19:29 +07 Thứ hai, 07/10/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Thương hiệu chung cho nông sản ĐBSCL (P.1): Từ chiến lược quốc gia

Thứ ba - 21/05/2024 10:38
“Xuất khẩu gạo tăng trưởng cao nhất trong 10 năm”; “Giá gạo xuất khẩu đạt đỉnh của một thập niên”, “Xuất khẩu trái cây Việt Nam đại thắng”… Chưa bao giờ chúng ta có sự hồ hởi mừng vui về sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trên báo chí như vậy.

Thế nhưng, chúng ta cũng dễ dàng thấy được một thực trạng khác: đời sống người trồng lúa nói riêng, và người nông dân nói chung không được cải thiện gì so với trước đây. Nói như ông Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC và là một nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Trà Vinh, thì “nông dân là lực lượng đang biến mất dần vì không sống được bằng nghề nông nữa”.

Hiện trạng thu nhập kém ở thành phần nông dân này, kéo theo cuộc đô thị hoá và làn sóng dịch chuyển của người trẻ đến các thành phố lớn có lẽ là một hệ quả xã hội của một nền nông nghiệp và sản phẩm thiếu đi các giá trị gia tăng sau thu hoạch như chế biến sâu, thương hiệu và nghiên cứu sản phẩm.

Sẽ là hơi thừa khi nói về sự trù phú của đất đai, sông ngòi và cả hệ sinh thái đa dạng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà lúa hay trái cây hay cá hay tôm đều có sản lượng và chất lượng hàng đầu cả nước, nếu không muốn nói là cả vùng Đông Nam Á. Thế nhưng đời sống xã hội, kinh tế của vùng đều ở mức thấp, thậm chí nhiều mảnh đất còn nằm trong danh sách những tỉnh nghèo nhất cả nước.

Nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều khuyến nghị được đưa ra để cải thiện. Chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long dài hạn cũng đã được chính phủ ban hành. Hàng loạt dự án hỗ trợ từ chống biến đổi khí hậu cho đến tăng sinh kế cho người nông dân cho đến phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước đã được thực hiện. Nhiều kết quả bước đầu đã được ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã vượt qua được bức trần “bán sản phẩm thô” để có thương hiệu của mình hoặc những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn. Lộc Trời, Khải Hoàn, Cỏ May, Sokfarm… là vài cái tên mà nhiều người trong nước nhớ tới. Hay sự đột phá của ST25 – được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới cũng tạo được tiếng vang tốt nhưng vẫn không đủ để duy trì và kéo gạo Việt Nam lên một tầng nấc mới để cải thiện đời sống của người trồng lúa.

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả thử đặt một giả thuyết: “Có hay không sự cần thiết để xây dựng một thương hiệu chung cho các sản phẩm vùng ĐBSCL để góp phần nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của vùng và cải thiện chất lượng đời sống nông dân?”. 

Bài viết sử dụng một số nghiên cứu trong và ngoài nước, một số cuộc phỏng vấn trực tiếp với các doanh nghiệp/chuyên gia và kết quả của các phân tích, đánh giá của nhóm thực hiện thực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA.

Từ chiến lược quốc gia

Ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 287/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch Vùng ĐBSCL 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là một “chiến lược tổng thể – master plan” cho sự phát triển của toàn vùng. Văn bản này xác định tầm nhìn dài hạn như sau: “Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động; các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng được bảo tồn và phát triển; khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Hệ thống đô thị được phân bố hợp lý và phát triển bền vững. Hệ thống giao thông được phát triển đồng bộ, kết nối nội vùng, liên vùng. Hạ tầng thủy lợi, thông tin và truyền thông, cấp điện, cấp, thoát nước được xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an toàn trước thiên tai. Hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao phát triển khá so với cả nước”.

Về quan điểm phát triển, quy hoạch tổng thể được huy động rất nhiều nguồn lực từ trung ương đến địa phương tới các nhà tài trợ quốc tế để xây dựng này chỉ rõ: “Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh… thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa – xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu… và chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hoả, công nghiệp hoá tạo ra sự phát triển đột phá”.

Văn bản dài 40 trang này được rất nhiều các hội thảo khoa học, kinh tế và hàng loạt báo cáo trích dẫn. Chúng tôi cố gắng tìm kiếm một khái niệm tưởng chừng rất giản đơn trong kinh tế hiện đại là “thương hiệu” thì toàn văn bản chỉ nhắc đến tổng cộng vài lần. Cụ thể: “Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng, củng cố một số nhận diện thương hiệu chính về nông sản vùng ĐBSCL đối với thị trường trong nước, quốc tế” và “Phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng”.

Như vậy, chỉ có một lần duy nhất hồ sơ chiến lược quan trọng này nhắc đến “một số nhận diện thương hiệu chính về nông sản vùng ĐBSCL”. Khái niệm này cần được tiếp cận và triển khai như thế nào thực sự đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn của tất cả các bên liên quan.

Thương hiệu chung

Kinh nghiệm thị trường quốc tế cho thấy việc xây dựng thương hiệu chung cho các nhóm, ngành sản phẩm trước hết phải được nhìn từ góc độ thương mại hóa hướng đến xuất khẩu. Các nhà mua hàng thường tìm đến ĐBSCL nói riêng hay VN nói chung như một thị trường tiềm năng về sự đa dạng sản phẩm nông sản, có tiềm năng nhưng ít vì chưa có sự bảo chứng thương hiệu nông sản đi cùng với chất lượng được đo đếm định lượng được. Trong khi đó, để vượt cửa ải đầu tiên khi xuất khẩu nông sản phải đáp ứng các chỉ tiêu nằm trong các bảng kiểm định và để thương mại hóa tốt thì phải được người tiêu dùng ở thị trường đó chấp nhận. Các nhà nhập khẩu hay mua hàng đều phải cân nhắc đan xen hai yếu tố này khi quyết định đặt hàng nông sản tại VN. Do vậy yếu tố “thương hiệu chung” cho nông sản ĐBSCL nếu không phát huy được gì trong việc nâng cao giá trị nông sản khi thương mại hóa thì thường các nhà buôn sẽ bỏ qua nó.

Như vậy, có thể thấy hoạt động xây dựng thương hiệu chung này khác hẳn với việc từng doanh nghiệp đơn lẻ tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của riêng mình, mà đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, gắn với chiến lược phát triển thị trường cho một ngành sản xuất, hay cho một nhóm sản phẩm ở cấp độ địa phương hoặc có thể ở quy mô địa lý rộng lớn hơn, của một vài địa phương có chung điều kiện môi trường tự nhiên, hoặc bí quyết kỹ thuật, để sản xuất được loại nông sản nào đó với đặc trưng chất lượng riêng biệt. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động này cần có sự chủ động tham gia của các nhà làm chính sách trong việc quy hoạch, tạo hành lang chính sách thuận lợi, cung cấp các chương trình hỗ trợ chung ở quy mô quốc tế.

(Còn tiếp)
nhóm tác giả Mekong Connect

Nguồn tin: BSA.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 91

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 87


Hôm nayHôm nay : 34994

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 111299

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 50539843



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach