Vùng kinh tế trọng điểm – khu vực ĐBSCL Kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện 7 công trình trọng điểm

Vùng kinh tế trọng điểm – khu vực ĐBSCL Kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện 7 công trình trọng điểm
Ngày 01/11/2016, tại cuộc họp Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm- khu vực ĐBSCL ( lần thứ nhất năm 2016) được tổ chức tại TP Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiêm Chủ tịch Hội đồng vùng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 7 công trình trọng điểm vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, gồm:


Gia cố đê ở vùng Tứ Giác- Long Xuyên. Ảnh: DT

 1/ Xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ – Châu Đốc


2/ Dự án cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên


3/ Đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 2: đoạn nối từ cụm Khí Điện Đạm Cà Mau đến Quốc lộ 1)


4/ Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ TP Cà Mau đến Năm Căn)


5/ Dự án thi công đê và cống ngăn mặn từ thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) tới TP Cà Mau


6/ Xây dựng các nhà máy nước Sông Hậu 1, Sông Hậu 2, Sông Hậu 3


7/ Xây dựng Viện công nghệ sinh học và hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL phù hợp với thế mạnh từng địa phương


Theo ông Thống, vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL được xác định là trung tâm phát triển về kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội của vùng ĐBSCL, nếu hệ thống hạ tầng giao thông không đi trước một bước thì chưa thể bàn tới các các lĩnh vực khác, các yếu tố khác khó có thể đạt hiệu quả cao.


 Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ, giai đoạn 2011-2015, kinh tế -xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL tăng trưởng trên 9,7%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 51 triệu đồng/người/năm; giá trị xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, có cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng ở khu vực II và III. Tuy nhiên, những thành tựu trên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, còn thấp so với quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ. Những tồn tại, hạn chế kìm hãm sự phát triển của vùng có yếu tố thiên tai, dịch bệnh, kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém và  một số cơ chế, chính sách của Trung ương ban hành chậm, chưa sát với thực tế; kinh tế của vùng phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu hàng hóa nông sản với quy mô nhỏ lẻ.


Bài, ảnh: Ngọc Bích

Nguồn tin: BSA