22:48 EDT Chủ nhật, 19/05/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Ngọn gió thổi thành ngôi làng nhỏ

Thứ ba - 03/09/2019 05:17
Những người khách Tây đến với làng hoa Đông Dương thường thích “khi ta đến đất hoá ngay tâm hồn”. Họ muốn hoà nhập, muốn hội hè, chuyện vãn, thở cái khí quyển của một làng quê Việt mộc mạc.


Nông dân lại có thói quen mạnh nấy ấy “rào chắn” cái thổ ngơi của mình, trồng vài công hoa kiếm sống.Làm sao để có không gian mở cho khách rộng đường “đất hoá tâm hồn”?

Người nối kết được một ngôi làng như thế có tên là gió. Là Phong. Phong-Le Vent, nghĩa là ngọn gió trong tiếng Pháp.

Thầy Phong, người ấp Khánh Hoà, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, nhận học bổng thực tập vào năm 2002. Đặt chân đến đất Pháp, thầy cùng những đồng nghiệp theo học tại trường chuyên toán Faculté des Sciences et Technologie, Pháp vào năm 2007. Ngày về ông vỡ mộng, thất chí vì những lớp Pháp ngữ như chiếc bóng xì hơi. Ông mới chuyển sang dạy môn toán bằng tiếng Việt ở trường phổ thông trung học Lưu Văn Lang. Ông thấy tiếc cái công đi học văn hoá Pháp để biết văn minh châu Âu, nhưng tiếng Pháp đã không còn “sống” nữa. Chẳng lẽ vốn tiếng Pháp thả cho gió cuốn đi, quên mất? Thầy Phong nghĩ đến con đường làm du lịch. Thầy kể: “Lơn tơn trong làng hoa, xứ sở thi vị, bình yên, tính làm hướng dẫn viên du lịch để sử dụng vốn văn hoá sẵn có, nhưng chẳng lẽ vì nền văn hoá này phải nghỉ ngang, bỏ dạy?”

Chọn nơi vắng vẻ thay vì gần đường

Rồi thì nghĩ đến tại sao không khai thác những cơ hội giao tiếp tiếng Pháp qua dịch vụ homestay. Nghĩ là làm. Rồi tính toán. Nhưng nếu khu homestay nằm gần đường cái tiện có tiện, nhưng ngặt một nỗi là khi khách đông chừng nào mối nguy lớn chừng nấy. Vì chung quanh chòm xóm đang trồng hoa và bảo vệ hoa bằng hoá chất. Ai cũng biết trồng hoa mà không xài thuốc, sâu phá không chịu nổi. Người trồng rau cũng nói như vậy. Họ sống sót. Nhưng kế mưu sinh của họ là gai nhọn đối với du khách thưởng hoa và rất ngần ngại khi ăn uống bên một môi trường như thế. Vậy mình bảo vệ khách bằng gì? Làng hoa xài thuốc, không phải vì khách trú, mà sức khoẻ của chòm xóm cũng bất an. Chẳng lẽ để nông nghiệp chạy chợ và du lịch thưởng hoa chỏi nhau?

Thầy Phong ưng bụng khi tình cờ nhìn thấy khu ao hồ, rộng, yên tĩnh với 4 công đất, thương lượng thuê giá 300 triệu đồng trong mười năm. Thực ra với thời gian ấy, quanh đi quẩn lại là hết, nếu đổ vốn xây dựng kiên cố nhưng không có gì khác biệt, tốn phí sẽ triệt tiêu cơ hội.

Do vậy thầy mới nghĩ đến chọn lựa dời về nơi xa đường cái, khách phải đi vòng vèo trong làng, nhưng đã là homestay thì cách biệt ồn ào, có thể tránh được những đôi co với những “gốc tự do” sẵn sàng to tiếng khi tự ý vào homestay,  xộc lên phòng ngủ của khách, cười nói huyên thuyên, làm dáng, chụp hình… là thượng sách.

“Nhiều khách đã huỷ đặt phòng chỉ vì bị quấy rầy nên khu vực mới là cách chọn lựa tốt nhất”, thầy Phong nói. “Rất may vì  không kế nhà dân. 8 giờ tối dân ai nấy ngủ rồi mà homestay vẫn còn giờ ăn, nói chuyện thì phiền”.

Ngôi nhà tre chắc, bền, đẹp, rẻ

Và thầy cũng chọn phương án đầu tư vừa chắc vừa rẻ: những ngôi nhà tre. Ngoài ra, lý do chọn lựa tre thay gỗ làm nhà chỉ đơn giản, vì thầy chỉ biết tính kết cấu hình học, cân độ chịu lực chứ không rành cưa xẻ, đục đẽo như anh thợ mộc. Thầy Phong kể phiên bản nhà tre đầu tiên như cái mẫu có sẵn trong đầu đem ra ngoài đời.

Nhiều người tới làng hoa Sa Đéc quen gọi đây là ngôi nhà tre, ngôi nhà “thép thực vật”, vì đó là từ khoá dễ tìm đến “Maison en bambou” (Nhà bằng tre, tiếng Pháp) do thầy Huỳnh Trịnh Quốc Phong thiết kế, chứ không theo mẫu tour lữ hành. Rủi thay, “phiên bản đầu tiên ở Tân Khánh Đông đã bị cháy trong một đêm “vừa gió lại vừa mưa” cách đây hơn một năm do chập điện”, thầy giáo Phong nhìn ngôi nhà đang cất dở dang nói. “Còn đây là mẫu tái hiện theo kết cấu hình học nhiều hơn kiến trúc”.

Thầy Phong nói: “Các bác đoán khu nhà tre tốn bao nhiêu tiền?” Có người đoán: 1 tỷ, 2 tỷ? “Trật lất, chưa tới 400 triệu đồng, hổng tin cứ đặt hàng, tui làm y chang”. Mỗi căn cần 100 cây tre, giá 7.000 đồng/cây, đốn tre làm khô, chỉ cần hai người thợ làm nửa tháng là xong một căn như bản vẽ. Thầy Phong cười khà nói: “Thầy giáo làm gì có tiền tỷ?” Từng mẫu thiết kế hình học và tính toán vật liệu, trong làng hoa ai muốn làm thì cứ theo đó mà làm, để cánh đồng hoa có nhiều nơi làm dịch vụ thu hút du khách, với mức đầu tư không quá đắt.

Nhưng rồi người đời sẽ quen và không còn gì nữa để nói về những ngôi nhà làm bằng thép thực vật giữa cánh đồng hoa, nếu không nhận ra những khác biệt của ngọn gió “Phong-Le Vent”. Khác biệt lớn nhất và khó bắt chước của ngọn gió lành Phong-Le Vent  từ Maison en  bambou là cách tính cho những người anh em cùng thay đổi, lấy trục xoay là khu nhà tre.

Thuyết phục chòm xóm

“Ở đây chòm xóm cũng trồng hoa, cũng xài thuốc nên phải làm cho cộng đồng hiểu để hoà điệu với mình, chứ không thể mở homestay ăn trọn”, thầy  Phong đã thuyết phục người trồng hoa, trồng rau  kết tour, “gài” nội dung bắt ốc, chài lưới, hái rau, tỉa đậu… Mỗi đoàn vài chục người, mỗi người 30.000 đồng, tự nhiên chòm xóm có nguồn thu.

“Khoản này là khách trả, không phải tui trả để lấy lòng”, thầy Phong giải thích với những người láng giềng. “Nếu anh em dọn dẹp vườn tược chỉn chu thì khách tới, đừng xịt thuốc gì hết, cái gì mọc tự nhiên thì hái cho người ta, không cần quá nhiều đâu mà xịt thuốc. Làm vậy, anh em có tiền, tui có khách”.

Ông Hùng, láng giềng gần, bắt đầu chỉnh sửa vườn tạp, nuôi ốc lác trong mương vườn cho khách Tây qua chài cá, bắt ốc. Ông Pul, anh Nhân, anh Tây ở liền ranh cũng chỉnh sửa vườn để tham gia “liên minh” du lịch cộng đồng của thầy Phong. Đúng lúc tỉnh có chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, học cách áp dụng blockchain ba nhóm hoa, kiểng, rau…, những nhà vườn trong làng hoa bắt đầu điều chỉnh và vành đai an toàn rộng mở ra chung quanh hơn 4,4ha.

Hội quán Du lịch cộng đồng ra đời, tui là phó chủ nhiệm, anh “Hùng ớt” làm chủ nhiệm.Anh em nói với nhau làng hoa Tân Quy Đông lo toan việc trồng và chở hoa bán khắp nơi. Hàng trăm năm trôi qua, kể từ khi người Pháp chọn vùng đất này và muốn nơi đây trở thành vườn hoa kiểu mẫu của Đông Dương, lẽ nào vẫn cái cảnh chân lấm tay bùn, lội nước trồng hoa rồi chờ tết đến, thuê lô lo bán hoa?

Bán hoa là cái từ mà người miền Tây không thích, vì nó chỉ cái nghề không có tiếng thơm, nên nhiều người trong làng thích gọi thưởng hoa. Vậy phải làm gì thu hút khách đến thưởng hoa?

Hôm qua có một đoàn khách Thuỵ Sĩ, họ tới vùng đệm trên 4ha, gồm bảy liên gia. Khu nhà tre hiện thời đã trở thành homestay với bốn căn nhà biệt lập và một ngôi nhà tập thể dọc bờ ao thả cá, yên tĩnh, nhẹ nhàng. Chòm xóm đã có “hoa lợi” từ khách.Ai nấy hiểu xài thuốc thì tự nhiên các nguồn lợi mới sẽ biến mất. Làng hoa sẽ có nhiều thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, để thu hút du khách từ những hạt nhân này.

”Nhiều khách trú tại đây vài ngày hay cả tháng cần yên tĩnh, họ không yêu cầu cao về món ăn, thức uống linh đình, nhưng phải sạch. Mỗi người cảm nhận cuộc sống theo cách của họ”.

Chưa homestay nào có món “trung gian”: trứng chiên với đậu đũa (luộc thấm gia vị), món bánh phồng Sa Đéc kẹp gỏi đu đủ; món chả giò, phi lê cá basa… ăn với rau, trái được trồng trong vườn hoặc những khu vườn liên kết. Ngoài chợ không có món này, gọi là món “trung gian”, vì nó liên kết được nhiều câu chuyện về Sa Đéc, về đất sen hồng. Một khẩu phần có bốn món như trên, giá 100.000 đồng, nếu thực hành “cooking class” (lớp nấu ăn) thì giá 120.000 đồng.

“Cái chính là cách tính để mọi người cùng làm, cùng hướng tới cái gì đó tốt hơn, chứ nhà tre rồi sẽ có nhiều người làm theo”, thầy Phong nói: “Chưa dám gọi bảo tàng tre, chỉ là nhà trưng bày, nhưng ngay lúc này đây tôi đã chuẩn bị một phiên bản mới hơn để thu hút khách, khi có thêm mặt sông để đón khách”.

Những vị khách tao nhã

“Người có tiền không coi trọng thiên nhiên sẽ không tới đây, còn người có tiền hoặc ít tiền thích thiên nhiên mới tới, vậy dễ giao tiếp hơn”, thầy Phong kể lại những ngày lang thang giữa làng hoa. Sự yên tĩnh, từ những vườn hoa khoe sắc, nghĩ tới khu homestay giữa đồng và ý thích của khách Tây khi trò chuyện với nông dân nói tiếng nước họ, thật thú vị biết chừng nào.

Không chỉ với gia đình Sofie Vesschemoet, Bỉ; Yasmin Ballarin, Pháp; hay Shane Love mà nhiều sắc dân Francophonie (dân trong cộng đồng nói tiếng Pháp) đã tới đây như Chirstine Robinson, Canada. Hiện nay, lịch đã kín tới hết tháng 8. Nhiều gia đình từ EU, Mỹ đã đặt ngày đến 31/12/2019, như Camille Girard, José Cornero hoặc nhà Michèle Legoueuil, suốt từ 8 – 13/2/2020.

“Bộ quần áo nông dân làm lụng là giá trị thật, còn bộ đồ tui đang mặc là có chuyện gì đó hệ trọng mới “đóng bộ” cho nó lịch sự”, thầy Phong, phó chủ nhiệm hội quán Du lịch cộng đồng, cười nói: “Du khách “đã” nhất là vô làng có thể trò chuyện trời trăng, mây nước, kỳ hoa dị thảo với dân làng có nước da rám nắng, đôi tay chai sần… bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và biết ở đây có một hội quán mới hình thành, nhưng kiên quyết làm homestay đúng nghĩa chứ không phải quán nhậu sân vườn ồn ào, không coi trọng những nền văn hoá khác”.

Xem ra ngọn gió Phong-Le Vent đã làm được một vài điều không hề nhỏ cho làng hoa, nhưng hiện thời lại xuất hiện hai điểm nghẽn: không có người biết văn hoá của khách Tây, biết công chuyện để tiếp giúp; và cách nào làm sạch rác thải, chai nhựa trong rạch chiếc? Thầy Phong gật gù nói: “Hai cái đó là khó nhứt!”

bài và ảnh Hoàng Lan (theo TGHN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 107

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 106


Hôm nayHôm nay : 27687

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1104527

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44472212



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach