04:45 +07 Thứ sáu, 20/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Bản tin thị trường – 19/3/2021

Thứ hai - 22/03/2021 15:31

1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,95 – 55,36 triệu đồng/lượng, giảm 370.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra hiện vẫn đang ở mức 400 ngàn đồng/lượng. Tronh khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.729,6 USD/ounce, giảm 15,9 USD/ounce, tương đương 0,91% so với chốt phiên trước.

2/ Vietnam Airlines cho biết, hãng đã sẵn sàng để phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” trong lộ trình từng bước khôi phục mạng bay quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới có xu hướng suy giảm và tiêm chủng được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia, “hộ chiếu vắc xin” đã được một số nước áp dụng, đây là cơ sở đang được đề xuất nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam. Vietnam Airlines cho biết, hãng là đơn vị vận tải hàng không được giao chịu trách nhiệm chính trong khâu vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và các nước, đảm bảo công tác phục vụ các chuyến bay ở mức an toàn cao nhất cho cả hành khách, người lao động và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
 
3/ Tiếp nối sữa tươi Organic và sữa đậu nành hạt, vừa qua Vinamilk đã tiếp tục xuất khẩu lô sản phẩm cao cấp “Sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến” đầu tiên đi Singapore. Sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp này cũng mới được Vinamilk chính thức ra mắt tại Việt Nam vào năm 2020 và đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường trong nước. Theo đánh giá của đối tác phân phối sản phẩm tại Singapore, tiềm năng của sản phẩm này là rất lớn vì trên thị trường hiện chưa có sản phẩm nào tương tự như “Sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến” của Vinamilk. Cộng thêm hương vị rất đặc biệt từ sữa tươi và tổ yến kết hợp, đây là một lợi thế lớn khi sản phẩm dinh dưỡng cao cấp này được giới thiệu đến người dân Singapore. Được biết, Singapore là thị trường đầu tiên Vinamilk xuất khẩu sản phẩm sữa tươi chứa tổ yến, nhắm đến phân khúc cao cấp với các dòng sản phẩm nổi bật.
4/ Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, ngành in Việt Nam gần đây chịu sự tác động mạnh của công nghệ nghe nhìn, internet dẫn đến sự suy giảm tốc độ phát triển, tuy nhiên hàng năm ngành in vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, số lượng cơ sở in tăng đều mỗi năm từ 5-7%. Riêng năm 2020, doanh thu toàn ngành in vẫn duy trì ở con số trên 94.000 tỉ đồng. Tính đến nay, cả nước hiện có trên 2.000 doanh nghiệp ngành in với tổng doanh thu hàng năm khoảng 4,2 tỉ USD và ngành in Việt Nam được xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù số lượng doanh nghiệp ngành in đang tăng nhưng phần lớn doanh nghiệp in ở Việt Nam có quy mô nhỏ, chiếm tỷ lệ trên 90%, vì vậy việc chuyển đổi công nghệ in vẫn còn khá chậm.
5/ Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) phát hành báo cáo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh tăng triển vọng từ mức Tiêu cực lên Tích cực. Đây là lần đầu tiên Moody’s đánh giá vượt bậc đối với triển vọng của Việt Nam, qua việc nâng liền hai bậc – điều chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của họ trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19. Cơ sở để hãng đưa ra quyết điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực bao gồm tín hiệu cho thấy sức mạnh tài chính, kinh tế được cải thiện, giúp củng cố hơn nữa hồ sơ tín dụng của Việt Nam. Trước đó, vào tháng 12/2019, Moody’s đã đánh giá triển vọng tín nhiệm của Việt Nam tiêu cực, phản ánh lo ngại liên quan điều hành, dẫn đến việc trì hoãn nghĩa vụ trả nợ gián tiếp.
6/ Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2021 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE đạt 809 triệu USD, tăng trưởng tới 58% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang UAE đạt xấp xỉ 737 triệu USD, tăng tới gần 60% và nhập khẩu đạt 72 triệu USD, tăng 44%. Việt Nam luôn ở thế xuất siêu với thị trường này. Là 1 trong 10 đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam trên thế giới và là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu lớn sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, đây tiếp tục là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và phát triển trong thời gian tới.
7/ Hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC sẽ nhận được khoản tài trợ của chính quyền thành phố Thâm Quyến cho việc xây dựng nhà máy trị giá 2,35 tỷ USD. Đây là dự án đầu tiên nằm trong kế hoạch tổng thể của Trung Quốc nhằm bắt kịp Mỹ và trở nên tự chủ hơn về việc sản xuất chip giữa bối cảnh nguồn cung chip toàn cầu suy giảm. Trước đó, SMIC cũng đã đồng ý lập liên doanh với chính quyền Thâm Quyến, nơi họ sẽ phát triển và vận hành nhà máy sản xuất chip có thể sản xuất chip silicon trên quy trình 28nm hoặc lớn hơn. Chính phủ Trung Quốc hiện đang muốn xây dựng một nhóm các gã khổng lồ công nghệ có thể sánh vai với tập đoàn Intel và công ty sản xuất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc).
8/ Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cho biết sẽ cấp một khoản vốn ban đầu trị giá 20 triệu USD cho Quỹ phát triển bền vững ở vùng Amazon. Sáng kiến này là một mục tiêu của IDB để tạo ra một vùng kinh tế xanh với những mô hình phát triển nông nghiệp và chăn nuôi mang tính bao trùm và bền vững hơn vì những cách làm truyền thống là nguyên nhân chính dẫn tới nạn phá rừng ở khu vực vẫn được coi là “lá phổi xanh của Trái Đất”. Quỹ này sẽ tập trung vào việc quản lý một cách bền vững các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở ở vùng Amazon và dự kiến tiếp nhận các khoản tài trợ dự án lên tới 1 tỷ USD trong tương lai.
9/ Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Philippines đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga trong trường hợp khẩn cấp. Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 thứ 4 được cấp phép tại quốc gia Đông Nam Á này sau các loại vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer, AstraZeneca và Sinofarm. Người đứng đầu FDA Philippines khẳng định vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga sản xuất có nhiều lợi ích nổi trội so với những nguy cơ tiềm ẩn được biết tới. Liên quan đến loại vaccine này, Thủ tướng Áo cũng đã kêu gọi cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu sớm cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước đã đánh giá hiệu quả của Sputnik V là 91,6%. Việc EU phê duyệt Sputnik V sẽ đánh dấu bước ngoặt thay đổi quan điểm đối với loại vaccinecủa Nga.
 
10/ Ngân hàng thế giới (WB) sẽ tài trợ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại một số nước châu Á, gồm Afghanistan, Bangladesh và Nepal. Theo đó, Afghanistan sẽ được nhận 113 triệu USD để triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả. Khoản tiền 60 triệu USD trong đó sẽ do Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA), một cơ quan thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) chuyên hỗ trợ những nước nghèo nhất thế giới, phân bổ. Theo WB, gói tài trợ này nhằm giúp Afghanistan tiêm chủng cho 17% dân số nước này và hỗ trợ nước này phục hồi từ đại dịch Covid-19. Hơn thế nữa, WB cũng sẽ tài trợ 500 triệu USD cho Bangladesh và 75 triệu USD cho Nepal. Tính đến thời điểm hiện tại, WB đã cung cấp 12 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc mua và phân phối vaccine.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 170

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 166


Hôm nayHôm nay : 6721

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 631424

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50050058



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach