09:10 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Hãy thất bại để được khen

Thứ tư - 17/06/2015 04:08

Trẻ, năng động và đã làm việc tại nhiều tổ chức quốc tế nhưng điều gì đã khiến chàng trai 8x sinh ra ở Bắc California (Mỹ) quyết định trở về Việt Nam để gắn bó với cộng đồng khởi nghiệp tại đây?



Là thành viên người Việt duy nhất trong đội ngũ quốc tế của Tech in Asia (TIA) - trang thông tin về công nghệ và phát triển môi trường khởi nghiệp có mặt ở nhiều quốc gia châu Á và Mỹ, Đỗ Trần Anh Minh đã dành phần lớn thời gian cho sự phát triển cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ ở Việt Nam. Ước mơ lớn nhất của anh là giúp Việt Nam có thêm nhiều công ty công nghệ "triệu đô" nhờ phát triển khái niệm còn khá mới mẻ - xây dựng cộng đồng khởi nghiệp dành cho ai muốn thành công trong kinh doanh.

Anh có thể nói về công việc của mình tại Việt Nam được không?

Công việc chính của tôi là biên tập viên lĩnh vực công nghệ của TIA, trụ sở chính đặt tại Singapore. Còn tại Việt Nam, tôi đang tham gia phát triển các chương trình, sự kiện về xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu vẫn trong lĩnh vực công nghệ.

Cụ thể hơn về những việc anh đang làm?

Tôi và cộng sự đã tổ chức những sự kiện về khởi nghiệp như Barcamp, Techcamp, Designcamp tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác trên cả nước. Barcamp năm 2013 đã thu hút hơn 1.700 người tham gia. Đây là những hội thảo mở, những người tham gia vừa là chủ tọa, vừa là thính giả, trực tiếp thuyết trình, thảo luận các chủ đề xung quanh công nghệ, khởi nghiệp, marketing, những ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử...

Dự án lớn nhất của tôi là "Agriculture Hackathon" (Hackathon chỉ cuộc thi lập trình mà các đội thi phải hoàn thành sản phẩm phần mềm trong thời gian ngắn). Đây là dự án nghiên cứu kết hợp công nghệ và nông nghiệp nhằm tìm ra giải pháp công nghệ mới.

Tôi là một trong những thành viên sáng lập công ty Startup.vn tập trung vào xây dựng cộng đồng khởi nghiệp và trang web Starthub.vn - cơ sở dữ liệu thông tin cho những ai quan tâm lĩnh vực này.

Từ đâu mà anh có kinh nghiệm về xây dựng các chương trình khởi nghiệp?

Trước đó, tôi đã tham gia các chương trình khởi nghiệp do TIA tổ chức tại châu Á, cụ thể là Startup Asia tại Singapore, Jakarta và Tokyo.

Anh nhận xét thế nào về khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam?

Công nghệ đang dần đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại tại đây. Có phải người Việt Nam chỉ muốn sử dụng những sản phẩm và phần mềm của nước ngoài? Tất nhiên là không.

Xã hội Việt Nam đang gặp vấn đề mà chỉ người Việt có thể giải quyết. Công nghệ là một lĩnh vực tiềm năng đòi hỏi phải có sự đổi mới và quan tâm đúng mức để có thể phát triển.

Tôi có đọc một cuốn sách về khởi nghiệp của Brad Feld xuất bản tại Việt Nam có liên quan tới anh…

À, cuốn Cộng đồng khởi nghiệp, tôi cho đó là một trong những cuốn sách về khởi nghiệp hay nhất. Khi đọc xong, tôi đã tìm kiếm thông tin về Brad Feld trên Internet và viết ngay cho ông một email đề nghị dịch cuốn sách sang tiếng Việt. Mười tiếng sau, tôi nhận được thư trả lời từ ông.

Nội dung bức thư là gì?

Ông đã cho tôi một số lời khuyên làm thế nào để có thêm nhiều người tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, để nhiều người hơn tham gia các hoạt động của chương trình khởi nghiệp. Và việc mở cửa chào đón thành viên mới chính là cách để cộng đồng khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Khi hỏi ông về việc dịch cuốn sách sang Tiếng Việt, ông ngay lập tức đồng ý. Cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn.

Anh về Việt Nam lâu chưa? Lý do anh quyết định về đây?

Tôi sống ở đây đã được bảy năm rồi. Cả ba mẹ cũng theo về sống ở đây luôn.

Có lẽ tôi sống ở Mỹ từ nhỏ nên khi làm việc ở đó, tôi thấy quá hiểu người Mỹ rồi nên không còn thấy thú vị nữa. Tôi muốn về đây để học, để hiểu về người Việt Nam, để có chút gì đó thử thách hơn.

Anh thích cuộc sống ở đây chứ?

Có thể nói yêu hơn là thích. Vì yêu đồng nghĩa với việc chịu đựng cả điều mình không thích và yêu luôn cái không thích đó.

Anh thấy điểm đặc biệt của cộng đồng khởi nghiệp trên thế giới mà Việt Nam cần học tập là gì?

Tôi muốn nói ví dụ về thung lũng Silicon, vốn mạnh về tính cộng đồng. Mọi người đều biết nhau, không ai coi thường ai, không ai "ném đá" chuyện thất bại hay ghen tị trên thành công của người khác. Thậm chí nếu thất bại, bạn còn được khen để cố gắng hơn.

Kế hoạch sắp tới của anh?

Tôi định cuối năm sẽ ra sống tại Hà Nội để có thể tổ chức thêm nhiều chương trình khởi nghiệp tại đây. Tôi thích thời tiết và môi trường khởi nghiệp ở Hà Nội.

Cảm ơn anh!

Trà Giang (thực hiện)

Nguồn tin: Thế giới Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 115

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 112


Hôm nayHôm nay : 37658

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 977110

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44344795



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach