00:59 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Mượn ‘đạo’ để khởi nghiệp thoát hiểm

Thứ sáu - 22/12/2017 03:53

Nguyễn Thị Bích Ngọc có cách khởi nghiệp từ câu chuyện xưa tận thế kỷ thứ 12 để nói về trà matcha, sản phẩm chính của khu vườn sinh thái Ngọc Trà ở tỉnh Thái Nguyên.


Sợi dây liên hệ ý tưởng khởi nghiệp nối với câu chuyện thiền sư Minh Am Vinh Tây (Myôan Eisai – 1141 – 1215), tổ khai sáng thiền tông tại Nhật Bản, cũng là người viết Khiết trà dưỡng sinh ký, cội nguồn của trà đạo Nhật từ năm 1192. Theo truyền thống lễ hội trà Chanoyu ở Nhật, matcha là linh hồn lễ hội với hai dòng pha theo tỷ lệ mặc định có tên Ushucha và Koicha.

Ngọc nhìn trà Trung du (bạch hạc), cây trồng lâu năm ở Đại Từ để tìm kiếm lợi thế từ nơi mệnh danh Đệ nhất Danh trà, ngoài yếu tố trời cho: thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để cây trà phát triển, có hai lỗ hổng đầy thách thức – trà khô truyền thống bấp bênh, giá trị kinh tế không cao và thói quen sử dụng hoá chất đang đánh mất lòng tin người tiêu dùng. Cả tỉnh có 21.000ha trà, hơn 17.000ha trong số này đang thu hái, tổng sản lượng cả năm trên 194.000 tấn, làm sao tạo lòng tin vào trà matcha là thách thức lớn nhất đối với Ngọc.

Câu hỏi “thường trực”: có an toàn không? Ngọc tự định dạng mô hình trồng trà theo phương pháp sinh thái (1ha đầu tiên) làm nguyên liệu trà matcha để trả lời câu hỏi này, nay đã gấp bốn lần. Việc xen canh đậu nành, đậu phộng để cải tạo đất, trồng hoa sắc màu thu hút thiên địch, nuôi gà, nuôi dê, trùn quế, trồng cỏ hương bài… nguồn thu phụ nhưng lại có tác dụng chứng thực, thuyết phục từ những bài toán lợi ích – chi phí dễ hiểu nhất.

“Làm thức tỉnh những nông dân đang ngủ say và đặt niềm tin bất diệt vào phân và thuốc, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, để họ có cuộc sống ấm no hơn từ cây trà. Từ đó khích lệ tình yêu và niềm tin với nghề trà truyền thống”, Ngọc nói đó là mục tiêu được viết ra, đã trình bày trước đám đông, nhưng quả thật không đơn giản!

Ngọc có cái nhìn thực tế hơn với 40 bà con vùng núi và dân tộc thiểu số, tạo công ăn việc làm trong môi trường trong lành và chia sẻ với lớp trẻ dân tộc vùng núi. Dùng chasen pha cốc matcha theo kiểu Nhật, Ngọc dẫn dắt câu chuyện từ đồi chè ở Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, chuyện che phủ đồi chè, thu hái bằng tay, làm nồi hơi hấp chín ngăn chặn lá bị oxy hoá, tự chế máy nghiền lá tencha thành bột mịn bằng cối đá granit với tốc độ quay rất chậm, mỗi giờ chỉ cho ra 40g matcha.

“Nghề trà rất vất vả, thu nhập thấp lại độc hại do phụ thuộc hoá chất nên bố mẹ luôn mong muốn con cái học hành để thoát ly”, Ngọc nói. “Bố mẹ phản đối dữ dội khi Ngọc tốt nghiệp đại học, chuyên ngành kỹ thuật môi trường, có vốn tiếng Anh tốt, đã tìm được việc làm lương cao lại bỏ hết quay về trồng trà”. Cả nhà thất vọng mỗi khi Ngọc dồn sức nghiên cứu sâu bệnh, sinh lý cây và biết bao lần đổ bỏ những mẻ trà không đạt chuẩn. Mãi đến đầu năm 2017, tức hai năm sau, mẻ matcha đầu tiên được một người Nhật khen nhưng cả nhà vẫn còn ngờ.

Vì người lớn không còn nhiều thời gian uống trà đàm đạo, lớp trẻ cuốn theo thức uống đủ sắc màu. Tinh thần của trà đạo là  hoà – kính – thanh – tịnh, xem ra đang phi thực tế. Vậy phải bắt đầu từ đâu?

Hai dòng sản phẩm chính là trà và matcha sinh thái, trong đó có bốn loại trà mạn và hai loại matcha dòng uống và làm đẹp. Các sản phẩm đã có đại lý và nhà phân phối ở TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nha Trang… Câu chuyện của Ngọc và sứ mệnh của công ty TNHH Orgama (do Ngọc điều hành) xem matcha là mũi đột phá nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, tốt cho người trồng và môi trường.

Chung quanh vẫn là “cuộc chiến” của những người trồng trà phụ thuộc vào hoá chất. Ngọc tự nguyện đi sang những đồi trà, nơi ngừng phun là sâu bệnh sinh sôi không thể thu hái, phun xịt thuốc thì trà khô mua bán khó khăn, để giải thích càng phun xịt nồng độ cao thì không chỉ chi phí tăng, mà sức người mau xuống cấp.

Nhớ lại ba năm trước, khi  nghe Ngọc  gợi ý “làm theo hướng không dùng thuốc, con sẽ mua”; chỉ có 10% người trong làng hứa, và Ngọc phải mệt mỏi trả lời những cật vấn của 90% người còn lại. Quá mỏi mòn, Ngọc tự hiểu phải làm, không cần nói gì cả, không đôi co, không lý luận, nhưng mỗi lần nhìn những láng giềng vác bình đi phun xịt, Ngọc lại tự hỏi, “Vậy mình được sinh ra để làm gì?”. Bây giờ đã có bước đệm thực hành theo hướng an toàn: VietGAP, UTZ… trước khi làm vườn sinh thái.

Nhưng cũng từ khi bán trà matcha ra thị trường theo cách người Nhật, không chỉ là hương vị mà còn là dinh dưỡng, là sinh thái an nhiên, doanh thu của công ty TNHH Orgama đạt gần 300 triệu đồng trong ba tháng gần đây, Ngọc cho biết, “đến cuối tháng chạp là công ty bán hết hàng”.

Sách xưa viết rằng rằng, Đạt Ma tổ sư vì ngủ quên trong một buổi toạ thiền, tức giận vì chuyện này đã cắt mí mắt quăng xuống đất. Từ nơi mí mắt rớt xuống đã mọc lên cây trà và trở thành một thức uống giúp những nhà sư tỉnh táo khi tu tập, tham thiền. Từ chùa chiền, trà lan ra “toàn cầu”. Dân trà đạo cười híp mắt nói bên Tàu cái gì không rõ nguyên do thường khéo bịa ra một dật sự.

Riêng Ngọc “trà” thú thiệt, sau chuyến học hỏi các trang trại sinh thái tại Thái Lan do trung tâm BSA tổ chức, trở về vẫn còn một số người trồng trà muốn tới nhà để nghe nói về chén trà thuần khiết, tự nhiên; các em, từng thất vọng đã nhẹ nhàng căn dặn chị cả: Chị không được thất bại.     

bài, ảnh Hoàng Lan
Theo TGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 105

Máy chủ tìm kiếm : 18

Khách viếng thăm : 87


Hôm nayHôm nay : 23706

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 921046

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44288731



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach