04:38 +07 Chủ nhật, 15/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Vá lỗ hổng truyền thông cho thực phẩm Việt

Thứ ba - 05/09/2017 17:30

“Đầu năm 2016, lên google search Đạo luật hiện đại hóa trong an toàn thực phẩm (FSMA) thì rất ít, và hầu như không có thông tin nhiều. Nhưng từ giữa 2016 trở đi, khi các cảnh báo về các mặt hàng của VN xuất khẩu càng nhiều, cùng lúc đó Hội DN HVNCLC, VSEP, Amcham… liên tục tổ chức các hội thảo về vấn đề này. Khi đó, mới được doanh nghiệp, truyền thông và các cơ quan chức năng quan tâm…”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Huy - Giám đốc ngành thực phẩm của tổ chức kiểm định, cấp giấy chứng nhận chất lượng Bureau Veritas Việt Nam.


Ông Huy khẳng định, đó là một hạn chế lớn của Việt Nam, khi không chuẩn bị trước, không tìm hiểu kỹ về FSMA, trong khi nó đã được nâng lên là luật của Mỹ.


Hội thảo thu hút lãnh đạo các ngành liên quan về y tế, nông nghiệp tham gia…


Từ thiếu website…


Như câu chuyện hồ tiêu Việt Nam, cũng như nhiều loại trái cây, nông sản khác trong thời gian qua khi xuất khẩu “dính”chất cấm carbendazim (chất diệt nấm) và bị các nhà nhập khẩu của Mỹ bắt tiêu hủy, và cảnh báo ngừng nhập khẩu. Dù tháng 1-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa ba hoạt chất gồm carbendazim, benomyl và thiophanate-methyl ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, nhưng đây chưa phải là biện pháp an toàn triệt để, và Bộ Nông nghiệp phải tiến hành nhiều biện pháp hơn nữa để cung cấp thông tin cho người dân.


Tại Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu Food Safety Summit với chủ đề: Phát triển thị trường cho sản phẩm Việt Nam do Hội DN HVNCLC phối hợp với các đối tác tổ chức tại TPHCM, kỹ sư nông nghiệp Lê Hiếu Hữu kiến nghị với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong thời đại ngày nay, làm sao vấn đề thông tin phải thông suốt, đơn giản như chỉ với thông tin về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng tối đa cho phép, chất nào cấm… cũng khiến nhiều doanh nghiệp, người sản xuất không biết kiếm ở đâu. 



Kỹ sư nông nghiệp Lê Hiếu Hữu đặt câu hỏi tại diễn đàn


Nhìn từ việc hồ tiêu Việt Nam bị dính chất carbendazim, ông Hữu nói, “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có một trang web bằng tiếng Việt, có đường link, để những ai đang và muốn xuất hàng đi Mỹ, Nhật, EU biết được những chất nào cấm, chất nào được phép sử dụng, chất nào được thì được bao nhiêu…”


TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, thời gian vừa qua, nhất là vấn đề về cây tiêu, Bộ nông nghiệp có các nhóm công tác làm việc, trong đó có những tổ chức đối tác công tư theo các nhóm ngành hàng.


Theo ông Tuấn, nhóm ngành hàng mới thành lập là nhóm đối tác công tư về cây gia vị như tiêu, ớt. Nhóm phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nông dân và địa phương, và đối thoại thường xuyên để bàn cách xử lý các vấn đề về dư lượng thuốc BVTV, cũng như lấy lại uy tín cho ngành tiêu Việt Nam trên trường quốc tế. 



TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, việc có website cảnh báo chất cấm, sẽ được ông báo cáo với các cơ quan chức năng của Bộ, cụ thể sẽ là Cục Bảo vệ thực vật.


…Đến có mà không biết


Cũng bàn về các chất cấm trong phụ gia thực phẩm, bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chia sẻ với doanh nghiệp tham gia diễn đàn: trên website của Cục An toàn thực phẩm có hệ thống tra cứu phụ gia thực phẩm tự động. Tức là, với một danh mục phụ gia (hàng trăm hàng ngàn chất) trên các nhóm đối tượng thực phẩm, với mức quy định khác nhau thì Cục có hệ thống tra cứu tự động theo: nhóm phụ gia, tên chất, theo đối tượng sử dụng…


Bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chia sẻ tại diễn đàn


Được biết, website trên được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đưa ra từ năm 2015, và theo bà Nga thì, “đây là hình thức tốt cho doanh nghiệp, rất dễ tìm hiểu, thay vì phải đi xem những bản cứng dài hàng trăm trang và tra mỏi mắ chất mình cần tìm”.


Bà Nga cũng cho rằng, hệ thống tra cứu này sẽ liên tục được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cập nhật theo tình hình của các thị trường khác nhau…


Nhưng website tra cứu phụ gia thực phẩm mà bà Nga nói lại không được doanh nghiệp biết đến, bởi ngay một kỹ sư nông nghiệp như ông Lê Hiếu Hủ hay anh Thái Quốc Huy (GĐ Công ty TNHH Thảo Hương), một doanh nghiệp làm về đường thốt nốt và nước màu ở An Giang cũng không biết có website tra cứu này.


Điều đó có nghĩa là, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có một website rất công phu, thiết thực, nhưng việc truyền thông để cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất biết và sử dụng lại hạn chế.  



Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu – Food Safety Summit do Hội DN HVNCLC phối hợp với các đối tác tổ chức ngày 28/08, tại Khách sạn New World - 72 Lê Lai, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM.
 
Bài ảnh: Trần Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 67

Máy chủ tìm kiếm : 14

Khách viếng thăm : 53


Hôm nayHôm nay : 2350

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 468004

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49886638



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach