00:44 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Chưa có thuốc “đặc trị” phân bón giả

Thứ sáu - 04/10/2013 05:06

Trong nhiều năm trở lại đây, vấn nạn phân bón giả đã trở thành một hiện tượng đáng báo động tại nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, tịch thu hơn 700 tấn phân bón giả, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra. Trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều bất cập và chế tài xử lý chưa nghiêm, nên các đối tượng làm hàng giả vẫn tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

 

Nhiều hộ nông dân điêu đứng vì phân bón giả

 

Có mặt tại buổi tọa đàm về ngăn chặn phân bón giả tại Hà Nội sáng 2/10, ông Đặng Thanh Nhàn, thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình: Ngày 25/5 vừa qua, gia đình tôi đã đến đại lý phân bón Thư Thủy tại thôn 1, cùng xã để mua 3 tấn phân của Công ty CP Vật tư Tổng hợp và Phân bón hóa sinh (địa chỉ: Ấp 5, đường số 8, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) để bón phân cho 3ha cà phê đang ra trái non. Tuy nhiên, sau khi bón số phân trên thì cà phê của gia đình tôi héo rũ, lá và trái non rụng nhiều, còn phân thì không tan và đóng rêu xanh.

 

Chúng tôi đã gọi điện thoại thắc mắc với Công ty, họ cũng cử người về xem nhưng giải thích là phân tan chậm và hỗ trợ cho chúng tôi 10 cái áo và mũ, 2 cái thau nhựa. Một thời gian sau, công ty hỗ trợ thêm 120kg phân, trong đó gồm 100kg phân N-P-K không có nhãn hiệu. Bản thân tôi là người nông dân, làm lụng vất vả, đời sống khó khăn và thu nhập của cả gia đình trông cậy vào vườn cà phê này, để có tiền mua phân phải vay mượn, chốt cà phê non nhưng cuối cùng vì phân không đảm bảo chất lượng khiến chúng tôi vừa mất 42 triệu tiền phân, lại mất mùa, và ảnh hưởng đến các mùa sau, vì mỗi cây cà phê được chăm sóc thì 3 năm sau mới được thu hoạch.

 

1
Một số sản phẩm phân bón giả được phát hiện.

 

Ông Đặng Thanh Nhàn cũng cho biết rất nhiều bà con cùng thôn, cùng xã đã từng là nạn nhân của phân bón giả. “Lượng phân giả thì nhiều mà bao bì thì nhái giống hệt, nên chúng tôi chẳng biết đường nào mà phân biệt” – ông Nhàn chia sẻ. Được biết sau khi báo các lực lượng chức năng, công ty trên đã bị phạt hành chính 55 triệu đồng vì sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với quy định, nhưng số đó chẳng thấm vào đâu so với những gì bà con nông dân đã chịu thiệt hại.

 

Tương tự, ông Nguyễn Đắc Tranh, hội viên Hội Nông dân xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng mua phân bón NPK để bón cho lúa nhưng thấy lúa không phát triển; mang bón cho loại cây trồng khác thì thấy phân không hòa tan được và bị vón hòn. Đoán rằng mình đã mua phải phân bón kém chất lượng, ông Tranh phải lập tức mua phân khác bổ sung để phục hồi cây. “Đáng lý chỉ mất 4 triệu thì nay tôi phải bỏ thêm 2 triệu nữa, vậy mà năng suất của lúa vẫn giảm. Đối với nông dân chúng tôi, cả vụ lúa mới được vài triệu đồng, thiệt hại như vậy là khá lớn. Ở thôn tôi lúc đó, hơn 300 hộ thì có tới hơn 200 hộ mua phải phân bón này” – ông Tranh bày tỏ.

 

Xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ răn đe

 

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), 9 tháng đầu năm nay, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 350 vụ phân bón giả, tịch thu hơn 700 tấn với hàng chục nghìn bao phân bón. Trong số này, có rất nhiều vụ việc điển hình như tháng 4/2013, tại Bắc Giang, lực lượng QLTT đã phát hiện Công ty XNK Bắc Giang kinh doanh 150 tấn phân bón NPK kém chất lượng.

 

Tháng 3/2013, Cửa hàng Vật tư Nông nghiệp Mười Giầu (Tiền Giang) kinh doanh phân không rõ nguồn gốc… Tuy nhiên, lượng xử lý này vẫn chỉ như kim bỏ bể so với những vi phạm thực tế. Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất thì qua thực tế kiểm tra phát hiện hàng giả nhiều nhất là ở khâu sản xuất. Mặc dù đã có Nghị định xử phạt đối với hành vi này, nhưng do mức xử phạt nhẹ nên không đủ răn đe. Ngoài ra, nhiều địa phương còn xuê xoa, lực lượng thanh tra mỏng nên phân bón giả vẫn còn tồn tại.

 

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Bộ đang tổ chức thanh tra diện rộng về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi tại 29 tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có một số doanh nghiệp kinh doanh phân bón giả. Thanh tra Sở NN&PTNT đã phối hợp với Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) truy xuất nguồn gốc, tìm địa chỉ sản xuất nhưng chưa phát hiện được, do địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm không có trên thực tế. Đó là các đơn vị như: Công ty CP Nông nghiệp Nhất - Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; Công ty CP Nông nghiệp sao vàng – Rạch Giá, Kiên Giang; Công ty TNHH Bảo Minh Châu - Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Hiện các cơ quan chức năng đang xác minh tiếp một số doanh nghiệp có phân bón giả.

 

“Khi phối hợp với lực lượng Công an, chúng tôi phát hiện ra các cơ sở sản xuất không có địa chỉ, thường là địa chỉ “ma”. Vì thế, chúng tôi cảnh báo bà con không nên ham hàng rẻ, mua phân bón trôi nổi trên thị trường như tại các cửa hàng dựng tạm, đò ghe bán di động trên kênh, rạch… Hàng hóa mua phải có hóa đơn để làm bằng chứng khi có sự cố; khi mua phải xem sản phẩm có nhãn mác rõ ràng. Bà con cũng nên hỏi người có chuyên môn, những người xung quanh đã sử dụng loại phân bón đó...; khi phát hiện phân bón giả, kém chất lượng phải thông tin nhanh cho cơ quan có thẩm quyền để xác minh tìm nguyên nhân” – ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT cho biết

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 126

Máy chủ tìm kiếm : 14

Khách viếng thăm : 112


Hôm nayHôm nay : 23357

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 920697

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44288382



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach