20:03 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

BizTALK: Mắc ca, từ “vì sao” đến “như thế nào”

Thứ ba - 14/04/2015 06:37
Đây là nội dung chính của cuộc tọa đàm - phỏng vấn đang được trực tuyến trên BizLIVE với chủ đề: Mắc ca, từ “vì sao” đến “như thế nào”.
8h30: Buổi tọa đàm chính thức được bắt đầu tại Phòng Event 4, Ground Floor - Khách sạn JW Marriott Hanoi, số 8 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cuộc tọa đàm - phỏng vấn trực tuyến này có sự tham gia của:

- Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

- GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng.
- Ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách, kiêm Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nguyên
- TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên

- Ông Hoàng Tùng, Tổng giám đốc CTCP Vina Macca
- TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank

- Nông dân Bùi Hữu Hòa, thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Ngay từ bây giờ, các bạn độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi cho các vị khách mời trong box bên dưới.
Bạn đọc có thể ấn F5 để cập nhật liên tục nội dung mới của buổi tọa đàm.

BizLIVE xin trân trọng cảm ơn sự tham gia của các bạn!
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn 
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Đưa cây mắc ca về Việt Nam hơn một thập kỷ trước, cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn kỳ vọng loại cây này sẽ giúp nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí trở nên giàu có, đồng thời mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam.
Những điều ông ấp ủ đã bắt đầu được chứng minh trên thực tế. 

Hiện tại, nhiều địa phương tại Việt Nam - đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên - đang trồng, nhân giống và đã cho thu hoạch mắc ca. Nhiều hộ nông dân được ghi nhận đã có cuộc sống khấm khá hơn, nhờ vào loại “cây nữ hoàng” này.

Trên thế giới, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh phát triển diện tích mắc ca, như Australia, Mỹ, Nam Phi, Trung Quốc... 

Do cây khá kén đất và khí hậu, nguồn cung mắc ca hiện vẫn thấp hơn cầu, dẫn đến đây là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị nhất trên thị trường thế giới.

Dù vậy, sẽ còn nhiều câu hỏi cần phải giải đáp, để sự phát triển của mắc ca tại Việt Nam là bền vững. 
Xin GS Hoàng Hòe cho biết, cây mắc ca trên thế giới thế nào và ở Việt Nam hiện nay ra sao?
 GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng
GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng: Tôi đã đi thăm rất nhiều trang trại trồng mắc ca tại Úc. Có thể nói mô hình của họ rất hay, khí hậu khu vực này tương đương với Tây Nguyên ở Việt Nam.
Cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã tổ chức những đoàn khảo sát sang Úc và có ý kiến chỉ đạo là sẽ làm nhanh để phát triển cây mắc ca.
Ở Việt Nam không phải chỗ nào cũng phát triển được cây mắc ca, chỉ có Tây Nguyên và Tây Bắc là phù hợp. 
Nhiều công đoạn đã làm như: Tìm cây, giống, hạt… mời các chuyên gia Úc sang làm. Các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp qua các thời kỳ đều rất ủng hộ cây mắc ca.
Lúc đầu trồng ở Ba Vì chỉ là những cây thường sinh khoảng những năm 1992, 1993. Sau này chúng ta mới có cây nhập.
Hiện chúng ta đã kết hợp với các chuyên gia Úc hỗ trợ cho nông dân kinh nghiệm trồng tại các vườn ươm và cả trên thực tế.
GS. Hoàng Hòe: Cây mắc ca, chỉ có Tây Nguyên và Tây Bắc là phù hợp. 
Cho đến giờ, tuy chưa có tổng kết nhưng theo tôi, có lẽ trên đất nước Việt Nam đã có khoảng 1 triệu cây. Trong đó có khoảng một nửa là cây thường sinh, còn lại là cây ghép. Các cây ghép chúng ta đã tập hợp từ các nước như Úc, Trung Quốc, Thái Lan và Hawaii.

Diện tích khoảng 5.000ha chứ không phải là 2.000ha như một số thông tin đang nói.
TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam: Thời gian qua chúng ta đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên điều đó là bình thường.
Chúng ta không nên bàn nhiều đến những con số mà nên bàn là làm cách nào cho nó có hiệu quả.
Trước hết, mắc ca là một cây trồng sẽ có hiệu quả kinh tế cao nhất là trong bối cảnh chúng ta đang muốn nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp. 
Mắc ca có đủ điều kiện để trở thành một cây trồng chủ lực và hiệu quả cao cho nông dân. 
  TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)
Cây cao su, cà phê đã vào Việt Nam trên trăm năm rồi và cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Khi chúng ta làm quy hoạch cho cây cà phê, chỉ dừng lại ở mức 500 nghìn ha. Nhưng sau đó kiểm tra lại con số lên tới 620 nghìn ha và trên thực tế có lẽ con số còn cao hơn nhiều. Thực tế của cây cao su cũng vậy.
Do đó, giữa mong muốn chủ quan của con người thể hiện bằng quy hoạch và thực tiễn hoàn toàn là điều chúng ta phải suy nghĩ. 
Nói đến con số cụ thể đối với một cây trồng kể cả khi nó đã có quy hoạch cũng rất khó. Quan trọng là vai trò quản lý của nhà nước, điều hành ra sao cho có hiệu quả.
Đề nghị chúng ta không nên sa đà vào việc phân tích các con số mà nên đi sâu vào việc làm thế nào để cây mắc ca có thể đem lại hiệu quả cao nhất cho nông dân.
Vấn đề thứ hai là xác định vùng trồng mắc ca ở đâu cho phù hợp. Hiện nay chúng ta mới chỉ ra vùng trồng được chứ chưa có xác định cụ thể. Do đó, chúng ta nên có quy hoạch vùng trồng và cây giống. Làm thế nào để tỷ lệ cây thường sinh dần nhỏ đi, tăng tỷ lệ cây ghép. Nếu chúng ta không bắt tay ngay từ bây giờ, quản lý cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Thứ ba, vấn đề thị trường. Cây mắc ca sẽ không có hiệu quả như mong đợi nếu không nắm bắt được quy trình kỹ thuật và thị trường. Tại sao hành tây dư thừa không bán được, dưa hấu đổ đi cho trâu bò ăn không hết. Doanh nghiệp phải vào cuộc ngay từ đầu đối với những chương trình như thế này. Chỉ có doanh nghiệp mới kết nối được các quy trình từ sản xuất đến thu mua. Và phải có cam kết từ doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp đã xác định đầu tư thì họ sẽ có trách nhiệm với số tiền đầu tư của mình. Đặc biệt nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro theo đánh giá của nhiều người. Chỉ khi doanh nghiệp nào thực sự có tiềm lực mới dám đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ tư, theo tôi, làm như thế nào, tổ chức ra sao, để đi đúng hướng: Quy hoạch vùng trồng, cây giống, gắn kết với nông dân về cả kỹ thuật và nguồn vốn.
Tạo ra những giải pháp để phát triển cây mắc ca để nó trở thành cây chủ lực cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Có 2 vấn đề liên quan đến phát triển cây mắc ca: Thị trường và khí hậu… nó vừa là rào cản cho các nhà đầu tư nhưng cũng lại chính là thước đo năng lực của các doanh nghiệp.
 Các diễn giả tham gia tọa đàm 

Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Thưa TS. Trần Vinh, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên trong nhiều năm là đơn vị tiên phong, đẩy mạnh công tác thử nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trồng mắc ca. Vậy ông có thể cho biết triển vọng thực sự của cây mắc ca trên vùng Tây Nguyên, có thể mang lại giá trị kinh tế cao trên vùng đất này không?

TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Việc trồng cây mắc ca không phải là ngẫu nhiên. Mắc ca đến từ những thực tế trên thế giới, bà con nông dân ở Tây Nguyên quan tâm đến cây mắc ca là đương nhiên. Tây Nguyên có đầy đủ các loại cây công nghiệp nhưng đến bây giờ người dân vẫn còn phân vân vì thị trường, nhiều loại cây không có giá trị. 

Người dân Tây Nguyên không muốn chặt bỏ cây cà phê để trồng cây khác, nhưng cũng muốn tìm hiểu để tăng thu nhập.

TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên

Về phía Viện đã nghiên cứu mắc ca khá lâu, được 13 năm, từ 2002, ban đầu nhập 6 giống mắc ca nguồn gốc từ Úc. Nghiên cứu đến bây giờ chúng tôi thấy mắc ca có thể phát triển ở Tây Nguyên nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được. Các giống biến đổi trong cùng một môi trường. Nhiều giống tốt ở thế giới nhưng khác biệt về điều kiện sinh thái ở nước ta thì phải chấp nhận. 

Chúng tôi hiện nghiên cứu 15 giống thì có 4-5 giống phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên. Cây cà phê hàng trăm năm người ta vẫn nghiên cứu nên cây mắc ca thời gian qua không phải là dài. Kinh phí được cấp cho nghiên cứu trước đây chỉ là đề tài cấp cơ sở, chỉ thực hiện nghiên cứu được ở Buôn Ma thuột, Đắk Nông, Gia Lai, sau này nếu có kinh phí thì có thể khảo nghiệm trên diện rộng hơn và với nhiều loại giống hơn. 

Viện còn nghiên cứu nhiều phương thức để canh tác, ví dụ như trồng xen. Qua nghiên cứu thì phương pháp trồng xen rất hiệu quả, không ảnh hưởng đến cây khác. Cây cà phê ưa bóng, khi trồng xen mắc ca thì tạo bóng cho cây cà phê, cây mắc ca lại được hưởng từ nước tưới từ cây phê khiên mắc ca có tỷ lệ hoa và đậu quả nhiều hơn. Người dân Tây Nguyên quan tâm nhiều hơn, người ta quen với kỹ thuật trồng cây cà phê và không chặt bỏ cây cà phê, chỉ đem thêm cây vào để tăng thêm năng suất. Và trên thực tế không phải giống nào cũng có thể trồng xen được. 

Ngoài ra Viện còn nghiên cứu vấn đề chọn giống cây từ hạt. Khi trồng bằng hạt, quần thể mắc ca phân ly, biến động rất lớn, vì vậy Viện khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng từ hạt mà chỉ để nghiên cứu. Viện còn nghiên cứu về nhân giống cho cây mắc ca, với tỷ lệ sống cao bằng cách ghép, tỷ lệ sống trên 90% để giảm giá thành, bán cho bà con nông dân với giá thấp hơn. Chúng tôi đánh giá lại rằng mắc ca hoàn toàn trồng được trên đất Tây Nguyên, trồng xen để mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. 

Mặc dù phù hợp nhưng năng suất của cây thế nào, có ảnh hưởng đến môi trường không?

Chúng tôi nghiên cứu thấy đây là loại cây dễ trồng bởi trồng có tỷ lệ sống cao, chịu được điều kiện ở Tây Nguyên, ra hoa kết quả được trong mùa khô mặc dù không tưới nước bón phân. 

TS. Trần Vinh cho biết có 4-5 giống phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên.

Nhưng cây mắc ca cũng khó tính bởi cây ưa khí hậu mát lạnh. Ở Tây Nguyên không phải chỗ nào cũng mát lạnh, nhiều vùng chỉ trồng được cây điều, nếu trồng mắc ca thì quả sẽ rụng nhiều, nhiệt độ càng cao rụng quả càng nhiều. Những vùng này thì không nên trồng. Những vùng đất bí chật (sét nặng), đất ngập úng thì không nên trồng. Những vùng đất khác có thể trồng được với năng suất khác nhau. 

Tuy nhiên chúng ta có thể cải tạo được điều kiện môi trường khi đưa vào trồng xen, tưới nước cho các cây khác khiến nhiệt độ thấp hơn thì cây mắc ca có thể tăng trưởng tốt hơn.

Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Hôm nay, tại buổi tọa đàm này chúng ta có đón tiếp một người nông dân. Xin bác Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng có thể kể cho mọi người nghe câu chuyện về trồng mắc ca của mình?
 Ông Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng
Ông Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng:  Tôi vinh dự 2 cậu con trai dám nghĩ dám làm, tôi như 1 thính giả chỉ đạo tầm xa.
Anh cả gặp ông Nguyễn Công Dương, cháu ruột ông Nguyễn Công Tạn, có vườn giống mắc ca trên Ba Vì. Cháu đưa về 600 cây. Năm 2009, chưa ai hiểu biết về mắc ca, 2 năm sau có trái. Năm 2010, đã có mắc ca. Năm 2014, tổng số thu 107 triệu, năm thứ 4. Năm thứ 5, thu đc 295 triệu. Năm 2015, trồng 600 cây. 500 cây đã có trái đều. Chỉ có 1 cây duy nhất không ra quả, do thay tán, ghép cây khác. 
Bà con không để ý về giống, không nghiên cứu rất có thể sẽ mua phải cây mắt ghép giả. Trên thị trường, nhiều nơi dùng mắt ghép giả bán cho bà con. Cây mắt ghép giả nhân rất nhỏ, trong khi cây ghép thật nhân to hơn nhiều. Cây mắt ghép giả từ 5-7 năm mới có trái dù giá thành rẻ hơn chỉ từ 30.000 đồng. Cây mắt ghép thật giá là 70.000 đồng.
Cần phải khuyến cáo bà con về cây giống, mắt ghép. Làm nông nghiệp 5-7 năm không có trái dẫn đến vay  rủi ro, làm không ra tiền. Trong khi đó, cây mắt ghép thật 3 năm có trái.
Cách trồng: cây mắc ca trồng tháng 5, tháng 6, cho một ít vôi khử trùng bón phân sinh. Không cần phân do nhiều, không cho phân hóa học vào, nếu không cây sẽ chết.
Hiện tại, nếu tới thăm quan vườn nhà tôi, đi 2 bên dãy, một bên dãy không có mắc ca thì cà phê héo rũ trong mùa khô này, nhưng dãy có mắc ca thì cà phê vẫn xanh mướt. Và 5 năm nay, dãy cà phê bên cạnh mắc ca nhà tôi năm nào cũng được 9-10 tấn. Năm thứ 3 con tôi thu được mấy chục triệu đủ tiền cây giống, chưa có tiền trồng. Nhưng năm thứ 4, đã thu được 107 triệu. Đến năm thứ 5, gia đình tôi được gần 300 triệu. Năm nay, tôi dự trù được 400 triệu tiền cà phê, mà mắc ca phải vượt trên tiền thu nhập cà phê. Mà thu hoạch mắc ca rất nhàn. Người ta thu cà phê 10 tấn bằng 43 tấn quả tươi, hết 40 triệu tiền chi phí thu hoạch. Còn mắc ca già sẽ tự rụng hoặc vặt, nhưng mắc ca thu về đập ra chỉ hết một nửa số tiền thu hoạch cà phê thôi. Cho nên đã nhàn thu hoạch lại cao.
Thực tế như vậy nên tôi tin rằng là nhà nước thấy có lợi cho dân thì họ sẽ ủng hộ mạnh mẽ thôi.
Toàn cảnh tọa đàm
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Câu hỏi cho ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank, chúng tôi được biết Ngân hàng cùng Tập đoàn Him Lam đang đưa kế hoạch "tham vọng" khi phát triển hàng trăm ngàn cây mắc ca trên Tây Nguyên? Vậy vì sao lại ngân hàng và Him Lam lại bắt tay nhau kế hoạch này. 
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): Nếu tôi là nhà ngân hàng chưa nghe cây mắc ca bao giờ nhưng nếu đến đây nghe bác nông dân Bùi Hữu Hòa nói thì chắc chắn tôi phải xông đến tìm đối tượng đầu tư ngay. 
May mắn tôi đã tìm hiểu về cây mắc ca được 2 năm nay và nhận ra chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội làm giàu rất lớn cho nông dân Tây Nguyên, Tây Bắc 10 năm nay rồi.
Chúng tôi đã nghĩ phải làm sao đó để tìm đối tượng cho vay, và xem xét đây là một đối tượng hiệu quả.
Như các chuyên gia phát biểu, hạt mắc ca rất tốt. Tôi đã đi vườn mắc ca của nông dân và hỏi các anh chị trồng và bán cho ai ở đâu thì chưa có ai nói được cụ thể là ai mà  chỉ nói là khi hạt gần chín đã có người đến xếp hàng mua và hàng không đủ bán. 
Hiện nay có anh Trí – một Việt kiều Úc đầu tư hàng trăm triệu USD đầu tư ở Quảng Trị và xây dựng một nhà máy nhập mắc ca từ Úc về rồi xuất ngược trở lại mà vẫn có lãi. 
Vì vậy mọi người nên yên tâm, nếu không có mắc ca mà người ta nhập từ Úc mà xuất ngược về mà vẫn lãi. Ông nhấn mạnh đây là cơ hội quý hiếm cho Việt Nam. 
Ở Úc tháng 1, 2, 3 thời tiết nóng, nhân công nông dân và công nhân là thiên đường của lương cao. Năng suất chất lượng không bằng ở Tây Nguyên. 
Him Lam và Liên Việt đã có đề án cụ thể, Him Lam đóng vai trò là nhà đầu tư đề xuất mỗi tỉnh 1.000 ha cây giống và kết hợp nông lâm trường đầu tư trực tiếp.
Với café, caosu nông dân quặn lòng làm thế nào cho café sống tuy nhiên không thể duy trì tình trạng như vậy được mà phải tái cơ cấu cây trồng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng: Mắc ca không phải từ trên trời rơi xuống, đây là cơ hội cho cả chúng tôi và nông dân. 
Cây mắc ca rất phù hợp với café, café sống dưới cây mắc ca rất tốt. 5 đến 10 năm nữa sẽ phát triển thêm 200.000 ha nữa.
Dự thảo Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Nguyên từ năm 2012 đến 2020, tầm nhìn đến 2025 nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Theo tôi, 200.000 ha rất đơn giản nếu các ngành chức năng vào cuộc, góp phần cho nông dân Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung trở nên giàu có.
Mắc ca không phải từ trên trời rơi xuống, đây là cơ hội cho cả chúng tôi và nông dân. Chúng tôi cần sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và có sự chỉ đạo đồng bộ từ trên xuống để mở lối phát triển cho cây mắc ca này.
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Hôm nay tại buổi tọa đàm có ông Quách Đại Ninh, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tôi được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 10 năm trước đã dự báo về sự phát triển của mắc ca cũng như quyết liệt nghiên cứu thử nghiệm. Cho đến thời điểm hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xem xét kỹ lưỡng về chiến lược cây mắc ca, gần đây nhất là tờ trình lên chính phủ về kế hoạch 5 năm. Vậy xin ông Quách Đại Ninh cho biết ý kiến về tình hình hiện nay?
Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trước tiên, tôi muốn thông tin thêm cho mọi người biết, là sản phẩm đi theo cùng mắc ca mà ít người biết đến là mật ong mắc ca. Đây được xem như thứ mật thượng hạng, có giá cao nhất thế giới. 
Cá nhân tôi cũng phải công nhận chất lượng của thứ mật này sau khi tự trải nghiệm. 
Tại Tây Nguyên, mắc ca ra hoa 2 lần trong năm. Nếu có những nhà nuôi ong chuyên nghiệp, thì mật mắc ca sẽ là một thứ hàng hóa có giá trị. 
Tôi nghĩ, mắc ca trong 1 tương lai không xa sẽ phát triển để trở thành một ngành hàng mới. Không chỉ dừng ở thị trường Việt Nam, mà như cây cao su, cà phê, còn vươn ra thế giới. 
Qua các chia sẻ của diễn giả trước, chúng ta càng có niềm tin vào tương lai này. 
Để phát triển mắc ca thành một ngành hàng, chúng ta cần quan tâm tới thương hiệu ngay từ bây giờ, chứ không phải để đến lúc sản phẩm ra đến thị trường. 
Để có được sản phẩm mắc ca đồng đều, đạt chuẩn quốc tế, phải sử dụng giống đã được quốc tế nghiên cứu và đánh giá là giống có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thương mại. 
Ở Việt Nam, qua con đường trao đổi nghiên cứu khoa học, ta đã nhập 10 giống đã được công nhận ở nước ngoài, tôi xin nhấn mạnh. Riêng khu vực Tây Nguyên, 4 giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Ông Quách Đại Ninh cho biết cả nước hiện đã có 2, 3 vườn cây đầu dòng được công nhận đủ tiêu chuẩn cung cấp hom. 
Để sử dụng giống cho hiệu quả, bắt buộc phải quản lý giống chính cho chặt chẽ. Mắc ca được nhân giống vô tính từ các cây đầu dòng, do đó cơ quan quản lý phải quản từ các vườn cây đầu dòng. Chỉ những vườn được phê duyệt mới được dùng để lấy hom, ghép và sử dụng để sản xuất cây giống. 
Những cây con khi lấy từ nguồn giống được công nhận, cũng phải được cơ quan chức năng đến thẩm định và cấp chứng nhận, rồi mới được lưu thông thị trường. Chúng đều phải được gắn nhãn mác. 
Những cây đầu dòng không được cấp chứng chỉ, cây con không được chứng nhận, sẽ không được đưa vào sản xuất. Những ai cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. Cá nhân bị phạt thấp nhất 10 triệu đồng. Đồng thời toàn bộ cây và giống chưa hợp lệ sẽ bị tiêu hủy. 
Nên tôi cũng lưu ý những ai đang sở hữu nguồn giống chưa được cấp chứng chỉ, cần liên hệ ngay với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
Việc hơn 1 nửa là giống thực sinh thì là nguy cơ. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phải đi kiểm tra việc cấp chứng chỉ nguồn giống, ngoài ra phải kiểm định cả xem có đúng giống hay không. Đó là cả một chu trình quản lý chặt chẽ. 
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn
 
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Sắp tới triển khai cấp giống đúng chuẩn Bộ ban hành, vậy bao giờ nguồn giống này đến được các huyện, xã?
Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong cả nước hiện đã có 2, 3 vườn cây đầu dòng được công nhận đủ tiêu chuẩn cung cấp hom. 
Bộ đã triển khai 353 ha trồng thuần và 125 ha trồng xen , cộng với hơn 40 vườn mắc ca thông qua chương trình khuyến lâm. Vậy tính ra ta đã có gần 500 ha cây mắc ca có nguồn gốc rõ ràng sau khi được đánh giá, sẽ có triển vọng để được cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường. 
Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Với 5.000 ha của nhân dân đã trồng, Bộ sẽ cấp chứng nhận cho các vườn này như nào?
Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đề nghị bà con kiểm tra lại nguồn gốc cây trồng. Chúng tôi khuyến cáo những người mua giống ở nguồn không rõ ràng, sau 6-7 năm với chế độ chăm sóc tốt mà cây không kết trái thì xem xét xem có nên duy trì tiếp vườn cây này hay không.
Vì nếu trót mua phải cây thực sinh thì rất rủi ro. Trong trường hợp đó, ta nên chuyển hóa những cây đã trồng sang cây trồng mắc ca rõ nguồn gốc bằng cách ghép cây, cành ghép, mắt ghép từ cây đầu dòng được cấp chứng chỉ công nhận.
Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập BizLIVE.vn: Xin hỏi Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã nhận được những chỉ đạo về định hướng phát triển cây mắc ca. Vậy định hướng phát triển của Ban kinh tế trung ương hiện nay như thế nào?
 Ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách, kiêm Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nguyên
Ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách, kiêm Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nguyên: Về cây mắc ca đang có rất nhiều ý kiến nhưng sau những lần làm việc, đi thực tế, giao lưu, thực địa,… chúng tôi nhận thấy cây mắc ca có triển vọng phát triển.

Hội thảo của Vina mắc ca mới đây quảng bá về cây mắc ca ở Lâm Đồng đã quảng bá thị trường rất tốt, từ chỗ chưa biết gì, Tết vừa rồi nhiều  gia đình tìm mua và đánh giá cao chất lượng của loại hạt này.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản trình bày triển vọng báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, việc phát triển cây mắc ca phải làm từng bước, không thể ném tiền qua cửa sổ.
Cây mắc ca trồng ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là hai vùng rất nhiều chè và cà phê. Do đó việc trồng xen sẽ là một lợi thế vừa che bóng mát vừa phủ xanh đất trống đồi trọc và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Tuy nhiên, trồng xen nhưng cũng cần xem xét thổ nhưỡng, khí hậu. Ví dụ trồng xen phù hợp hộ gia đình, nhưng trồng doanh nghiệp cần quy hoạch thành vùng.
Hiếm có loại cây nào tạo được sự liên kết của ngân hàng, doanh nghiệp, nông dân như mắc ca, tuy nhiên cần lưu ý nên xem xét đầu tư phát triển ở mức độ như thế nào.
Về vấn đề giống qua làm việc cùng các viện, nhà khoa học, chúng tôi đề nghị Ngân hàng Liên Việt và doanh nghiệp đầu tư vào nên xem xét về giống vì đầu tư kéo dài nếu giống không hiệu quả thì đầu tư sẽ thua lỗ. Nếu chọn giống tốt nông dân không phải lo lắng về giống, ngân hàng cũng không phải lăn tăn
Vấn đề bao tiêu sản phẩm: cần chú ý khâu chế biến và tìm thị trường, đặc biệt chú trọng đến chế biến bảo quản. 
Ban chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ nông dân và các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu vùng xa Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Đức Phong: Hiếm có loại cây nào tạo được sự liên kết của ngân hàng, doanh nghiệp, nông dân như mắc ca.
Đến 12h00, buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến đã kết thúc.
Buổi tọa đàm đã thu hút được hàng trăm câu hỏi của các diễn giả gửi qua website, Facebook, email và cả điện thoại trực tiếp đến đường dây nóng của tòa soạn.
Ban tổ chức cho biết các câu hỏi còn lại của bạn đọc sẽ tiếp tục được các chuyên gia, diễn giả trả lời thông qua trang web của báo điện tử BizLIVE.vn ở bên dưới.
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia BizTALK
Cảm ơn quý vị độc giả đã quan tâm theo dõi!

BIZLIVE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 169

Máy chủ tìm kiếm : 31

Khách viếng thăm : 138


Hôm nayHôm nay : 64883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 913239

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44280924



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach