1 Tin Tức Dòng chảy hàng Việt

Khi nhà nông không dễ kiếm tiền chất phác

Thứ năm - 18/02/2016 06:29 1 1 1
Nhà nông không chỉ gặp rủi ro từ thời tiết, khí hậu, họ còn là nạn nhân của cách mua bán “gạ được người nào hay người nấy”.

Ngày mùng một tết, ông Huỳnh Hữu Hồng ở ấp Bình Hưng, xã Thành Công, Gò Công Tây (nơi có khoảng 10.000ha lúa đang thiếu nước) đã lo đặt máy bơm chờ đủ nước để bơm chuyền lên ruộng lúa đang thời kỳ làm đòng.

Những chòm xóm của ông cũng bận bịu, lo giải cứu lúa đông xuân do nguồn nước từ cống Xuân Hoà, Vàm Giồng đang thiếu hụt.

Biết trước, nhưng đành bó tay

Ông Hồng biết nguồn tiếp nước duy nhất vào vùng lúa dự án ngọt hoá Gò Công qua cống Xuân Hoà đã không ổn do độ mặn cao từ đầu tháng 1/2016 đến nay.

Nguồn khác đang được tính đến là Vàm Giồng, nhưng cũng không đủ để bơm chuyền. Mấy ngày tết, ban đêm trời se lạnh nhưng ngày nắng gắt khác thường. Các nông dân cho biết mực nước trên đồng rút rất nhanh, 5 – 10cm/ngày. Các cán bộ thuỷ nông nói: mức thiếu hụt khoảng 700.000m3/ngày.

Truyền hình địa phương cho biết 29.300ha lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh thuộc vùng dự án ngọt hoá Gò Công đang thiếu nước. Có 117 điểm tiếp nước, bơm chuyền, theo xí nghiệp Thuỷ nông Gò Công, nhưng lượng nước chỉ đủ sức cứu 4.000 – 5.000ha lúa.

Gò Công Tây có khoảng khoảng 10.000ha lúa đông xuân, hơn 40 ngày tới là giai đoạn lúa rất cần nước, trong khi nhiều con kênh đã cạn.

Phía tây đã như vậy, khu vực phía đông, ven biển càng khó khăn hơn. Có hai nguyên nhân khó khắc phục ngay lúc này: nguồn nước từ thượng nguồn Mekong bị chặn bởi những con đập trên dòng chính, vùng hạ lưu không có mùa nước nổi và hệ thống kênh rạch bồi lắng giống như những mạch máu bị nghẽn.

Ông Lê Ngọc Bích (Út Bích), từ một nhà giáo về lập vườn và trở thành nhà vườn sáng tạo – rành rẽ kỹ thuật trồng quýt ở Lai Vung, Đồng Tháp, nói: biết trước hiện tượng El Nino, nhưng không biết làm gì để đối phó.

Dịp tết này, hầu hết vườn quýt, cứ mười trái thì chín được bốn trái, sáu trái xanh. Nhà nào năm ngoái thu được 30 tấn thì năm nay còn chừng 10 tấn. Ông Bích, không bị ảnh hưởng do làm trái vụ, tháng 2 mới thu hoạch.

Năm nay, thời tiết lạnh, ít ai chịu ăn chua. Nông dân bị ảnh hưởng liên tục do giá chợ, mưa nắng thất thường nên thiếu tự tin ngay cả khi có người chia sẻ kỹ thuật.

“Giá quýt đẹp bán tại vườn 27.000 – 28.000 đồng/kg, quýt kém giá 13.000 – 14.000 đồng/kg, quýt lỡ lỡ giá 16.000 đồng/kg. Nhà vườn có thể thua, nhưng thương lái chắc chắn thắng do nguồn cung ít đụng hàng, vốn mua 1kg quýt năm rồi năm nay mua được 2kg, cước phí vận tải giảm”, ông Bích nói.

Không dễ kiếm tiền chất phác

Ông Lê Văn Lượn, dân Cồn Khương, TP Cần Thơ cho biết: thời tiết làm mai nở sớm, nhà vườn không đem mai đã nở ra chợ. Còn người mua đi bán lại thì hoa trổ trên đường ra chợ nên họ tập trung giữ mai nở đúng kỳ, bán được giá bằng đủ loại thuốc tới mức hoa trổ không rụng cánh.

Sau tết, nhiều người trồng mai bắt đầu “chạy thuốc” để cứu những cây mai trổ bông không rụng cánh này. “Tình trạng này, tui bị từ năm ngoái”, một người ở khu dân cư Nam Long, đã mua cùng một lúc ba cây mai vườn với giá 1,5 triệu đồng, nói: tết này cả ba đều không ra hoa, cứ nghĩ mình chăm sóc dở, ai dè, nhà vườn nói nhiều lái xài thuốc, sau đó sẽ tàn nếu không cứu kịp.

Ông Tạ Hoàng Phương, người theo dõi kỹ thị trường mai tết, nói: tới ngày 29 tết, có bốn người ở Hậu Giang hùn tiền lên Cần Thơ mua cây mai với giá 450 triệu đồng (giá niêm yết 500 triệu), để biếu một người biết chơi mai nào đó, số còn lại chỉ bán được những chậu giá 1 – 2 triệu đồng.

“Mai từ Bình Định về miền Tây khó cạnh tranh do chi phí cao, thuê lô diện tích 3m2 giá 2,1 triệu đồng, chưa kể chi phí khác. Khách tới hỏi vài câu rồi bỏ đi, người mua thì ít, người chụp hình thì nhiều. Đem về 200 chậu nhưng tới ngày 28 tết chỉ mới bán được mấy chục chậu, giá 1,5 – 5 triệu đồng/chậu”, anh Bảy Thương, người mua mai từ Bình Định thuê lô ở đường Ngô Gia Tự, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, than thở.

Một số thương lái méo mặt nói: “Năm nay nhiều nhà vườn mở rộng dịch vụ cho thuê, cánh mua đi bán lại càng khó khăn hơn”.

Chỉ mấy ngày trôi qua thôi mà nhiều người trồng hoa, thương lái vất vả đưa một lượng cây trái, hoa kiểng từ quê ra thành lại rơi vào cảnh tiền thuê lô năm sau cao hơn năm trước, cảnh tự cạnh tranh nhau, bên đây dưa 70.000 đồng một trái, bên kia 50.000 đồng – lựa trái nào tính trái nấy, cảnh người này bày người kia xài đủ thứ thuốc để mai chỉ trổ một lần… ma mãnh tới mức con sâu làm rầu nồi canh.

Một cách làm tử tế, mua bán đàng hoàng đâu có gì  khó, nhưng bỗng trở thành việc không dễ chút nào khi những người kiếm tiền chất phác nói rằng những rủi ro vô hình từ đâu ập tới đe doạ việc kiếm tiền của họ, nên gạ được người nào
hay người nấy!

Hoàng Lan – Ngọc Bích
Thế Giới Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nhà nông, rủi ro, thời tiết, khí hậu, nạn nhân, mua bán, nào hay, bình hưng, thành công, thời kỳ, của ông, giải cứu, xuân hoà, thiếu hụt, dự án, ngày tết, ban đêm, khác thường, nông dân, cho biết, cán bộ

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn