18:33 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Cồn Sơn – sức sống diệu kỳ

Chủ nhật - 06/02/2022 21:09

Từ bảo tàng hiện vật tới nông nghiệp tuần hoàn. Từ nông nghiệp tuần hoàn tới OCOP du lịch… te tua nhưng phải tự tạo sức sống.

Chị Bảy Muôn (Phan Kim Ngân), chủ nhiệm CLB Cộng đồng phát triển du lịch Cồn Sơn, thú thiệt dân Cồn Sơn “bị hành” tơi tả sau hai năm đại dịch, nhưng buông xuôi thì mọi thứ sẽ thành thảm họa. Năm ngoái dịch bệnh tràn lan, dân cồn đóng cửa, sửa vườn… tới khi dịch tạm ổn thì cùng nhau làm thêm gói “Cồn Sơn ngày mới”. Năm nay, dự định làm dịch vụ “Cồn Sơn hồi đó” – để tái hiện cuộc sống bình yên của dân cù lao.

Hồi xưa, người dân khó khăn biết mấy – không đường, không trường, không điện… Vậy mà ý tưởng làm du lịch giữa sông Hậu vẫn sinh sôi sau khi nhiều anh em bên đất liền khích lệ. Nhờ du lịch đời sống được cải thiện hơn, nhưng thu nhập là một khái niệm mơ hồ trước đại dịch. Nhìn lại chặng đường đã qua, khi các hộ cùng nhau  chỉn chu vườn tược,  phân công nhau làm một số dịch vụ, tạo công ăn việc làm, biết cách đón du khách…cách tổ chức lại xã hội thu nhỏ, đoàn kết như anh em “guột”, chắt chiu từng gói dịch vụ là câu chuyện đậm khí chất – đất và người Cồn Sơn. Ai nấy thương yêu nhau, đoàn kết, chia sẻ, xem giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn, nét đẹp tâm hồn để Cồn Sơn trở thành nơi đáng sống. “Ở đây, tối ngủ khỏi  đóng cửa, chòm xóm bảo vệ nhau – qua bao nhiêu đời rồi”, chị Bảy Muôn nói.

Du lịch vắng khách hai năm nay. Khóc ré lên cũng chẳng ích gì! Dân Cồn Sơn lại sửa vườn, lần này việc trồng tỉa theo hướng chọn những rau trái có lợi cho sức khỏe, làm mô hình an toàn, hữu cơ. Đại học Cần Thơ, Trung tâm BSA hỗ trợ kiến thức và tạo mối liên hệ với các nhóm sinh viên, thực hiện mô hình xử lý rác thải nông nghiệp làm phân hữu cơ, chọn loại cây trồng có dược tính, chia nhau trồng rồi trao đổi lẫn nhau.

Chị Lê Thị Bé Bảy, tư vấn phát triển du lịch cộng đồng Cồn Sơn cho biết: Trong năm 2022, người dân ở đây sẽ hoàn tất nội dung xây dựng những khu vườn rau trái tự nhiên, lành sạch, không hóa chất và đó là nguyên liệu chế biến thành sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Vườn ổi Thành Tâm, nước mắm đồng, mật ong Bảy Muôn, dưa chuối Năm Phước, mứt bưởi đường Thúy Liễu, khô cá lưỡi trâu, khô cá lóc, khô ếch,… Nhà chị Bảy Muôn (Nhà vườn Công Minh) giỏi làm những món bánh dân gian, sẽ làm nước mắm đồng tham gia OCOP. Còn nhà chị Năm Phước (Nhà vườn Song Khánh) quen thuộc với vườn chôm chôm chín đỏ, không gian rộng rãi, thoáng mát và những hiện vật trên 100 năm… thì nay sẽ làm dưa chuối.

Những cái nồi, mâm, bình đồng và cả vật dụng gia đình kiểu hồi xưa được gom lại để các sinh viên giúp từng nhà viết những profile xâu chuỗi từ thời khẩn hoang, những  dữ liệu “bảo tồn” gắn với một quần thể hiện vật, thật nhiều cung bậc trong quá trình sinh cư ở cù lao này. Câu chuyện của người Cồn Sơn, từ lối sống, tập tục, lễ giáo, gia phong và những thách thức từ lũ lụt, giông bão tới những hiện vật minh chứng cuộc sống thích nghi của lớp người khẩn hoang tới nay là câu chuyện toàn tập về giá trị sống, sự thương yêu, đoàn kết, chân thực. Một cuộc sống trong suốt, lòng lành được lưu giữ qua biết bao đời. Cái gì liên quan tới văn hóa bản địa, sâu lắng phải được ghi lại, lưu giữ, cái gì khác biệt so những nơi khác thì cùng nhau khắc họa, làm ngay từ bây giờ chứ không đợi tương lai bình yên.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân trải nghiệm cuộc sống Cồn Sơn.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhiều Em, khoa KHXH&NV (ĐH Cần Thơ) nói rằng Cồn Sơn đã thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Tới đây các nhóm sinh viên tình nguyện sẽ hướng dẫn bà con làm nông nghiệp sạch, kinh tế tuần hoàn, viết câu chuyện hiện vật lịch sử… Tất cả hướng tới việc tăng giá trị cho du lịch cộng đồng nơi đây.

Cồn Sơn từng “phất phơ như tấm lụa đào” khi người ta “xí” dự án rồi rao bán trên chợ ảo…. Không than vãn, không bi quan, người Cồn Sơn ung dung tạo dựng cuộc sống nông nghiệp kế bên đô thị hiện đại. Các gia đình dụng công chỉn chu không gian sống, ráp nối các hiện vật từng nhà để minh chứng một cuộc sống hài hòa ở đây, một lịch sử khẩn hoang miệt mài qua nhiều thế hệ để có một Cồn Sơn lưu giữ văn minh nông nghiệp. Cả nước có trên 20 mô hình du lịch cộng đồng được chứng nhận OCOP 3 – 4 sao. Có 365 điểm du lịch cộng đồng, homestay, hợp tác xã làm du lịch cộng đồng nông thôn, trên 30 trang trại nông nghiệp cũng làm du lịch cộng đồng, 230 doanh nghiệp du lịch lữ hành kết nối với chương trình OCOP  của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cồn Sơn muốn tham gia chương trình OCOP với loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng ở nông thôn. Bến đò Cô Bắc là cửa ngõ. Bè cá Bảy Bon là điểm dừng. Chú Bảy vừa được Chủ tịch nước tặng bằng khen với danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Chú Bảy Bon – kỹ sư thủy sản nhiều năm kinh nghiệm – tâm huyết duy trì những giống cá quý hiếm trong dòng sông Hậu khi hệ sinh thái nước ngọt đang lâm nguy. Cuộc sống thương hồ trong vài chục năm nay đã là trải nghiệm với đầy đủ vui buồn, thành công – thất bại. Giờ đây tới bè cá Bảy Bon, vui chơi thì cứ vui chơi, nhưng hãy dành ra ít phút cùng chú Bảy thả cá giống xuống dòng sông này góp sức khôi phục tài nguyên đang suy kiệt.

Trời đồng bằng cuối năm se lạnh Nhưng sức sống xanh mỗi ngày, sức sống diệu kỳ vẫn ấm áp cù lao giữa dòng sông Hậu.

Ngọc Bích

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 141

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 137


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 594325

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50012959



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach