22:47 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Tuyến đê biển ngăn triều Vũng Tàu–Gò Công 50.000 tỉ đồng: Ủng hộ nhiều, phản đối không ít

Thứ bảy - 05/11/2011 03:14
Khi mưa lớn thì nước phải vào hệ thống cống rãnh của thành phố, ra kênh rạch rồi mới ra biển.

Sau khi Bangkok bị ngập lụt, TP.HCM hứng chịu trận triều cường kỷ lục vào cuối tháng 10.2011, cùng nhiều đô thị khu vực đồng bằng bất ngờ bị ngập sâu, thì câu chuyện “ngăn triều – chống ngập” cho khu vực phía Nam được hâm nóng, trong đó có dự án xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công của tổng cục Thuỷ lợi. Dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Đào Xuân Học, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng cục trưởng tổng cục Thuỷ lợi, về “tiến độ của dự án” và ghi nhận một số ý kiến của các nhà khoa học về tính khả thi của dự án được cho là táo bạo này.

Ông Đào Xuân Học, chủ nhiệm dự án, cho biết: tháng 11 này sẽ báo cáo dự án với phía Hà Lan (đơn vị hỗ trợ kỹ thuật) và cuối năm 2011 sẽ trình Chính phủ để bổ sung vào quy hoạch thực hiện tiền khả thi. Nếu được thông qua, dự án sẽ được thi công trong thời gian bốn năm. Ông Học khẳng định, với tuyến đê này, dù mực biển dâng lên 1m thì cả khu vực TP.HCM và Đồng Tháp Mười có thể “yên tâm tuyệt đối”.

Ông có thể khái quát về dự án này?

Dự án này gồm một tuyến đê chính dài 28km từ Vũng Tàu đến Gò Công, chiều sâu nước trung bình là 6,5m (tính từ cốt 0,00m); một tuyến đê phụ dài 11km, chiều sâu nước trung bình 4,5m chạy vuông góc với Cần Giờ và một cống kiểm soát triều, thoát lũ và các âu thuyền phục vụ giao thông thuỷ. Mặt đê rộng 25m. Sau khi đê được xây dựng xong sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích khoảng 40.000ha (chưa kể diện tích bán ngập), dung tích chứa khoảng 2,5 tỉ m³ (kể cả nước trong sông).

Trong khi đó, lũ ở tất cả các hồ Trị An, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười… đổ về cao nhất cũng chỉ với tổng lưu lượng khoảng 13.000m³/s. Như vậy, trong thời gian đóng cống, lượng nước lũ đổ về chỉ khoảng trên 400 triệu m³.

Khi triều lên đến 1m chúng tôi sẽ đóng cống, triều rút thì lại mở cống ra.

Tháng 11.2010 GS.TS Đào Xuân Học và các cộng sự đã đưa ra ý tưởng xây dựng đê biển Vũng Tàu – Gò Công sau khi thực hiện chuyến đi khảo sát, trao đổi về kinh nghiệm và bài học làm đê biển của Hàn Quốc.
Ngày 17.2.2011, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát nông thôn Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp để nghe viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam báo cáo dự án Quy hoạch tổng thể thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng và trong báo cáo đã đề cập đến nội dung dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công.
Ngày 1.3.2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi họp của thường trực Chính phủ nghe lãnh đạo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo kết quả bước đầu nghiên cứu dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công. Sau đó, bộ Khoa học và công nghệ đã tổ chức các hội đồng khoa học, giao nhiệm vụ xét tuyển sáu đề tài khoa học phục vụ cho dự án tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công. Hiện nay, sáu đề tài khoa học này đang thực hiện.
Được biết, kinh phí đầu tư cho dự án rất lớn, liệu có quá tốn kém?

Nếu chỉ xây dựng một hồ chứa nước có dung tích lớn hơn 2 tỉ m³ (tức lớn hơn hồ Dầu Tiếng) thì phải mất từ 40.000 – 60.000 tỉ đồng và mất khoảng 30.000ha đất. Trong khi đó, thực hiện tuyến đê biển, số tiền đầu tư dự tính cũng chỉ khoảng 50.000 tỉ đồng lại có được hồ chứa khoảng 40.000ha.

Nếu dự án chỉ làm trong TP.HCM thì chỉ có thể giải quyết được một vùng với diện tích 150.000ha, còn làm theo đề xuất của chúng tôi thì giải quyết cho cả một vùng rộng đến 1 triệu ha.

Theo ông, khi mưa lớn và triều cao thì tuyến đê này có gây tác dụng ngược?

Khi mưa lớn thì nước phải vào hệ thống cống rãnh của thành phố, ra kênh rạch rồi mới ra biển. Do đó, việc nước có thoát được hay không còn phụ thuộc vào cống rãnh trong thành phố. Còn dự án này là để giải quyết bài toán nhận nước tiêu cho thành phố. Với mức nước hiện nay ở sông Sài Gòn, kể cả có lũ lớn thì hồ chứa nước của dự án này có thể điều tiết được.

Trước đây, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã đưa ra dự án thuỷ lợi chống ngập do thuỷ triều tại TP.HCM và được Chính phủ phê duyệt, nhưng đã thất bại?

Trước tiên, tôi thành thật xin lỗi vì đã làm TP.HCM, Chính phủ bị dư luận phàn nàn về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong mọi người thông cảm, vì nhận thức là cả một quá trình, không phải dễ dàng. Lúc đó đề ra ba phương án và đã chọn phương án làm cống trên sông Soài Rạp. Thế nhưng, khi thực hiện lại gặp một khó khăn không thể giải quyết được, đó là lũ về kết hợp triều lên cao, nên đã thất bại.

Thật ra chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng tuyến đê biển này từ rất lâu, khi phát hiện được tính hiệu quả đê biển là rất tốt, vì ở đó nó trở thành hồ chứa lũ, nhưng thực sự lúc đó chúng tôi cũng không dám đề xuất. Mãi đến một năm sau, khi chúng tôi đi tham quan một tuyến đê ở Hàn Quốc thì thấy cách làm giống với ý tưởng của mình. Tuyến đê này cũng lấn biển, hồ chứa 14.000ha... Kinh phí đầu tư lên đến 2,7 tỉ USD nhưng họ vẫn đầu tư. Trong khi đó, xây dựng tuyến đê biển của chúng ta có diện tích hồ chứa lớn hơn, chi phí cũng thấp hơn lại giúp tiêu úng, tiêu lũ rất thuận lợi, tại sao chúng ta không đầu tư.

Tuy nhiên, bây giờ để nói là khả thi hay không thì vẫn còn quá sớm, bởi còn đang nghiên cứu để chuẩn bị làm đề án khả thi. Khoan địa chất thì thấy địa chất tốt. Có thể dự án này có nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đối.

Vậy ông đánh giá như thế nào về cái “được – mất” nếu dự án này được triển khai?

Như tôi đã nói, giai đoạn trước mắt dự án sẽ đáp ứng được yêu cầu thoát nước của TP.HCM và Đồng Tháp Mười, kể cả mực nước biển dâng lên 1m vẫn đáp ứng được, chi phí cũng thấp hơn so với dự án phải thực hiện ở TP.HCM. Hơn nữa, dự án này còn rút ngắn được giao thông từ các tỉnh miền Tây ra Vũng Tàu gần 150km. Đương nhiên, công trình lớn thì sẽ có tác động môi trường lớn hơn, ảnh hưởng đến giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ sản…

Việc nước biển dâng, biến đổi khí hậu thì đã quá rõ, nếu chúng ta không làm cách này thì cũng làm cách khác. Vấn đề là chúng ta chọn cách làm đạt hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, đó mới là cái khó.

Theo Hồ Quang

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 401

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 400


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 673674

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43185443



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach