13:15 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Nông sản Việt: Tham vác nặng khó đi đường dài

Thứ sáu - 25/04/2014 05:53


Chất lượng thấp, giá giảm mạnh làm kim ngạch xuất khẩu nông sản mất khoảng 160 triệu USD trong quý I.
 

Những người chủ của hàng trăm xe dưa hấu ế ở cửa khẩu Tân Thanh hồi giữa tháng 3 vừa qua hẳn đang ngồi tiếc hùi hụi vì giá dưa đang tăng liên tục trong những ngày gần đây. Chưa kể theo dự báo, từ nay đến đầu tháng 4 âm lịch, dưa hấu sẽ còn tăng giá vì nguồn cung tại các địa phương đã cạn dần, chủ yếu là do bà con trước đó đã lũ lượt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, không bán hết và phải đổ bỏ rất nhiều. Trái với tình cảnh hồi tháng 3, giá dưa hấu chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg mà không có người mua, thì nay giá thương lái Trung Quốc thu mua đã lên tới 12.000 đồng/kg, song lại không còn dưa mà bán.
 

Đây chỉ là một trong rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam mất giá trong quý I vừa qua. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản trong quý I/2014 ước đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013.
 

Tuy nhiên, giá bình quân xuất khẩu của hầu hết mặt hàng đều giảm. Đơn cử như giá bình quân xuất khẩu cao su giảm tới 24,8%; mặt hàng chè các loại, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn giảm từ 10% đến hơn 19%... Bộ Công Thương ước tính, sự giảm sút mạnh về giá đã làm cho kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này mất đi khoảng 160 triệu USD.
 


Ảnh minh họa

 

Điểm qua một số vụ việc về xuất khẩu nông sản trong quý, có thể thấy các mặt hàng nông sản Việt Nam từ mặt hàng chủ lực như gạo, cho đến mặt hàng ít chủ lực hơn như dưa hấu... đều đang bị ép giá bằng đủ cách. Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mà trực tiếp là Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1 và 2) đã bán 800.000 tấn gạo cho Philippines với giá “bèo”, ước tính hụt đi khoản tiền lên tới 23,2 triệu USD.
 

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu ASEAN 2014 được tổ chức mới đây, đã có nhiều cảnh báo được đưa ra về xu thế tiêu thụ gạo của các quốc gia vốn đang là thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam trong khu vực. Theo đó, Philippines và Indonesia từ chỗ là thị trường lớn nhất nhì về nhập khẩu gạo của Việt Nam, nay đang giảm mạnh sản lượng nhập khẩu. Nguyên nhân của việc này là cả 2 nước trên đều áp dụng chính sách nông nghiệp hướng tới tự túc lương thực, chỉ nhập khẩu gạo khi cần thiết nếu cung ứng trong nước không đáp ứng đủ cầu.
 

Các quốc gia này cũng thay đổi chính sách, coi đây là mặt hàng đặc biệt quan trọng và thực hiện nhiều biện pháp phi thuế quan để quản lý mặt hàng này. Do đó, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường này không ổn định và cũng không được hưởng lợi từ tiến trình giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
 

GS. Võ Tòng Xuân, một chuyên gia có tiếng trong ngành nông nghiệp, mới đây đã cảnh báo về sự “trỗi dậy” của Campuchia như một đối thủ cạnh tranh đáng phải lưu tâm. Trong năm 2013, Campuchia chỉ xuất khẩu được khoảng 1 triệu tấn gạo, chiếm tỷ trọng 2,44% trong số các quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Con số này cũng chưa bằng 1/7 sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đáng nói là sản phẩm của quốc gia này đang tiến rất gần tới các thị trường khó tính như Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
 

GS. Võ Tòng Xuân lý giải, Campuchia hiện nay đã đi vào quy hoạch vùng nguyên liệu và có nhà máy để sản xuất gạo có chất lượng tốt. Trong khi đó, Việt Nam dù sản xuất với số lượng lớn hơn song chất lượng lại không đồng nhất. “Làm thế nào sản xuất với số lượng lớn, chất lượng đồng nhất và cung cấp đúng thời hạn chính là mấu chốt cho việc nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam”, vị giáo sư nông nghiệp khuyến cáo.
 

Bên cạnh đó, ông Xuân cũng lưu ý tới vai trò của Cục Xúc tiến thương mại. Cơ quan này của Campuchia đã giúp 8 công ty xuất khẩu gạo tham dự hội chợ ở Thái Lan mà trong hội chợ, Việt Nam hoàn toàn vắng bóng. Ông cho rằng, Campuchia thành công bởi họ làm ở quy mô nhỏ nhưng có chất lượng cao, chú ý tới việc làm thương hiệu cho sản phẩm. Đây là bài học rất đáng lưu ý cho mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, dù được đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ song tới nay vẫn chưa định vị được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
 

Ngọc Khanh

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 118

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 117


Hôm nayHôm nay : 42465

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 982219

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44349904



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach