Đòn nặng sau PCA, Trung Quốc có thể gây sức ép khiến kinh tế Việt Nam khó khăn hơn

Đòn nặng sau PCA, Trung Quốc có thể gây sức ép khiến kinh tế Việt Nam khó khăn hơn
Đó là nhận xét của TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế trong buổi Hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2016.

Ông Lê Đăng Doanh cho biết mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đã đặt ra là khó có thể đạt được. Ngoài những phân tích về nội tại của nền kinh tế trong nước, ông Doanh cho rằng kinh tế Việt Nam còn chịu những tác động tiêu cực bởi những yếu tố bên ngoài.

Tình hình kinh tế thế giới đang khó lường, khó dự báo được. Khu vực Đông Nam Á còn phức tạp và căng thẳng hơn” – ông Doanh cho biết.

“Brexit là một sự kiện khó lường”, ông Lê Đăng Doanh nói. Mặc dù đã có một số báo cáo cho rằng tác động trực tiếp đến Việt Nam không đáng kể, nhưng chuyên gia này nhấn mạnh vào những tác động gián tiếp trên thị trường tài chính khi đồng bảng Anh mất giá, đồng euro biến động khiến cho các nhà đầu tư châu Âu có những thay đổi về mặt chiến lược.

Sau Brexit, chuyên gia này nhấn mạnh vào tình hình của Đông Nam Á, bởi nó còn phức tạp, căng thẳng và tác động trực tiếp vào kinh tế Việt Nam.

“Ở Đông Nam Á, phán quyết PCA là một đòn nặng tác động đến Trung Quốc. Trung Quốc đang vung tiền mua sự ủng hộ của các nước cũng như dùng các công cụ kinh tế thương mại để gây sức ép. Trước đây, một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tại thị trường này như heo, thuỷ sản, trái cây đang được nhập rất hăng hái, sau phán quyết thì chững lại luôn. Rõ ràng, đây không phải là hành động vì nhu cầu thị trường mà là một đòn đánh cảnh báo” - ông Doanh cho hay.

Ông cũng cho rằng tình hình này sẽ còn tiếp tục bất định, gây tác động tiêu cực đến Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải nỗ lực vượt bậc hơn nữa dù bước đầu đã có những cải thiện đáng kể.

Theo đó, mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện nay ngành nhập khẩu cũng đã có những tín hiệu “thoát Trung”, dịch chuyển sang Hàn Quốc với mức tăng 7,9%. “Xu hướng dịch chuyển nguồn hàng nhập khẩu của nước ta sang phía Hàn Quốc ngày càng trở nên rõ ràng” – báo cáo của VEPR chỉ ra.

Ở một khía cạnh khác, ông Doanh cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong nỗ lực cải thiện nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là “một nền kinh tế có quá nhiều vấn đề”, do đó ông cho rằng cần phải có nhận định nghiêm túc để tìm hướng giải quyết triệt để, không thể xem thường những sự kiện như Formosa, tình hình khô hạn, hay câu chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh.

Đình Phương

Theo Trí thức trẻ