23:33 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Sản xuất nông sản: Động cơ mất điều khiển

Thứ hai - 18/05/2015 18:18

Chưa năm nào câu chuyện nông sản lại được xới nhiều và sâu đến vậy. Tại kỳ họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội diễn ra cách nay vài ngày, các thành viên uỷ ban đồng loạt lên tiếng trước tình trạng hàng loạt nông sản gặp khó khăn về đầu ra khiến nông dân kiệt quệ.


Ảnh minh họa: Internet

Hầu hết ý kiến chỉ ra hạn chế về sản xuất làm cho nông sản kém sức cạnh tranh về chất lượng, sản lượng lẫn giá bán. Nguyên nhân là do quá trình tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra chậm chạp, chưa đem lại hiệu quả nên dẫn đến tình trạng sản xuất manh mún, thiếu quản lý, thiếu quy hoạch, thiếu tính liên kết, sản phẩm làm ra không phù hợp với nhu cầu thị trường…
 
Không có đầu tàu
 
Vụ vải năm 2015 tại miền Bắc đã bắt đầu. Có nhiều thông tin tích cực về đầu ra từ các cơ quan chức năng như sang Trung Quốc xúc tiến thương mại, mở cửa vào thị trường Mỹ, Úc hay làm việc với các địa phương phía Nam và chuỗi siêu thị để tiêu thụ giúp nông dân…
 
Dù vậy, người nông dân trồng vải vẫn lo lắng. Bởi năm nào cũng vậy, trước mùa thu hoạch người ta cũng được nghe nói nhiều đến việc tìm cách tiêu thụ, nhưng đến chính vụ thì đâu lại vào đấy, giá cả giảm mạnh và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
 
Dù sao thì cây vải cũng còn dễ quản lý vì diện tích trồng và sản lượng tương đối cố định. Nhưng đối với các loại cây trồng, vật nuôi khác điều này không dễ dàng. Thông tin về thanh long đổ cho bò ăn, dưa hấu đổ đầy ruộng, hành tây Đà Lạt chỉ còn 500 đồng/kg, hành tím Vĩnh Long, Kiên Giang kêu cứu; đến việc nông dân phải đổ bỏ sữa vì không bán được cho công ty trong thời gian qua cho thấy nông nghiệp Việt Nam rất bấp bênh.
 
Nông dân được tự do trồng bất cứ loại cây nào họ thấy có lời. Họ trồng và bán cho thương lái khi đến mùa, không có hợp đồng bao tiêu hay kế hoạch liên kết sản xuất cụ thể. Liên kết sản xuất đang nói đến có với sự phối hợp của ba nhà: nhà phân phối (chợ, siêu thị…), nhà cung ứng (cơ sở thu mua, tổ chức sản xuất), nhà nông. Cơ chế vận hành của liên kết: nhà phân phối đặt hàng, nhà cung ứng tổ chức nông dân sản xuất theo đặt hàng của nhà phân phối, nông dân chăm sóc theo quy trình nhà cung ứng đưa ra.
 
Cứ chạy theo… lề thói cũ
 
Do thiếu thông tin và định hướng sản xuất, nông dân thường chạy theo thông tin từ quá khứ (vụ trước loại cây nào có giá cao) và hy vọng lúc thu hoạch sẽ được mùa; hoặc phong trào (thấy nhà hàng xóm trồng thì trồng) chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Không chỉ đầy rủi ro do không thể tiêu thụ được nếu sản xuất nhiều so với nhu cầu của thị trường, sản xuất tự phát theo phong trào còn đi kèm nó là không có tiêu chuẩn sản xuất. Do đó, ngay cả khi muốn mở rộng thị trường cũng khó vì không đáp ứng được nhu cầu về chỉ tiêu chất lượng mà nhiều thị trường đòi hỏi.
 
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, lỗi lớn nhất của tình trạng sản xuất nông nghiệp theo phong trào, nông dân sản xuất tù mù là do công tác dự báo của các cơ quan chức năng. Trong khi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ tập trung khuyến khích nông dân trồng và nâng cao năng suất, sản lượng nhưng khâu đầu ra thì bộ Công thương lại chỉ giải quyết tình thế thay vì có chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, ngay cả khâu quản lý trồng trọt thì bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng làm chưa tốt. Trong vụ giải cứu dưa hấu vừa qua ở các tỉnh miền Trung, hầu hết bạn bè ở Hà Nội đều phàn nàn chất lượng dưa hấu mà họ mua “ăn hỗ trợ đồng bào” không như quảng cáo. Quả dưa có cái tên mỹ miều là “Hắc mỹ nhân” có ruột không đỏ như thường thấy mà màu hồng lạt, ruột bở vụn, vỏ dày cộm, không ngọt chút nào. Theo giới chuyên môn, thực ra đây là giống dưa tròn, sản xuất chủ yếu để xuất khẩu sang thị trường dễ tính như Trung Quốc chứ không thể tiêu thụ được nội địa. Nông dân lại sử dụng thuốc kích thích tăng trọng lượng làm cho thời gian sinh trưởng ngắn lại, ruột dưa bị bọng và độ ngọt thì… làn lạt.
 
Về phía bộ Công thương, trong cuộc họp giao ban mới đây, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận toàn bộ dưa hấu của Việt Nam bán sang Trung Quốc đều thông qua khoảng mười đầu mối của nước này dẫn đến tình trạng bị ép giá, ùn ứ, đổ bỏ trong suốt nhiều năm qua đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Hành động đem dưa hấu về trụ sở bán giúp thương lái của bộ Công thương vừa qua, cho thấy sự bất lực trong chính sách và giải quyết tình thế của cơ quan này.
 
Hầu như các doanh nghiệp, ngành hàng đều cho rằng công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại (nhiệm vụ chính của bộ Công thương) không có, hoặc làm cho có chứ không hiệu quả nên các doanh nghiệp vẫn phải tự bơi. Hậu quả là xuất khẩu nông sản của Việt Nam hàng đầu thế giới, nhưng chủ yếu là bán thô qua trung gian chứ không đến tay những nhà nhập khẩu cuối cùng, cũng như nhiều loại nông sản lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc với nhiều dễ dãi nhưng cũng đầy rủi ro.        
 
theo Minh Khoa (báo Thế Giới Tiếp Thị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 136

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 130


Hôm nayHôm nay : 42112

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 960867

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44328552



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach