. Ngoài ra, các địa phương trong vùng ĐBSCL còn tập trung tạo ra những giống lúa mới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện toàn vùng đã chọn được 25 dòng lúa triển vọng chịu được khô hạn, 5 giống lúa xuất khẩu…
Đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ (bìa trái) tham quan điểm trưng bày các loại nông sản đặc trưng của vùng ĐBSCL tại tỉnh Đồng Tháp.
Điểm nổi bật là các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là đã quy hoạch được cánh đồng lớn sản xuất nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu và chọn một số cây trồng chủ lực, có lợi thế phát triển, có thị trường tiêu thụ tốt để ưu tiên phát triển theo hướng VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản được tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp gắn từ gieo trồng đến chế biến, xuất khẩu. Trong đó, mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", quản lý nước, cơ giới trong khâu làm đất, sạ, gặt đập liên hợp… góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nông dân và các đối tác tham gia trong chuỗi. Toàn vùng ĐBSCL hiện có trên 626.600ha nuôi tôm, chiếm 93% diện tích nuôi tôm của cả nước và đạt sản lượng trên 475.000 tấn, chiếm 84,4% sản lượng tôm nước lợ của cả nước. Tổng sản lượng thủy sản vùng ĐBSCL năm 2015 đạt 2.450 nghìn tấn, tăng 8,5% so với năm 2013. Hiện nhiều mô hình nuôi tôm trong nhà công nghệ cao được đầu tư tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang; mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra ở An Giang, Cần Thơ đã đem lại hiệu quả lớn cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Sau 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ĐBSCL đã đạt được những thành tựu rõ rệt. Hiện nay, ĐBSCL có 1.284 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chiếm 14% tổng số xã của cả nước. Tính đến cuối năm 2015, bình quân mỗi xã đã đạt 13 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2014. ĐBSCL hiện có khoảng 1.200 hợp tác xã nông nghiệp và khoảng 16.000 tổ hợp tác, trong đó tổ hợp tác phát triển mạnh trong lĩnh vực trồng trọt và thủy sản. Phần lớn các mô hình kinh tế hợp tác của vùng có vai trò quan trọng, đáp ứng yêu cầu và tạo sự đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL.
* Tìm giải pháp đột phá
Theo Bộ NN&PTNT, dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng ĐBSCL thực tiễn mới chỉ là bước khởi đầu. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa vững chắc. Bởi, ĐBSCL chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn làm suy thoái tài nguyên, đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ và đồng đều ở các địa phương. Việc đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hay triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm; chuyển đổi mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu chưa quyết liệt; năng suất và chất lượng một số nông sản cũng như khả năng cạnh tranh còn thấp; còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai... Quá trình hội nhập quốc tế đã đem lại nhiều thách thức đối với nông nghiệp vùng ĐBSCL và cả nước, nhất là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương chưa thật sự chặt chẽ; việc liên kết hợp tác trong phát triển sản xuất nông nghiệp giữa các tỉnh thuộc các tiểu vùng chưa được chú trọng.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng: Thời gian tới, các địa phương vùng ĐBSCL cần cụ thể hóa đề án tái cơ cấu theo các lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất các nông sản chủ lực theo định hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhất là đối lúa gạo, cây ăn trái. Song song đó, tập trung đầu tư áp dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. Tăng cường hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ liên tỉnh, liên vùng nhằm tạo đầu ra và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu đối với các sản phẩm có tiềm năng (trứng vịt muối, mật ong, khô bò, trứng gia cầm chế biến…) và sản phẩm có ưu thế (gạo, thủy sản, trái cây và các sản phẩm chăn nuôi...) theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1600/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Các địa phương chủ động triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các định hướng cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp tục quan tâm công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là ưu tiên triển khai xây dựng 3 khu nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang. Những nơi này sẽ làm đầu tàu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn hàng hóa lớn với năng suất và chất lượng đạt chuẩn, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tập hợp kịch bản về biến đổi khí hậu, rà soát qui hoạch phát triển nông nghiệp và tái cơ cấu ở ĐBSCL theo đặc điểm từng vùng mặn, ngọt, lợ; chọn lọc sản phẩm độc đáo của địa phương, có đề án phát triển; đẩy mạnh kinh tế hợp tác; chú ý liên kết vùng, tiểu vùng. Từ mô hình ký kết liên kết giữa các địa phương thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên cũng sẽ bàn về hướng liên kết phát triển vùng.
Tại hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy sản, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL và kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười vừa diễn ra ở Đồng Tháp, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cho rằng: Để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các địa phương vùng ĐBSCL cần nhận diện thực trạng, đề xuất các giải pháp cho tái cơ cấu nông nghiệp từ việc liên kết hợp tác sản xuất, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản chủ lực của vùng. Các ngành, các cấp và các địa phương cần có cải cách phát triển ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, rà soát điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất các nông sản chủ lực theo định hướng liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng, tăng sức cạnh tranh nông sản cho vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập. |
Bài, ảnh: Mỹ Hoa
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 70
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 68
Hôm nay : 34550
Tháng hiện tại : 110855
Tổng lượt truy cập : 50539399