18:18 EDT Thứ tư, 18/09/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

7 tư duy của doanh nông thành đạt

Thứ hai - 20/05/2024 23:22
Những doanh nghiệp nông nghiệp thành công luôn cập nhật xu hướng mới nhất, áp dụng công nghệ tiên tiến và học hỏi từ những trường hợp thành công và thất bại trước đó!

Tôi đã có dịp tham gia vào cuộc thi Khởi nghiệp xanh do trung tâm BSA tổ chức cách đây 7 năm, đến giờ tôi cũng khá quen thuộc và có thể đọc thuộc tên của các bạn làm chủ dự án dự thi trên mọi miền đất nước. Cá nhân tôi nghĩ cuộc thi không chỉ là một sân chơi dành cho các bạn trẻ khao khát khởi đầu kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp mà quan trọng hơn, Trung tâm BSA còn tạo ra một cộng đồng đoàn kết, tiến bộ và mang tính cách mạng trong lĩnh vực này.
Đầu tiên, tôi muốn nói về giá trị học tập của cuộc thi Khởi nghiệp xanh. Trung tâm BSA đã đầu tư rất nhiều vào việc thiết kế những buổi học, buổi thảo luận chất lượng cao và mang tính ứng dụng cao. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp và nông nghiệp đã cống hiến thời gian và kiến thức của họ để hỗ trợ các thí sinh. Những buổi tập huấn này không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng về khởi nghiệp mà còn giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về ngành nông nghiệp, những thách thức, cơ hội và xu hướng hiện nay. Ngoài kiến thức chuyên môn, cuộc thi còn tạo ra cơ hội giới thiệu và phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Đây là một điểm đặc biệt quan trọng, vì nhiều ý tưởng tuyệt vời của các bạn trẻ vẫn còn ngủ yên trong đầu họ vì thiếu cơ hội và môi trường thích hợp để trình diễn. Cuộc thi Khởi nghiệp xanh đã là một nền tảng vững chắc cho các thí sinh trình bày ý tưởng của mình trước một ban giám khảo và công chúng.
Tham gia với tư cách là một chuyên gia, trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, tôi đã có dịp gặp gỡ, giao lưu và học hỏi từ nhiều bạn trẻ có cùng đam mê với nông nghiệp. Các bạn là những cơ hội cho tôi có dịp nhìn nhận những kiến thức của mình được học có thể ứng dụng giải quyết vấn đề thực tiễn trong khởi nghiệp.
Là một người đi giảng dạy và tư vấn tại các doanh nghiệp Việt Nam, tôi thường thấy các doanh nghiệp Việt khuyến khích nhân viên mình đọc cuốn sách Self- help (Bảy thói quen của người thành đạt). Stephen Covey đã nghiên cứu và tóm tắt những thói quen và nguyên tắc của những người thành công và hiệu quả trong cuộc sống. Lấy ý tưởng này kết hợp với kinh nghiệm của cá nhân đã đồng hành trong hoạt động đào tạo cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi viết bài này để chia sẻ cho các bạn 7 tư duy quan trọng nhất để có thể rèn luyện trở thành một “Doanh Nông thành đạt”. Đầu năm nay bác Lê Minh Hoan đã giới thiệu cho các bạn 3 cuốn sách để có thể kinh doanh Nông nghiệp: Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới, Cà phê sáng cùng Tony, Trên Đường băng. Cá nhân tôi nghĩ đây là những cuốn sách hay nhất mà các bạn có thể tự đọc để trang bị kiến thức và đam mê của mình.
Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu thêm 7 cuốn sách khác tương ứng với từng loại tư duy. Hãy cùng tôi khám phá 7 TƯ DUY CỦA DOANH NÔNG THÀNH ĐẠT, những điều mà những nhà lãnh đạo trẻ trong lĩnh vực này đã áp dụng để xây dựng những cơ sở vững mạnh và mang lại đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
1. Học tập suốt đời – Nâng tầm bản thân
Trong hầu hết các bài giảng của mình đối với các bạn trẻ, tôi đều kết thúc bằng một câu mà tôi đúc kết được và coi như là lời khuyên then chốt cho tất cả các bạn khởi nghiệp: “Tầm vóc của doanh nghiệp không bao giờ vượt quá tầm vóc của bản thân người chủ. Vì thế, có một cách duy nhất để doanh nghiệp phát triển: bạn phải biết nâng tầm bản thân mình thông qua học tập suốt đời”.
Thành công trong nông nghiệp không thể thiếu việc tiếp tục học hỏi và nâng cao kiến thức. Những doanh nghiệp nông nghiệp thành công luôn cập nhật xu hướng mới nhất, áp dụng công nghệ tiên tiến và học hỏi từ những trường hợp thành công và thất bại trước đó. Đa phần các bạn trẻ khi khởi nghiệp đều đi lên từ một niềm đam mê hoặc một chuyên môn cụ thể. Tất nhiên, với nguồn lực hạn chế của bản thân, các bạn phải học rất nhiều kiến thức mới: đổi mới công nghệ sản xuất, marketing, bán hàng, tư duy thị trường, quản lý nhân sự, quản lý tài chính…
Vì thế có thể nói cái nôi BSA là nơi mà các bạn đầu tiên được trang bị những kiến thức này thông qua các lớp đào tạo và cuộc thi khởi nghiệp Nông nghiệp. Có những môn học mình dạy tới lần thứ 3 vẫn là học viên cũ học lại và bạn tâm sự “Mỗi lần em học là mỗi lần em sáng thêm một vấn đề, dù chuyên đề này em học nhiều lần rồi”.
2. Tinh thần cộng đồng – Đóng góp cho xã hội
Tư duy làm nông nghiệp của người Việt vẫn còn ảnh hưởng bởi tư duy “tiểu nông”. Kéo theo là một loạt hệ quả: thực phẩm bẩn, sử dụng thuốc trong trồng trọt, phá rừng, không liên kết với nhau, cạnh tranh không lành mạnh, bị thao túng bởi thương lái, không tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Trong bài tiểu luận “Người nông dân sản xuất nhỏ lẻ,” tác giả Vương Trí Nhàn có viết về nông dân: “Họ giống như những củ khoai tây cùng nằm trong một bao tải. Đúng là giống nhau thật nhưng giữa họ lại chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Mạnh ai nấy sống.”
Tinh thần cộng đồng và đóng góp cho xã hội không chỉ là trách nhiệm đạo đức của tầng lớp doanh nông mới. Cá nhân mình quan sát các bạn bây giờ rất giỏi, được học hành và đào tạo bài bản, có ý thức về cộng đồng và môi trường và luôn có niềm đam mê cho một nền nông nghiệp sạch và hướng tới bảo vệ môi trường.
3. Đổi mới sáng tạo – vượt khỏi lối mòn
Cụm từ “Đổi mới sáng tạo” luôn là một từ khóa rất quan trọng trong các khóa đào tạo tại BSA. Tại sao đây là một yếu tố quan trọng? Bởi đặc trưng của các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp là quy mô nhỏ, ít vốn. Vì thế khi bước vào thị trường, yếu tố duy nhất để có thể cạnh tranh là phải luôn liên tục đổi mới với các gã khổng lồ trong thị trường. “Nhỏ nhưng có võ” là chìa khóa để doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua những thử thách và tận dụng cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp. Bằng việc áp dụng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm hướng đi mới và chú trọng phát triển bền vững, doanh nghiệp nông nghiệp có thể tiến xa.
4. Tinh thần lãnh đạo
Đúng, không ai có thể khởi nghiệp một mình, vì thế một trong những điều các bạn trẻ khởi nghiệp hay quên là rèn cho mình tinh thần lãnh đạo. Leadership – Tính lãnh đạo là khả năng gây ra ảnh hưởng và thuyết phục mọi người đi theo tầm nhìn của mình. Không cần được bổ nhiệm vào chức vụ, bạn có thể là nhà lãnh đạo trong bất cứ tình huống nào. Có 5 thành tố tạo lên nhà lãnh đạo:
• Tính hướng mục tiêu và kết quả với tầm nhìn xa.
• Tính cách chính trực và tử tế.
• Ý chí kiên định trong những hoàn cảnh khó khăn.
• Khả năng giao tiếp và thu phục nhân tâm, truyền cảm hứng cho đồng đội.
• Năng lực dẫn dắt sự thay đổi.
5. Bền bỉ kiên trì vượt khó
Nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn sau Covid. Gần hơn 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đóng cửa. Vì thế, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người chủ doanh nghiệp nông nghiệp là vượt khó trong những hoàn cảnh khó khăn. Những cuộc thi khởi nghiệp hay các câu hỏi từ phía ban giám khảo của cuộc thi khởi nghiệp chỉ là những phép thử đơn giản cho các bạn, thị trường mới là yếu tố quan trọng nhất mà các bạn phải thử thách và chinh phục. Kiên trì luôn tuân thủ những nguyên tắc đạo đức và giữ lời hứa, điều này giúp họ xây dựng được lòng tin vững chắc từ phía đối tác và khách hàng. Cuối cùng, bền bỉ và kiên trì giúp doanh nhân vượt qua những thất bại và học hỏi từ những sai lầm. Chúng ta không bị đánh bại bởi thất bại mà sử dụng nó như một bài học quý giá để trưởng thành và hoàn thiện hơn.
6. Tư duy thị trường – Lấy khách hàng làm trọng tâm
Rất nhiều các bạn trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp thường có tư duy “yêu sản phẩm của mình sản xuất ra”. Điều này dẫn đến một trong những sai lầm lớn nhất của các mô hình kinh doanh khởi nghiệp là tạo ra các sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường. Thiếu thông tin về nghiên cứu thị trường, tư duy sản xuất, tư duy thị trường và không có khả năng lắng nghe những ý kiến phản biện là những điểm yếu của các bạn trẻ khởi nghiệp.
Một sản phẩm mới có thể đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các công ty đã có mặt trên thị trường. Nếu sản phẩm không cạnh tranh được về giá cả, chất lượng hoặc tính năng, khách hàng có thể chọn lựa các sản phẩm từ những đối thủ cạnh tranh đã có uy tín và danh tiếng.
7. Tầm nhìn xa – vượt ra khỏi vùng an toàn
Trong năm 2022, khi Seagames 31 kết thúc, có một sự kiện mà hầu hết các doanh nhân người Việt cảm thấy thất vọng. Đoàn vận động viên Thái Lan đứng nhì với 92 huy chương vàng, kém xa đoàn Việt Nam (205 HCV). Tuy nhiên, đoàn Thái Lan vẫn tổ chức bữa tiệc cảm ơn có sự hiện diện của 12 thương hiệu doanh nghiệp Thái Lan đang hoạt động tại Việt Nam. Có thể quan sát thấy rằng hầu hết các thương hiệu công ty sản xuất lớn của Việt Nam đang bị âm thầm mua lại, thâu tóm các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và sản phẩm thương mại của chúng ta. Đến khi Seagames được tổ chức tại Việt Nam, họ mới đàng hoàng tổ chức tiệc mừng và cảm ơn dưới sự tham dự của chính các doanh nghiệp của người Thái. Có lẽ, câu hỏi đặt ra là liệu có một ngày nào đó Seagames tổ chức ở Thái Lan, cũng có các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức mừng công như người Thái đã làm. Tuy câu hỏi này có vẻ khó trả lời.
Các bạn Doanh nông trẻ đã và đang trên hành trình khởi nghiệp đầy khó khăn, và có một vũ khí duy nhất để cạnh tranh là tư duy sáng tạo, bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Ước mơ thương hiệu Việt lớn mạnh như Vinamilk, Bitis, Vinamit… sẽ không còn xa nếu các bạn trẻ tiếp tục kiên trì và sáng tạo trong cuộc hành trình khởi nghiệp của mình.
ThS. Nguyễn Đông Triều – Chuyên gia tư vấn, huấn luyện quản trị, marketing, thương hiệu…
 
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)

Nguồn tin: BSA.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 144

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 142


Hôm nayHôm nay : 35674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 593945

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50012579



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach