Khởi nghiệp – những góc nhìn mới

Khởi nghiệp – những góc nhìn mới

TS Patrick Khor, một chuyên gia về khởi nghiệp tại Singapore và ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, chủ tịch hội đồng quản trị chương trình iBosses Việt Nam, đã có mặt tại TP.HCM vào sáng ngày 14.12.2017 để chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp. Ông Thái Hoà nhận xét: “Hiện nay Việt Nam đang rơi vào tình cảnh loạn khởi nghiệp”.


Không có phương hướng…
 
Chủ tịch chương trình iBosses Việt Nam Nguyễn Hữu Thái Hoà bình luận: “Tinh thần khởi nghiệp, nhất là với giới trẻ nếu không có định hướng về mặt học thuật, tỷ lệ thất bại sẽ rất cao, từ đó những người khởi nghiệp dễ nản chí, mất phương hướng”. Ông Hoà dẫn ra câu hỏi quen thuộc của các nhà tuyển dụng dành cho giới trẻ vừa tốt nghiệp đại học: kinh nghiệm hành nghề? Theo ông Hoà, với cách đào tạo hiện nay của các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam chỉ cung cấp về lý thuyết, thử hỏi làm sao giới trẻ vừa tốt nghiệp lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ muốn xin vào?


 
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa
 
Chia sẻ nhận xét của ông Thái Hoà, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Trí Việt First News, nói: “Khởi nghiệp tại Việt Nam trong vài năm qua chỉ làm hình thức, cứ hô hào suông bằng những phong trào, chưa thấy tổ chức nào đứng ra tìm hiểu, tư vấn khởi nghiệp có hiệu quả cho những người muốn khởi nghiệp”.
 
Chia sẻ với giới trẻ tại Việt Nam, TS Khor cho biết, thế hệ trẻ Singapore bây giờ là “một thế hệ mất đi”: mất niềm tin, động lực để phát triển, vì họ quá đầy đủ; họ suốt ngày chỉ biết chơi game và lướt facebook. Tại Singapore, theo TS Khor, nhiều bậc cha mẹ thường hỏi con: “đã đi làm chưa, làm việc gì”, nhưng nhiều bạn trẻ không trả lời được vì không biết phải làm gì! Theo ông, trước đây chuyện khởi nghiệp tại Singapore và nhiều quốc gia cũng đang vướng vào những câu chuyện như tại Việt Nam hiện nay. “Có điều, nhiều quốc gia, nhiều trường đại học đã tìm kiếm lý luận khởi nghiệp để tổ chức tốt hơn”, TS Khor nói.
 
Phải biết truyền lửa
 
TS Khor cho rằng, tại Singapore cũng như tại nhiều quốc gia mà ông có dịp đến để giảng dạy về khởi nghiệp, cũng như 15 năm gắn bó với lĩnh vực này, những nhà lãnh đạo và thế hệ đi trước (gọi là thế hệ Y, khái niệm của Patrick Khor) “phải biết truyền lửa cho thế hệ trẻ trước khi trang bị cho họ kiến thức nói chung, khởi nghiệp nói riêng”. TS Khor cho rằng: “Nếu không biết “nhóm lửa” cho họ sẽ không thể dẫn họ đi vào đời. Ngay cả khi lớp trẻ có ý tưởng cũng cần có niềm tin kiên định, đam mê mới dám dấn thân vào con đường tự mình mưu sinh với những vô vàn thử thách phía trước”. TS Khor thừa nhận rằng, dù có nhiều cơ hội, được đào tạo bài bản từ nhỏ, nhưng tại Singapore và nhiều quốc gia khác, 95% dự án khởi nghiệp thất bại! “Đừng có tham vọng về những dự án khởi nghiệp sẽ thành công. Nếu được, hãy giúp các bạn trẻ giảm bớt những rủi ro trong quá trình họ thực hiện mục tiêu”, ông nhấn mạnh.


 
TS Patrick Khor, tác giả Sách giáo khoa khởi nghiệp iBosses
 
Dẫn theo Sách giáo khoa khởi nghiệp iBosses (tác giả là TS Patrick Khor), ông Thái Hoà nói rằng, muốn khởi xướng câu chuyện khởi nghiệp phải bắt đầu những bước đi đầu tiên: bắt đầu là truyền lửa, sau đó là trang bị kiến thức khởi nghiệp, tiến hành lập doanh nghiệp, sản xuất và phân phối hàng hoá trên thị trường. “Ba cấp còn lại dành cho doanh nghiệp đã phát triển và bước vào thị trường toàn cầu là: nhân rộng mô hình trên toàn cầu, gặt hái thành quả, và cấp cuối cùng là doanh nghiệp niêm yết. Những ai đạt được bậc cuối cùng sẽ là chuyên gia đào tạo lại lĩnh vực mà mình đã khởi nghiệp thành công”, ông Hoà chia sẻ.
 
Đưa vào nhà trường
 
Ông Hoà nói rằng, lý thuyết khởi nghiệp của Khor đã có 400 trường đại học sử dụng song song với việc đào tạo chương trình đại học. Nếu Việt Nam đưa được chương trình này vào đại học, sẽ giúp sinh viên tiết kiệm thời gian từ 2 – 3 năm so với cách đào tạo thông thường hiện nay. Nếu được tiếp cận với lý thuyết khởi nghiệp trong môi trường đào tạo đại học, một sinh viên vừa học đại học vừa học và tiến hành khởi nghiệp.
 
Ông Phước của Trí Việt cũng cho rằng, nên đưa chương trình khởi nghiệp vào trường đại học, vì sinh viên cần hiểu về khởi nghiệp để dễ dàng vào đời. “Giáo dục Singapore khác với Việt Nam, nên những gì thành công ở Singapore chưa chắc đã thành công ở Việt Nam. Nhưng việc ứng dụng những kinh nghiệm khởi nghiệp sẽ làm các bạn trẻ bớt đi những điều sáo rỗng, lạc hậu, được tiếp cận những tinh hoa của nhân loại. Tôi ủng hộ ý tưởng này”, ông Phước nói.
 
Theo thông tin từ ông Thái Hoà, đã có chín quốc gia và 23 thành phố tại châu Á đang triển khai chương trình khởi nghiệp mà TS Khor đã nghiên cứu trong 15 năm, giữ vai trò “bà đỡ” của xu hướng khởi nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Về phía Việt Nam, ông Hoà nói rằng, nhiều trường đại học đang hợp tác để thiết kế “giáo khoa khởi nghiệp” trong chương trình đào tạo.
 
Được biết, ngoài chương trình dành cho giới trẻ trong các trường đại học, iBosees còn những chương trình riêng cho học sinh từ bậc tiểu học đến trung học và người lớn (thế hệ Y, sinh từ 1960 – 1980, theo cách phân chia của TS Khor).
        
 
Nếu không biết “nhóm lửa” cho họ sẽ không thể dẫn họ đi vào đời. Ngay cả khi lớp trẻ có ý tưởng cũng cần có niềm tin kiên định, đam mê mới dám dấn thân vào con đường tự mình mưu sinh...
 
 
Theo Hoàng Triều (TGTT)