07:32 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Thế giới chi bao nhiêu cho truyền thông tiếp thị?

Thứ tư - 20/01/2016 07:17
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của thị trường truyền thông tiếp thị toàn cầu sẽ cho thấy những dấu hiệu và xu hướng nào mà các doanh nghiệp cần quan tâm để có định vị tốt nhất cho việc sử dụng ngân sách thông minh nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
 
Chi phí toàn cầu cho truyền thông tiếp thị được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình hàng năm khoảng từ 5,1% trong vòng năm năm tới – lên mức 2.100 tỉ USD trong năm 2019 từ mức 1.600 tỉ USD của năm 2014. Dự đoán của ZenithOptimedia và các con số từ nghiên cứu của McKinsey và của nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, tuy xu hướng các chi phí này có giảm dần nhưng riêng ngân sách quảng cáo trong năm 2016 sẽ được dự đoán tăng cao, với các sự kiện tầm mức toàn cầu có sức thu hút lớn như Thế vận hội mùa hè, các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, giải vô địch cúp UEFA.




Quảng cáo trên điện thoại di động là một xu thế mạnh mẽ hiện nay. Ảnh: Lê Quang Nhật

Sự chuyển dịch sang truyền thông tiếp thị số


Truyền thông tiếp thị số sẽ tiếp tục vượt mặt truyền thông kiểu cũ trên nhiều lĩnh vực, dịch vụ và sản phẩm với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao và sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh. Tới năm 2019, dự đoán của các chuyên gia là ngân sách thế giới chi dùng cho truyền thông số sẽ chiếm tới hơn 50% tổng ngân sách chi cho truyền thông tiếp thị toàn cầu. Lĩnh vực truyền thông số, bao gồm cả các quảng cáo trên internet và mobile sẽ trở thành nguồn thu quảng cáo lớn nhất vào năm 2017, vượt mặt quảng cáo trên truyền hình; trong đó, quảng cáo trên mobile sẽ có thị phần tăng gấp đôi trong thị trường quảng cáo số. Sự chuyển dịch nhanh mạnh này sang truyền thông tiếp thị số bị dẫn dắt bởi số lượng người tiêu dùng có kết nối mạng ngày càng tăng nhanh, cũng như sự mở rộng của điện thoại di động và băng thông rộng.


Hơn nữa, thời gian và tần suất sử dụng các thiết bị này cũng ngày càng tăng trên người tiêu dùng. Lý do duy nhất có thể kéo tốc độ tăng trưởng của quảng cáo số là khả năng chứng minh về hiệu quả đầu tư trên các thiết bị số so với các cách quảng cáo truyền thống. Tại Mỹ, thủ thuật mua các quảng cáo hiện diện số (digital display ads) sử dụng công nghệ tự động, còn được gọi là “được lập trình” trong năm 2015 đạt ngân sách tiếp thị 10 tỉ USD, tăng 137% so với năm 2014 và chiếm tới 45% thị phần quảng cáo hiện diện số của nước này.


Theo eMarketer, Facebook là công ty thống trị bức tranh toàn cảnh ngành quảng cáo số trả tiền trên toàn cầu. Ước tính trong năm 2015, công ty này đạt doanh thu quảng cáo khoảng 15,5 tỉ USD, chiếm tới 65,5% chi phí quảng cáo mạng xã hội trên toàn thế giới. Con số này trong năm 2014 là 64,8%. Trong khi đó, Twitter cũng chiếm tới 8,8% thị phần quảng cáo mạng xã hội năm nay, kiếm được khoảng 2,09 tỉ USD, tăng trưởng 7,1% so với năm 2014. LinkedIn tuy cũng đạt tới 900 triệu USD quảng cáo nhưng đã giảm gần 1% so với doanh số của 2014.


Các phân khúc quảng cáo hiện tại đang có mức tăng trưởng cao sẽ dần chững lại như quảng cáo trên truyền hình, thay vào đó các hình thức quảng cáo mới như quảng cáo ở rạp chiếu phim, trên các trò chơi video… sẽ có mức tăng cao. Quảng cáo trên báo và tạp chí sẽ giảm dần và sẽ có tổng mức doanh thu toàn cầu khoảng 8 tỉ USD trong khoảng thời gian từ 2014 – 2017, theo một phân tích của ZenithOptimedia.
 
Thị trường các nước đang phát triển 



Các thị trường đang phát triển đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng về chi phí truyền thông tiếp thị toàn cầu. Lý do không phải chỉ vì các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống vẫn tiếp tục sống khoẻ ở các khu vực này mà còn bởi vì ở các thị trường này, bao gồm các quốc gia từ Mexico tới Trung Quốc tới Ấn Độ và Malaysia… đã có được những sự mở rộng mạnh mẽ hơn về kinh tế cũng như mức thu nhập của các hộ gia đình cao hơn, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Trung và Đông Âu. Sự tăng trưởng này sẽ thúc đẩy chi phí vào cả quảng cáo lẫn nội dung ở các khu vực này tăng cao. Trên thực tế, thị trường truyền thông tiếp thị châu Á – Thái Bình Dương là nguồn tăng trưởng tuyệt đối lớn nhất của ngành truyền thông toàn cầu trong vòng năm năm tới.


Theo số liệu nghiên cứu của eMarketer, mức tăng trưởng toàn cầu trong lĩnh vực quảng cáo sẽ vẫn tiếp tục nhưng sẽ có sự phân biệt rõ ở các khu vực khác nhau trên thế giới khi Tây Âu sẽ có mức tăng thấp nhất và khu vực châu Mỹ Latinh có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Bắc Mỹ sẽ dần bị châu Á – Thái Bình Dương soán ngôi là thị trường có mức chi quảng cáo lớn nhất toàn cầu vào năm 2019.


Cũng theo số liệu nghiên cứu này, Mỹ sẽ chi tới 9,59 tỉ USD cho quảng cáo trên mạng xã hội vào năm 2015 và dự đoán sẽ tăng lên tới 14,4 tỉ vào năm 2017; trong khi Trung Quốc cũng sẽ tăng từ mức 3,41 tỉ năm 2015 lên gần gấp đôi vào năm 2017. Theo ZenithOptimedia, dự đoán sự kiện Thế vận hội mùa hè và cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sẽ là những nguồn giúp tăng trưởng quảng cáo tại khu vực Bắc Mỹ, trong khi mức tăng trưởng của Anh và các nước ngoại biên khu vực đồng euro sẽ giúp lấy lại cân bằng cho khu vực đồng euro, nên mức tăng trưởng trong hai năm tới của khu vực này về chi phí quảng cáo sẽ duy trì ở khoảng 2,9%. Đáng nói nhất là châu Á với dự đoán sẽ tăng mạnh, nhất là các quốc gia Trung Quốc, Ấn, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam với mức tăng gấp đôi so với mức trung bình của toàn cầu, rơi vào khoảng từ 10 – 11% từ nay tới năm 2017.


Tại Việt Nam, từ đầu năm 2015, luật Quảng cáo cho phép các doanh nghiệp trong nước không bị hạn chế mức trần quảng cáo, đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt có thể nâng mức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực có mức cạnh tranh khốc liệt như ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm. Những công bố bạch hoá thông tin của một số doanh nghiệp Việt khiến chúng ta không khỏi… sững sờ với ngân sách “khủng” cho quảng cáo, như Vinamilk với mức chi mỗi ngày lên tới 4,5 tỉ đồng cho quảng cáo, hay Masan với ngân sách hàng ngàn tỉ mỗi năm làm “bom” quảng cáo phủ kín nhiều sóng truyền hình với ngân sách quảng cáo luôn đứng trong top 5, hay các hãng sữa, nước giải khát, dược phẩm, thực phẩm chức năng… 



Bức tranh truyền thông tiếp thị năm qua cũng đã cho thấy sự biến đổi mạnh mẽ hơn khi ngay cả các doanh nghiệp lớn và lâu năm cũng bắt đầu quan tâm và chuyển hướng đầu tư cho tiếp thị số, trong khi các kênh truyền thông tiếp thị như truyền hình hay radio, báo giấy đang phải tìm mọi cách lấy lại lượng người xem bằng nhiều cách, ngay cả việc biến sóng truyền hình thành… sân khấu hài hay gameshow… cho đến việc tạo ra scandal “dựng chuyện câu… view”…
Tuy nhiên, suy cho đến cùng thì, quảng cáo cũng chỉ như những liều “doping”, có thể có ảnh hưởng hay tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng trong một thời điểm nhất định – điều giúp doanh nghiệp có thể có một sức tăng trưởng bền vững và luôn nhận được ủng hộ của người tiêu dùng, thiết nghĩ, là sự kết hợp hài hoà giữa giá trị thực sự của sản phẩm cùng giá trị mang tính xã hội mà doanh nghiệp đó có thể đóng góp cho cộng đồng.       

Điệp Giang
theo tiepthithegioi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 164

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 141


Hôm nayHôm nay : 52821

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 885278

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44252963



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach