Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Cần thay đổi cách nghĩ của chính quyền về khởi nghiệp

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Cần thay đổi cách nghĩ của chính quyền về khởi nghiệp
Ngày 30.06, tại Đồng Tháp, trước đông đảo các cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện trong tỉnh và các chuyên gia đến từ Trung tâm BSA, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã có những chia sẻ về chủ đề “khởi sự lập nghiệp” của địa phương.
Theo ông Lê Minh Hoan, cuộc tọa đàm “Khởi sự lập nghiệp” có đầy đủ lãnh đạo cấp ủy, cùng các sở, ngành nhằm mục đích để các cấp lãnh đạo tiếp cận một khái niệm mà xã hội đã nói lâu nay, đó là khởi sự doanh nghiệp, khởi nghiệp.



Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp chia sẻ tại buổi “khởi sự lập nghiệp”
 
Ông nói: Trước giờ có lẽ các vị lãnh đạo ngồi đây nghĩ rằng, chuyện khởi nghiệp là của những doanh nghiệp hay những thanh niên trẻ chứ không liên quan đến chính quyền cấp lãnh đạo.
 
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan cho rằng, đó là một sai lầm, có hai cái sai trong cách nghĩ này.
 
Thứ nhất, khởi nghiệp không hẳn và không phải là doanh nghiệp, thanh niên, mà trước tiên nó phải được khơi gợi, thẩm thấu từ nhà lãnh đạo, chính quyền. Vì thế người ta mới nói là quốc gia khởi nghiệp. “Những người lãnh đạo địa phương, ngành thì phải hiểu khởi nghiệp bản chất, mục đích, ý nghĩa là gì… để dẫn dắt xã hội khởi nghiệp”.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu khai mạc hội nghị TW lần thứ XII có nói phát huy tinh thần khởi nghiệp và làm ăn kinh tế của toàn xã hội. Lần đầu tiên một lãnh đạo cao nhất của Đảng phát biểu về khởi nghiệp tại một hội nghị trung ương. Sau đó Chính phủ đã hành động, Thủ tướng đi đâu cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp. Các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương…đều đưa vấn đề khởi ngiệp ra bàn nghị sự.
 
Như vậy đây không phải là vấn đề nhỏ nữa, mà đây là vấn đề hệ trọng của một địa phương, của một quốc gia. Khởi nghiệp đã là một chương trình quốc gia thì mình phải làm vì trách nhiệm quốc gia và Đồng Tháp là 1 trong 63 tỉnh thành.
 
“Các cấp chính quyền Đồng Tháp không thể đứng ngoài cuộc để cho rằng, đây là chuyện ăn theo, bên lề hay ngẫu hứng được. Mà đây là trách nhiệm của cả hệ thống để góp phần cùng quốc gia xây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp”, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan nói.
 
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan cho hay, tại Đồng Tháp tỉ lệ cứ 600 người dân/ 1 doanh nghiệp, trong khi ở tầm quốc gia là trên 200 người dân/ 1 doanh nghiệp. Con số này trước nay Đồng Tháp ít quan tâm mà chỉ để ý đến GDP. Chỉ số này nói lên sức sống và điều kiện để phát triển của địa phương.



Gần 100 lãnh đạo các sở, ban ngành và lãnh đạo cấp huyện trong tỉnh Đồng Tháp tham dự trong tọa đàm “khởi sự lập nghiệp”
 
Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định, sắp tới Tỉnh ủy sẽ ban hành một nghị quyết về phát triển doanh nghhiệp vừa và nhỏ, trong đó có mảng liên quan đến việc phát huy tinh thần khởi nghiệp để làm sao số lượng doanh nghiệp Đồng Tháp không những tăng về số lượng mà còn vững chắc về chất lượng.
 
Do đó, vấn đề doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp phải đặt ở vị trí đúng với vai trò và tầm quan trọng của nó. Vì thế từng ban ngành, lãnh đạo địa phương phải thẩm thấu tinh thần khởi nghiệp đó.
 
Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ, trong khởi nghiệp, người ta nói khoảng 15% thành công, đa phần là thất bại. Nếu chúng ta có thất bại ở một vài mô hình nào thì cũng đừng nghĩ rằng chương trình, quan điểm hay định hướng về khởi nghiệp của Đồng Tháp thất bại.
“Tôi mong lãnh đạo các cấp hôm nay hiểu rằng, chúng ta ngồi đây sẽ biết thêm nhiều điều để vận dụng cho từng ngành, từng địa phương mình.”
 
Sắp tới Đồng Tháp sẽ có khung chương trình để tiếp cận ở khối lãnh đạo, sau đó sẽ là khối doanh nghiệp về vấn đề khởi nghiệp, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan khẳng định.
 
Bí thư Hoan nhắn nhủ, Đồng Tháp làm khởi nghiệp không phải là chạy theo phong trào, thấy người ta khởi nghiệp mà mình làm theo. Đồng Tháp phải sáng tạo cho phù hợp với điều kiện địa phương, “chúng ta cũng không mơ tưởng gì những điều quá lớn lao nhưng phải có một niềm hy vọng, kỳ vọng để địa phương phát triển”.
 
Điều thứ hai Bí thư Lê Minh Hoan chia sẻ là cách làm, các mô hình của ngành, địa phương phải tăng cường hợp tác, liên kết với các viện, trường, địa phương, nhà tư vấn… để giúp mở ra những ý tưởng mới. “Từ đó mới có tầm nhìn để cùng nhau hành động và nghĩ khác cái trước nay chúng ta nghĩ rằng suy nghĩ đó là đúng”
 
Chúng ta không nên làm lủi thủi một mình, làm như thế chúng ta mãi quẩn quanh trên một địa bàn xã, huyện, tỉnh mà không biết “trời cao biển rộng” còn rất nhiều điều cần học hỏi.
 
Từ câu chuyện khởi nghiệp hiện nay đang diễn ra tại Đà Nẵng, Bí thư Lê Minh Hoan đặt vấn đề” Các lãnh đạo các địa phương, ban ngành cần mang nỗi đau như “tức khí khởi nghiệp”. Đồng Tháp cần nhìn vào và phải đi nhanh hơn, sáng tạo hơn, mạnh mẽ hơn để thu ngắn khoảng cách về khởi nghiệp.
 
Bài, ảnh Quỳnh Trần

Nguồn tin: BSA