20:54 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Chiến lược "Made in China 2025": Trung Quốc muốn mọc cánh

Thứ bảy - 23/05/2015 06:48

PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc trao đổi với Đất Việt về chiến lược "Made in China 2025" vừa được Trung Quốc công bố.

PV: - Trung Quốc vừa công bố chiến lược quốc gia "Made in China 2025", trong đó đề ra 9 ưu tiên nhằm biến Trung Quốc thành "cường quốc sản xuất của thế giới", bao gồm: tăng cường đổi mới, tích hợp công nghệ thông tin với sản xuất, quảng bá nhãn hiệu Trung Quốc, khuyến khích sản xuất xanh, tái cơ cấu các ngành sản xuất, quốc tế hóa sản xuất…

Theo ông, điểm đột phát trong chiến lược "Made in China 2025" là gì? Mục tiêu của Trung Quốc đặt ra trong chiến lược này là gì?
 

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Trung Quốc mới chính thức công bố chiến lược "Made in China 2025" nhưng chủ trương này đã có từ năm 2014. Đây không phải là chiến lược mang tính chất toàn diện mà là vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ở trong thời kỳ chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu, phù hợp với nhu cầu và điều kiện trong giai đoạn mới của kinh tế thế giới.

 

Khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đã chủ trương thay đổi Trung Quốc bằng cách tiến hành cải cách toàn diện nền kinh tế. Ý tưởng này được đề cập trong nghị quyết TƯ 3 năm 2013 với mục tiêu nhằm phù hợp với yêu cầu của thị trường trường nước, phù hợp với vai trò của Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Trước kia, Trung Quốc là công xưởng thế giới, cái gì cũng sản xuất và sản xuất nhiều ngành lãi suất thấp, chủ yếu để xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, tiêu hao nhiều năng lượng... Nhưng giờ đây, về mặt đối nội, Trung Quốc muốn tập trung vào ngành phù hợp với nhu cầu trong nước, còn đối ngoại tập trung các ngành mang tính chất dịch vụ và sản xuất công nghiệp có lãi suất cao, giá trị gia tăng cao và bền vững. Trung Quốc chọn ra 9 ngành ưu tiên để thực hiện mục tiêu này. Đây thực chất là quy hoạch, đổi mới cơ cấu sản xuất phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế nhằm lành mạnh hoá, thúc đẩy phát triển ngành sản xuất của Trung Quốc.

Cũng trong khoảng thời gian 10 năm (2015-2025), Trung Quốc dự kiến hình thành một khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Nếu Mỹ có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Trung Quốc muốn chứng minh khu thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương là khả thi.

Trung Quốc muốn trở thành cường quốc sản xuất của thế giới
Trung Quốc muốn trở thành cường quốc sản xuất của thế giới


PV: - Một điểm đáng lưu ý trong chiến lược "Made in China 2025" là quốc tế hóa sản xuất. Điều này có đồng nghĩa, mục tiêu của Trung Quốc không còn là hàng Trung Quốc ở khắp thế giới nữa mà là Trung Quốc sẽ sản xuất trên khắp thế giới không, thưa ông? Theo ông, Trung Quốc có cơ sở gì để đặt ra một mục tiêu tham vọng như vậy?
 

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Đúng như vậy. Trung Quốc không vinh dự gì khi là công xưởng của thế giới vì sản xuất tốn kém năng lượng, sử dụng nhiều lao động, phá hoại môi trường trong nước, cạn kiệt tài nguyên trong khi lãi không được bao nhiêu. Trung Quốc muốn giữ vai trò là nơi sản xuất hàng hoá thế giới nhưng phải là phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao.

Mặt khác, Trung Quốc muốn thúc đẩy đầu tư ra ngoài. Từ trước tới nay Trung Quốc chủ yếu sản xuất trong nước biến nước này thành một công trường và ô nhiễm để lại nhiều hậu quả. Bây giờ Trung Quốc có nhiều tiền, thị trường trong nước cũng trở nên bão hoà, không có lãi nữa. Năm 2014, vốn FDI Trung Quốc thu hút vào nước này và vốn Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài xấp xỉ nhau, năm 2015 chắc chắn kênh đầu tư ra nước ngoài sẽ vượt số vốn nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc.

Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài để kiếm lời nhưng họ vẫn cần thu hút đầu tư nước ngoài. Không phải Trung Quốc không có tiền mà họ muốn thu hút đầu tư vào những ngành Trung Quốc chưa sản xuất được, thông qua đó thu hút công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến. Chiến lược "Made in China 2025" đánh dấu một giai đoạn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc phát triển mạnh, vượt đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Trong các chuyến công du nước ngoài, lãnh đạo Trung Quốc đều ký kết các hiệp định đầu tư hàng chục tỷ USD như Pakistan 47 tỷ USD, Ấn Độ gần 40 USD, Brazil 50 tỷ USD... Số tiền Trung Quốc mua trái phiếu Mỹ cũng đang được rút dần ra. Năm ngoái Trung Quốc mua đến 1.100 tỷ USD trái phiếu của Mỹ nhưng sau đó họ tìm cách rút ra và bây giờ chỉ còn hơn 800 tỷ USD.

Trung Quốc muốn đa đạng hoá, đa phương hoá đầu tư. Ngân khố Mỹ là nơi trú ẩn an toàn nhất cho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc nhưng lãi suất thấp, thiếu chủ động. Trung Quốc sử dụng dự trữ ngoại tệ đó đầu tư hàng loạt ra nước ngoài, phục vụ ý đồ khuếch trương thế lực của họ như chiến lược Một vành đai, một con đường...

Đây cũng là con đường phát triển khách quan của các nước giàu và khi thị trường trong nước bão hoà. Trung Quốc có cơ sở để thực hiện mục tiêu: họ có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới và tham vọng bành trướng về kinh tế, bên cạnh ý đồ bành trướng về chính trị, văn hoá...
 

PV: - Hiện tại, Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ 2 sau Mỹ. Thưa ông, nếu chiến lược "Made in China 2025" thành công, liệu Trung Quốc có đủ sức soán ngôi Mỹ hay không, thưa ông và vì sao? Trung Quốc sẽ phải đối diện và tháo gỡ khó khăn trong việc thay đổi nhận thức về thương hiệu made in China ra sao?
 

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Chưa thể nói gì vào lúc này nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nếu tính theo so sánh về sức mua (PPP), Trung Quốc đã đuổi kịp Mỹ từ năm ngoái. Theo dự báo của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ trong những năm 20 của thế kỷ này. Cụ thể, nếu GDP bình quân hàng năm của Mỹ tăng 3%, còn Trung Quốc giữ tốc độ tăng bình quân hàng năm trên dưới 7% thì đến năm 2025 Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ về GDP. Tuy nhiên cần lưu ý, hiện bình quân thu nhập đầu người Trung Quốc mới bằng 1/4 Mỹ vì dân số Trung Quốc gấp 4 lần Mỹ.

 

Về thương hiệu Made in China, khi Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới với số lượng hàng hoá lớn thì hàm lượng công nghệ trong hàng xuất khẩu Trung Quốc rất thấp. Cho nên mục tiêu của Bắc Kinh là nâng cao tỷ lệ các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao vì hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng của xuất khẩu mới lớn. Tất cả các lĩnh vực Trung Quốc chọn đều mang tính chất mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, hàm lượng kỹ thuật cao.
 

PV: - Thưa ông, sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tạo nên môi trường thuận lợi hay thách thức cho nền kinh tế toàn cầu? Cuộc cạnh tranh giữa các ông lớn sẽ đặt các nền sản xuất nhỏ tương tự như Việt Nam vào những nguy cơ gì và chúng ta phải ứng phó với nó ra sao?
 

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc có lợi hay tạo ra thách thức còn tuỳ vào điều kiện chính trị nhưng nhìn chung, nó có 2 mặt và có tác dụng khác nhau đối với các quốc gia, khu vực khác nhau.

Theo đó, nó có lợi cho việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển vì trong thời đại kinh tế toàn cầu, một nước nhỏ khủng hoảng kinh tế còn tác động nguy hại đến nền kinh tế toàn cầu huống chi là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Kinh tế Trung Quốc đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy kinh tế nhiều nước, nhiều khu vực phát triển. Ví dụ, EU đánh giá hàng Trung Quốc chất lượng thấp nhưng nó làm hàng trăm triệu dân châu Âu được mua hàng giá rẻ.

Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc cũng có mặt tiêu cực. Về mặt kinh tế, hàng hoá Trung Quốc tràn ngập một số quốc gia. Dù Trung Quốc luôn nói về nguyên tắc cùng thắng nhưng thực ra hàng hoá Trung Quốc càng nhiều thì càng chèn ép nền sản xuất nội địa. Điều này thấy rõ ở Việt Nam và châu Phi.

Trung Quốc cũng sử dụng đầu tư, viện trợ kinh tế nhằm thực hiện những mục đích ngoài kinh tế gây tác động tiêu cực (như chạy đua vũ trang, xây dựng lực lượng quân sự...).

Việc cạnh tranh kinh tế là không tránh khỏi. Trung Quốc có lý khi nói các nước cùng thắng bởi thời đại toàn cầu hoá, cạnh tranh kinh tế có thể khiến một trong hai bên chết hay hai bên cùng có lợi nhưng ai lợi nhiều, lợi ít?

Ví dụ, Trung Quốc chỉ muốn một số nước xuất khẩu khoáng sản, hàng nông sản trong khi các nước phải nhập từ Trung Quốc hàng công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao. Nước xuất khẩu hàng hoá cho Trung Quốc cũng có lợi nhưng không phải ai cũng thắng như nhau, quan hệ đó lập ra trật tự kinh tế không bình đẳng.

Trong kinh tế thị trường cạnh tranh rất vô tình, ai sản xuất tốt thì có lợi. Về lý thuyết, cạnh tranh không thể tránh khỏi, là động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Hàng hoá tôi làm tốt hơn anh thì để cạnh tranh anh phải phấn đấu tốt gấp đôi. Còn nếu anh kém thì là vì anh chứ không phải vì tôi.

Cái gì Trung Quốc sản xuất bán sang Việt Nam cũng rẻ hơn và Việt Nam phải tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nền kinh tế thế giới qua cạnh tranh mà phát triển nhưng có cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh. Trung Quốc trong quá trình cạnh tranh cũng có cạnh tranh không lành mạnh thì nó lại gây tác động khác.

Thành Luân

Nguồn tin: Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 446

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 423


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 663596

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43175365



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach