Thí điểm dạy tiếng Trung, Nga từ lớp 3: “Con em tôi không phải là chuột bạch!"

Thí điểm dạy tiếng Trung, Nga từ lớp 3: “Con em tôi không phải là chuột bạch!"
Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 "Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".

Theo đó, có một vấn đề về thí điểm đưa tiếng Trung Quốc, tiếng Nga trở thành ngoại ngữ thứ nhất, bắt đầu dạy từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm 2017 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các thầy cô, bậc phụ huynh học sinh.

Học sinh chưa nổi 18 kg gánh trên lưng 4kg sách

Mấy ngày nay, trên thông tin đại chúng thông tin về dự án thí điểm dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga cho cả bậc tiểu học, chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Dịch Vọng 1A (Hà Nội) đứng ngồi không yên.

Năm nay, con chị Hà bắt đầu học ngoại ngữ tiếng Anh nên rất vất vả. Mặc dù các con may mắn hơn các nước trong khu vực khi có cơ hội chuyển phiên âm quốc ngữ lên chữ latinh, ưu thế để thế hệ trẻ tiếp xúc với chữ quốc tế dễ hơn nhiều các nước lân cận. Thế nhưng, để theo kịp chương trình trên lớp, thời gian học ở nhà của cháu vào buổi tối nhiều hơn các năm trước.

Theo chị Hà, với chương trình học 10 môn hiện nay, chưa kể các môn ngoại khóa, các bé đang bị quá tải. Nhà nước còn phải đang chuẩn hóa việc học theo chuyên môn để giảm tải. Do đó, việc đưa thêm các thứ tiếng có chữ tượng hình khác với ngôn ngữ chính thống hiện nay của Việt Nam sẽ làm tiêu tốn nhiều "nơron" lưu trữ và xử lý của các con. Việc tập trung để phát triển năng khiếu toàn diện sẽ rất khó.

Hiện nay, ngoài học Tiếng Anh trên lớp, chị Hà vẫn phải cho con đi học thêm tiếng Anh để nâng cao trình độ. Với giáo trình của nhà trường và giảng dạy của thầy cô, việc cháu có thể nghe nói, giao tiếp là điều rất khó.

'Ảnh minh họa.'

Ảnh minh họa.

Nếu tiếp tục triển khai “ép” con em phải học tiếng Trung, tiếng Nga sẽ quá ồm đồm và sai lầm khi một ngoại ngữ còn dạy, học chưa xong huống chi là tăng lên 2-3 ngôn ngữ khác. "Bản thân con và cả những học sinh khác không phải những con chuột bạch để các nhà khoa học thích mang ra thí điểm, thấy không hợp lý thì lại bỏ", chị Hà cho hay.

Hàng ngày, chứng kiến đứa bé nặng chưa nổi 18 kg nhưng gánh trên người hơn 4kg sách, chị Thanh Hải (phụ huynh học sinh tiểu học Đống Đa) cảm thấy xót lòng. Chị Hải cho biết, nếu thêm 2 giáo trình tiếng Trung, Nga nữa thì không hiểu nổi sức con chị có đủ “gánh” sách của Bộ hay không?!

"Chương trình học trên lớp của con "tất bật" từ sáng sớm đến chiều tối mới được về. Con phải đi học cả ngày, chỉ được nghỉ Chủ Nhật. Tối về tắm giặt, ăn uống, làm bài về nhà là hết buổi, không có thời gian cho con tiếp xúc đời sống bên ngoài để tăng cao kiến thức thực tế - điều quan trọng không kém để phát triển năng lực của trẻ.

Do đó, chị Hà lo lắng, nếu tiếp tục phải học thêm tiếng Trung, Nga, con chị chỉ thực chất bị biến hóa thành "mọt sách”.

Không nên "bắt ép" trẻ con học nhiều ngoại ngữ

Chia sẻ với chúng tôi về chính sách thí điểm đưa tiếng Trung Quốc và tiếng Nga trở thành ngoại ngữ thứ nhất, bắt đầu dạy từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm 2017, thầy Nguyễn Quốc Hùng, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội không không nhất trí, xét về chuyên môn.

Thầy Hùng cho biết, ông chỉ nhất trí ở mức độ nên đưa tiếng Trung Quốc và tiếng Nga phát triển ở một số môi trường cần thiết và không nên đưa vào trường bắt buộc học sinh phải học, nhất là đối với cấp tiểu và trung học.

Như hiện tại một số trường đại học, cũng đã có khoa tiếng Trung, tiếng Nga, Hàn, Nhật. Còn việc Bộ đưa tiếng Nga, Trung vào chương trình phổ thông, thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 là hoàn toàn không hợp lý bởi đè nặng lên trẻ con.

Đối với ngoại ngữ khác, không cứ gì tiếng Nga và tiếng Trung, như tiếng Pháp, Nhật, Hàn… thì tất cả những thứ đó nên phát triển, nhưng chỉ nên phát triển ở những khu vực tân tiến thôi – những khu vực có nhu cầu của xã hội.

Lý giải về quan điêm này, thầy Hùng cho biết, gần mấy chục năm qua, học sinh đã ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh 12 năm ở trường phổ thông nhưng đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2015, thì gần 90% trượt tốt nghiệp môn tiếng Anh. Đến năm nay, tỷ lệ trượt tiếng Anh vẫn ở mức 88,25%.

Từ thực tế này, Bộ cần cân nhắc thật kỹ lưỡng để đưa ra những đề án phù hợp, chính xác và có lộ trình để các học sinh, giáo viên và bậc phụ huynh nắm rõ được vấn đề.

Theo Tường Vy

Trí thức trẻ/CafeBiz