00:18 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Biến đổi khí hậu » Biến đổi khí hậu

Hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong: Có thể trông cậy vào pháp lý?

Thứ hai - 03/06/2013 07:20

Chưa dòng sông nào trên thế giới có quy trình thông báo - tham vấn - thỏa thuận ( PNPCA) như Mekong.

Khi làm cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ các nước thành viên ủy hội sông Mekong (MRC) phía thượng nguồn yêu cầu độ tĩnh không thông thuyền lớn để tàu bè đi lại lên trên dòng chính (cả sông Hậu lẫn sông Tiền), Việt Nam đã làm rất gương mẫu.
 

Nhưng cũng là thủy lộ ấy thì cầu Niết Lương lại tính độ tĩnh không rất nhỏ. Trung Quốc không tham gia Ủy hội nên không bị ràng buộc đã đặt ra nhiều vấn đề, đến lược thành viên MRC cũng coi nhẹ những thỏa thuận.
 

Hội thảo “Khía cạnh pháp lý trong hợp tác quản lý lưu vực sông Mekong” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ sáng 30.5, nhiều người lo ngại hơn khi một số quốc gia thành viên ở thượng nguồn tạo sức ép phía hạ lưu. Việc ứng xử thực sự lúng túng dù dựa vào thỏa thuận có tính pháp lý vì lâu nay mọi quan hệ vì tình nghĩa hơn lý lẽ.
 

Lúng túng ứng xử
 

Lào bất ngờ khởi công Xayaboury vào tháng 11.2012 dù đã “chia sẻ” đề nghị của Việt Nam và các nước khác rằng sẽ đánh giá tác động môi trường hoàn chỉnh, trong khoảng thời gian 10 năm.
 

“Khi Lào làm đập Xayaboury , quy trình PNPCA không có tiếng nói của 18 triệu dân ĐBSCL, cộng đồng dễ gánh chịu nguy cơ khi rủi ro từ thượng nguồn đổ xuống”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, nhận xét.

 

Dân phía hạ lưu sẽ khốn khổ hơn nếu Lào theo đuổi chương trình xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng Mê-kông. Ảnh: H.L


TS Đào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) cho rằng lưu vực sông Mekong nơi có hơn 60 triệu dân sống ven bờ, dòng sông Mekong với sự đa dạng sinh học, nuôi sống 300 triệu người đang đứng trước thách thức cả tình nghĩa lẫn lý lẽ (cả Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong - Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan (1995).
 

Năm 2011, theo TS Đào Trọng Tứ, câu chuyện Mekong nổi lên giữa các nước là làm gì để phát triển bền vững? Nước- năng lượng; công ước với những mục tiêu bình đẳng, không gây hại cho nhau; thực trạng và tương lai con cháu chúng ta là những câu chuyện xuất hiện mâu thuẫn, thậm chí thách thức.
 

Thủy điện được xem là đòn bẩy tăng trưởng ở các nước thượng nguồn. Nhưng sự tăng trưởng của một dòng sản phẩm này đã triệt tiêu biết bao nhiêu nguồn lực từ thiên nhiên và con người! Ở Manwan, Trung Quốc, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Biến đổi khí hậu (DRAGON) chất thải - rác thải đã gây họa cho chất lượng nước. Nguồn nước bẩn có sức hủy diệt rất lớn, chưa nói tới sự cố vỡ đập do chất lượng công trình, động đất…

 

PNPCA là một phần trong công ước quốc tế 1997 và Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong - 1995. Nếu những thỏa thuận bị dẹp qua một bên thì điều gì sẽ xảy ra? Cuộc di cư “tỵ nạn môi trường” được các chuyên gia dự báo là khó tránh khỏi khi đồng bằng chịu sức ép nước biển dâng và hệ thống những giải pháp đầy lý lẻ chỉ có lợi cho thượng nguồn. Họ sẽ đi đâu khi giá trị bền vững của dòng sông và sinh mạng của hàng chục triệu người ở phía hạ lưu sông Mekong bị đe dọa? Dân ĐBSCL di dân thì dòng di dân lớn hơn từ Trung Quốc cũng sẽ khởi động với quy mô lớn hơn.

Rất nhiều chuyên gia nhấn mạnh: Hậu quả này đủ để thấy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới không thể làm sạch nguồn nước lại được, không thể bảo vệ được cuộc sống tốt cho dân bản xứ thì làm sao có thể xử lý những vấn đề đặt ra phía hạ nguồn?!
 

Trung Quốc nổi lên với hình ảnh của người khổng lồ với 3 kế hoạch phát triển thủy điện theo giai đọan và khi những kế hoạch này hoàn tất thì trên Lang Xiang chiều dài trên 1000 cây số, sẽ không còn chỗ nào để làm được nữa khi 25 đập hoàn tất. Tình trạng lấn lướt, mập mờ, cậy thế …đã đẩy 18 triệu dân ĐBSCL ở cuối nguồn vào thế bất cập.
 

Lào chiếm 35% tiềm năng thủy điện, các nhà đầu tư dẫn dắt khiến họ xây dựng kế hoạch phát triển 12 đập thủy điện bất chấp tác hại đẩy vùng hạ lưu của Việt Nam rơi vào tình cảnh sống còn mỏng manh. ĐBSCL không còn nhiều tiềm năng trong khi đỉnh tăng trưởng của cả vùng đã chạm trần sẽ khốn khổ hơn khi 12 đập này đập dâng được xây dựng. Với dung tích từ 200 triệu đến 2 tỉ mét khối nước/đập nước ngọt về hạ lưu sẽ không đủ để duy trì an ninh lượng thực, duy trì nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL.
 

Nhận thức viễn cảnh
 

Càng ngày, lưu vực Mekong càng chi chít đập thủy điện trên dòng chính và chi lưu do các quốc gia ở lưu vực mạnh ai nấy làm.
 

 

Họa sạt lở đang lan rộng ở vùng hạ lưu. Ảnh: H.L


PGS.TS Lê Anh Tuấn cân nhắc những lợi ích và tác hại khẳng định rằng hại luôn lớn hơn lợi ngay cả đối với các nước thượng nguồn. Trong khi tiềm năng cung cấp thủy điện của Mekong khoảng 54.000 MW, Trung Quốc chiếm 23.000 MW, các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar : 28.900 MW, riêng Việt Nam: 2000 MW, nhưng phải gánh chịu toàn bộ hậu quả khi rủi ro từ thượng nguồn đổ xuống. Các nhà khoa học dự báo khi an ninh nguồn nước ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đói kém sẽ gây bất ổn an sinh, trật tự xã hội. Bất kỳ trụ kinh tế nào trong kiềng 3 chân : Lúa gạo- thủy sản- Dịch vụ bị sụp thì các trụ khác sớm muộn gì cũng đổ theo.
 

TS Ni nhấn mạnh: Tình trạng này phụ thuộc vào nhận thức có tính hệ thống, theo ông không chỉ nhận thức lại ranh giới lưu vực mà phải vẽ lại. Đồng bằng sông Cửu Long có lưu vực cả thềm lục địa, biển Đông. Nếu không nhận thức đúng sẽ ảnh hưởng tới những tranh chấp khác. Đập thủy điện gây họa, thậm chí có thể làm chết người hàng loạt. Điều đó có thể xảy ra hay không đều phải được nghiên cứu, xác định.
 

TS. Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam, thừa nhận : Hợp tác quản lý lưu vực sông Mekong đang bị thách thức, cần thiết phải dựa trên cơ sở pháp lý và khoa học. Nhưng ông Trung cũng kỳ vọng “ có khi lý lẽ của pháp lý không hữu hiệu bằng mời nhau một vại bia”.
 

Riêng các chuyên gia nghiên cứu pháp lý cho rằng, pháp lý không có nghĩa là hết tình hết nghĩa mà là nơi khẳng định những thỏa thuận và thực hiện theo thông lệ quốc tế. Một chuyên gia quỹ WWF Việt Nam kỳ vọng “Công ước của Liên hiệp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích không phải giao thông thủy ra đời năm 1997, sẽ là chỗ dựa pháp lý. Hiện nay , có 31 nước phê chuẩn cần 3 nước nữa sau khi Việt Nam tham gia.
 

 

Lũ sẽ không đáng sợ nếu so với cảnh thiếu nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ảnh: H.L


Tuy nhiên, vừa là nạn nhân khi sự suy giảm môi trường vĩnh viễn và sẽ gánh chịu hậu quả sụp đổ domino, Việt Nam vừa là người tham gia xây dựng những công trình thủy điện. Nhóm lợi ích đã khiến cho những lập luận khoa học lẫn pháp lý không vững chắc.
 

Có ý kiến cho rằng trong khi đánh giá lại tổng thể các mối quan hệ, những thách thức và giải pháp thích ứng để quản lý nguồn nước sông Mekong thì chúng ta cũng tự rút ra bài học để quản lý những dòng sông khác do chính chúng ta gây hại.

Nói tới đây thì nhiều ngành, nhiều cấp còn lúng túng hơn.
 

 

Ba năm tới, có thể giá thành lúa nội địa ở ĐBSCL sẽ tăng lên rất cao do giá dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật leo thang; nước ngọt sẽ thiếu trầm trọng hơn khi các nước thượng nguồn tự ý biến dòng chảy Mekong thành đập thủy điện.

TS Dương Văn Ni, phân tích gia về quản lý tài nguyên nước - môi trường trường đại học Cần Thơ, lo ngại nói: Campuchia muốn phát triển 1 triệu hecta đất lúa cũng sẽ góp phần cho nạn thiếu nước ở vùng hạ nguồn.

Hoàng Lan

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 200

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 178


Hôm nayHôm nay : 30934

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 863391

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44231076



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach