15:27 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Đầu tư vào nông nghiệp ở ĐBSCL, Nhật Bản chậm chân?

Thứ tư - 30/11/2016 02:33
Khi hàng chục doanh nghiệp Hàn Quốc trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở hội chợ nông nghiệp quốc tế tại Cần Thơ, người tiêu dùng so sánh “không xôm như hội chợ Thái”, chưa bằng tuần lễ Việt – Nhật. Một ngày trước hôm bế mạc, một số gian hàng Hàn Quốc đã lặng lẽ thu xếp “lui ghe”.

Hàng Thái lên lịch cho hàng chục hội chợ từ Bắc vô tới Cần Thơ, cuốn hút với những sản phẩm tiêu dùng đồng hạng, trùng lắp với hàng trong nước.

Nhiều thị dân Cần Thơ nói rằng những năm khó khăn, phải mua hàng Thái từ biên giới Việt Nam – Campuchia về xài, bây giờ đi hội chợ xem họ có gì mới.

Khác với Thái Lan, doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận thị trường đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hai cách: điện ảnh đi trước, sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, làm đẹp đi sau. Và bây giờ là lúc tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng, tiếp cận nhu cầu từ khu vực nông nghiệp thông qua “chiếu nghỉ” TP Cần Thơ.

Còn Nhật Bản ghi những dấu ấn từ toà nhà khoa Nông nghiệp – sinh học ứng dụng, trường đại học Cần Thơ, tái tục khoản cam kết viện trợ từ trước năm 1975, xây cầu Cần Thơ, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thích ứng biến đổi khí hậu…

JICA được biết đến từ hàng chục năm nay từ những chương trình hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo, xây dựng mô hình… từ trồng cam, trồng lúa theo hướng nắng, ứng dụng cơ giới hoá tới việc hỗ trợ nghiên cứu giống lúa chịu mặn…

Trong số những người gắn bó, chia sẻ với ĐBSCL, GS.TS Katsuco Hirata, dành nhiều tâm huyết trong việc đào tạo lớp trí thức mới cho vùng này.

Khi ông đột ngột qua đời ở tuổi 61, gia đình không biết hết những việc ông làm ở đây, nhưng có một điều chắc chắn là ông muốn sau khi hoá thân hoàn vũ, cốt tro than sẽ chuyển từ Nhật tới Cần Thơ thuỷ táng trên dòng sông Hậu, kết thúc tháng ngày ở cõi tạm. Gia đình và người học trò của ông, PGS.TS Võ Công Thành, đã thực hiện di nguyện này.

img_8139

Con trai GS Katsuco Hirata và di ảnh cha trong lễ thủy táng. Ảnh: Hoàng Lan.

Ông Lâm Thái Sơn từng theo đuổi việc chọn giống nưa được ông Motosa, người Nhật, đã chia sẻ kinh nghiệm và xác định vùng trồng ở Đăk Lăk và Trà Vinh. Người này còn giúp ông trồng bầu sấy khô, chế biến món ăn truyền thống Nhật Bản. Những trợ giúp như ông Motosa, Ino Mayu có tính dẫn dắt, cụ thể, thiết thực.

So với Hàn Quốc, doanh nghiệp Nhật có vẻ chậm chân hơn, nhưng chỉ cần Yanmar, Kubota, với những chiếc máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cấy… doanh nghiệp Nhật đã chiếm được lòng tin của số đông ở nông thôn.

Giá không hề rẻ, không cần quảng cáo rùm beng, chỉ cần bằng chứng thực tế và tự đối chiếu sau những trải nghiệm não nề với máy bơm, máy gặt đập liên hợp Trung Quốc, chỉ trong vòng 7 – 8 năm, tỷ lệ gặt lúa bằng máy ở ĐBSCL đã chiếm 70 – 80% diện tích, phần lớn nông dân mua sản phẩm của Yanmar, Kubota.

Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào ĐBSCL với số vốn 500 triệu USD. Sở Kế hoạch và đầu tư TP Cần Thơ cho biết, có 75 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 1.134 triệu USD (Hàn Quốc chiếm 7,8%; Singapore 7,3%, Hong Kong 4,6%, Thái Lan 4,3%, Đài Loan 1,9%). Dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Cần Thơ chỉ chiếm 1,2% tổng số vốn đầu tư FDI tại thành phố này.

Ngày 17/11/2016, đại diện 35 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, công nghệ thông tin, môi trường tiếp tục tìm kiếm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp tại Cần Thơ.

Giám đốc công ty cơ khí nông nghiệp Hansung T&I, nói rõ: muốn xây dựng nhà máy ở Cần Thơ để kinh doanh các mặt hàng phục vụ nông nghiệp ở ĐBSCL như xe nâng, máy kéo, thiết bị phun xịt thuốc, dụng cụ nông nghiệp.

Công ty NE BIO muốn hợp tác xây dựng trang trại, sản xuất thực phẩm chức năng, phân bón hữu cơ, dung dịch tăng trưởng tự nhiên. Công ty Pyung Kang Life Science từng thành công ở Bình Thuận, Trà Vinh, Bạc Liêu khi tham gia chuỗi giá trị ngành hàng tôm, muốn đầu tư vào nông nghiệp xanh sau khi xác định “an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nút thắt của nông sản Việt Nam”.

Hàn Quốc có một vườn ươm doanh nghiệp tại Cần Thơ, đang tuyển dụng người và nhận đăng ký ươm tạo từ các doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại Bình Tân, thủ phủ “ông Hoàng rau củ” ở Vĩnh Long, đã tạo việc làm cho trên 53.000 lao động với giống khoai lang tím Nhật, mỗi năm cho ra trên 400.000 tấn khoai. Nhưng dấu ấn của doanh nghiệp Nhật còn mờ nhạt.

Theo VCCI – chi nhánh Cần Thơ, trong chín tháng đầu năm 2016, toàn vùng chỉ thu hút được một dự án FDI từ Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn 46.000 USD. Trong khi các chương trình hỗ trợ của Nhật Bản chú ý dự án lớn như cầu Mỹ Thuận 2, nhưng vì sao làn sóng đầu tư của doanh nghiệp vẫn còn dè dặt ở ĐBSCL, là câu hỏi chưa có ai câu trả lời. Khác Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chưa bao giờ thông qua chính quyền địa phương để xin chính phủ trung ương cho cơ chế đặc thù khi đầu tư vào vùng này.

Vẫn còn đó câu hỏi về làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào ĐBSCL, nhưng theo các chuyên gia cơ giới hoá nông nghiệp, việc thu hút đầu tư ứng dụng thiết bị – công nghệ thông minh phục vụ nông nghiệp từ Nhật Bản sẽ tạo ra chuyển đổi lớn trong lĩnh vực này, chứ không phải Hàn Quốc.

Ông Fujita Yasuo, nhận nhiệm vụ trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam từ tháng 3.2016, nói rằng hiện nay, JICA đang hỗ trợ cho Việt Nam với ba trọng tâm chính là: thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, tăng cường quản trị nhà nước, và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương. Hướng tới sẽ nhắm vào bốn trọng tâm: hỗ trợ cải cách cơ chế đa dạng dựa trên chính sách của chính phủ mới và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm tới; thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án có tầm ảnh hưởng lớn và duy trì phát triển thành quả bền vững của các dự án đó; ứng dụng tri thức và công nghệ của Nhật Bản, từ khu vực tư nhân cũng như khu vực công. Chính sách “Xuất khẩu hệ thống hạ tầng” và “Đối tác phát triển hạ tầng chất lượng cao” mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra là nhằm mục đích chuyển giao công nghệ tiên tiến và bí quyết của Nhật Bản trong những lĩnh vực này, và nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hỗ trợ phát triển chính thức của JICA cho Việt Nam.

Hoàng Lan
Theo TGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 381

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 378


Hôm nayHôm nay : 74356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 638238

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43150007



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach