11:00 EDT Thứ sáu, 10/05/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Để tồn tại trước sự sàng lọc nghiệt ngã

Thứ năm - 22/10/2015 06:42
Giữa muôn trùng vây các hiệp định mậu dịch tự do, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải biết tận dụng lợi thế sẵn có và làm khác, nghĩ khác, mới có thể tồn tại trước cuộc sàng lọc nghiệt ngã, theo ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc điều hành DNTN Cỏ May ở Đồng Tháp.

 1
Ảnh: Internet
 
PV: Hiện tại, rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp và đã có hiệu lực, ta không cần đi ra biển lớn nữa mà nước biển đã tràn vào tận nhà, tâm trạng của ông lo lắng hay vui mừng?
 
Ông Phạm Minh Thiện: Tôi cho rằng, hội nhập lúc nào cũng hai chiều, một là hội nhập ra bên ngoài và hai là từ bên ngoài hội nhập vào. Ở góc độ cá nhân, tôi nhìn hướng tích cực nhiều hơn. Thứ nhất, khi hội nhập hàng hóa của ta có nhiều cơ hội ra bên ngoài, tiếp cận với thị trường thế giới nhiều hơn. Hai là khi hội nhập từ chiều ngoài vào trong, doanh nghiệp nước ngoài mạnh, họ sẽ mang vào những sản phẩm tốt hơn, giá trị mới hơn, nên doanh nghiệp Việt phải tự hoàn thiện mình để có thể hòa nhập trong xu hướng đó. Tôi cho rằng người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi nhất từ sự cạnh tranh, phấn đấu giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
 
Là một doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực ĐBSCL, ông chuẩn bị như thế nào để đối phó với chiều đến của hàng hóa nước ngoài như thế nào?
 
Rõ ràng khi hội nhập, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn chúng ta rất nhiều về trình độ, năng lực quản trị, khoa học công nghệ, tài chính… Để có thể sống được trong hoàn cảnh này, chúng tôi không được phép có những lỗi sơ sài. Mặt khác, phải “gạch đầu dòng” được những lợi thế của mình để khai thác và tồn tại.
 
Với Cỏ May, ông khai thác những "gạch đầu dòng" như thế nào?


Cỏ May hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Lấy ví dụ như mảng mảng thức ăn chăn nuôi thì các lợi thế gạch đầu dòng của chúng tôi là địa lý, vùng nguyên liệu, vùng tiêu thụ, chi phí, thị trường…
 
Ví dụ, chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thức ăn cá tra, doanh nghiệp đặt tại Đồng Tháp, một vùng trọng điểm về lúa gạo, có lợi thế về nguyên liệu cho thức ăn là cám, tấm… Do đó, sản xuất, tiêu thụ bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ chính là lợi thế và sẽ bảo đảm được giá thành thấp nhất, độ tươi của nguyên liệu tốt nhất, và thị trường tiêu thụ.
 
Nhưng thị trường thức ăn chăn nuôi đang chứng kiến sự làm mưa làm gió của các doanh nghiệp FDI?
 
Trong lĩnh vực thức ăn gia súc, gia cầm doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế rất lớn và càng ngày một rõ hơn. Nhưng trong lĩnh vực thức ăn cho cá tra, các doanh nghiệp ngoại đang thất thế so với doanh nghiệp nội. Hiện nay doanh nghiệp nội chiếm thị phần thức ăn cho cá tra tương đương với thị phần gia súc gia cầm mà doanh nghiệp ngoại đang chiếm. Cá tra là một giống nuôi tương đối lạ so với thế giới nên giữa doanh nghiệp nội và ngoại sự am hiểu về dinh dưỡng là như nhau. Trong trường hợp đó chất lượng nguồn nguyên liệu quan trọng hơn trình độ khoa học kỹ thuật, do vậy phải khai thác tốt các lợi thế của mình để tồn tại và phát triển.
 
Vì sao doanh nghiệp nội tạo được ưu thế lớn như thế trong thức ăn chăn nuôi cho cá tra, trong khi các ngành khác thì ngược lại?
 
Thứ nhất, chi phí quản lý sản xuất. Anh từ nước ngoài đến mọi chi phí đều tính bằng USD, trong khi doanh nghiệp Việt thì tính bằng Việt Nam đồng. Thứ 2 là trình độ khoa học kỹ thuật, độ am hiểu với con cá tra là như nhau. Thứ 3 là lợi thế về địa lý. Ba doanh nghiệp sản xuất thức ăn thương mại như Con Cò, Việt Thắng, Cỏ May đều nằm tại các vùng trọng điểm về lúa gạo và trọng điểm ở những vùng nuôi cá tra, cho nên sản xuất tại chỗ và tiêu thụ tại chỗ, đó là những lợi thế rất lớn.
 
Các lợi thế khác như trình độ khoa học kỹ thuật, hay tạo ra sự khác biệt có quan trọng cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong cạnh tranh hay không?
 



Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Đồng Tháp. Ảnh: HL

Rõ ràng hội nhập mang lại rất nhiều áp lực. Về vốn, chúng ta không bằng họ. Về trình độ khoa học kỹ thuật, năng lực quản trị cũng thua kém… Cho nên tôi nghĩ hội nhập là sự sàng lọc nghiệt ngã. Qua đó những người còn sót lại sau đó sẽ lớn lên và thậm chí có thể ra vươn ra thị trường nước ngoài. Nhưng ngược lại những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt thì rất nhiều khả năng phải chia tay cuộc chơi.
 
Vậy mình nên đứng một mình để tạo nên sự khác biệt hay liên kết để tạo ra một chuỗi sức mạnh tổng thể?
 
Tôi cho rằng, liên kết là một giải pháp hay, và có thể liên kết dọc hay ngang. Vấn đề cơ bản của liên kết phải là lợi ích, nếu người ta nhìn thấy lợi ích thì họ sẽ làm.
 
Chẳng hạn, về liên kết dọc và chuỗi, Cỏ May tham gia mảng thức ăn gia súc gia cầm. Đặc thù của người chăn nuôi Việt Nam là nhỏ lẻ, vì thế chi phí đầu vào tăng, đầu ra khó khăn, chi phí trung gian cao… Nếu chúng ta liên kết được nhà chăn nuôi, nhà tiêu thụ và nhà cung cấp thức ăn, hay những nhà cung cấp thuốc thú y thì sẽ thành công.
 
Ông có thể cho một ví dụ minh họa?
 
Tôi từng nói với các bà con nuôi vịt là các hộ chăn nuôi hãy tập hợp lại với nhau. Thay vì mỗi hộ nuôi từ 1.000 – 2.000 con thì chi phí rất cao, nhưng nếu bà con liên kết lại đẩy tổng đàn lên khoảng 50.000 – 70.000 con, ngay lập tức Cỏ May sẽ giảm giá khoảng 10% thức ăn chăn nuôi cho bà con. Việc liên kết này giúp nông dân bỏ được các chi phí trung gian. Tổng đàn lớn còn giúp việc mua thức ăn được rẻ, mua thuốc thú y với giá sỉ…Ngoài ra, những nhà sản xuất thức ăn hoặc thuốc thú y rất muốn hỗ trợ các hộ nuôi, thông qua ban điều hành của các hộ họ sẽ cử kỹ sư, chuyên gia xuống hỗ trợ.
 
Vấn đề nữa là đầu ra, như bà con nói có con heo hay mấy trăm trứng vịt muốn bán, như thế rất khó vì thương lái phải đi gom từng người. Thay vì như thế, ban điều hành nói tôi có 20.000 trứng vịt và mấy trăm con heo thì sẽ có nhà tiêu thụ lớn đến đặt vấn đề. Và như thế đầu ra ổn định và bán được giá.
 
Liên kết giống như một câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và trong thực tế thì các "nhà" liên kết với nhau bất thành, và lại đi cạnh tranh nhau?
 



Ảnh: Trần Quỳnh


Bản chất của liên kết là lợi ích, khi chúng ta đưa ra những đề xuất mang tính lợi ích thiết thực tôi nghĩ bà con sẽ tin và thực hiện. Câu chuyện thay vì liên kết lại quay ra cạnh tranh nhau tôi nghĩ đó là liên kết ngang, giữa doanh nghiệp cùng ngành với nhau.
 
Tôi cho rằng vấn đề là không tin nhau nên dẫn đến điều đó. Nếu đã tin nhau, cùng ngành hay không cùng ngành cũng liên kết được. Như các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa ngồi lại với nhau, khi một người muốn nhập 5 tấn hàng, người thứ 2 cũng 5 tấn và người thứ 3 cũng thế. Vậy khi liên kết lại, họ có thể thể ký một hợp đồng nhập mấy chục ngàn tấn với giá rẻ hơn nhiều.
 
Và Cỏ May đang làm điều đó?
 
Ở Cỏ May, có 4 đơn vị thành viên hoạt động có liên kết mật thiết với nhau, như giữa bao bì, thức ăn, gạo… đây là những đơn vị hoạt động khác ngành và độc lập nhưng có chung một chủ sở hữu nên chia sẻ những giá trị cho nhau, đó cũng là một sự liên kết.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Trần Quỳnh (ghi)
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 314

Máy chủ tìm kiếm : 42

Khách viếng thăm : 272


Hôm nayHôm nay : 79668

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 641351

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44009036



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach