21:05 EDT Thứ ba, 07/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Ai làm mai mối?

Thứ năm - 23/10/2014 04:46
“Ứng dụng khoa học công nghệ làm ra sản phẩm không khó nhưng bán được sản phẩm trên thị trường không dễ chút nào. Anh em được đào tạo về công nghệ – kỹ thuật không biết kỹ năng mua – bán, cần được học cách tham gia thị trường...” Đó là một nhận xét trong cuộc họp giao ban lần thứ 23 do bộ Khoa học và công nghệ tổ chức tại Cần Thơ trong tuần qua.
 
Sản phẩm ứng dụng công nghệ mới từ các vườn ươm ở TP.HCM
Ảnh: HL
 
TS Nguyễn Ngọc Cường chuyên gia về vật lý môi trường từ Mỹ trở về Việt Nam. Ông là tác giả nhiều loại máy xử lý mùi bằng công nghệ enzyme, công nghệ oxy hoá sâu, máy làm nước đá tiệt trùng, xử lý độc tố trong rượu, xử lý nước thải công nghiệp, máy tách protein ra khỏi nước thải, hệ thống cưỡng bức oxy hoà tan áp dụng cho vuông tôm…
 
Công nghệ không bắt kịp thị trường
 
Với chừng ấy công trình, nhưng ông Cường thú thiệt chưa biết thị trường Việt Nam như thế nào!
 
Nói miền Tây đói công nghệ cũng đúng, ông đã giới thiệu 45 công nghệ hoá học, 55 công nghệ vật lý, vật lý điện tử… cho một trung tâm nghiên cứu ứng dụng địa phương và hầu hết đều mới mẻ so hiểu biết của trung tâm này. Nếu giải thích cặn kẽ, để làm ra những loại máy móc, thiết bị là không quá khó với nguồn nhân lực địa phương. Nhiều máy chỉ làm hai ngày là xong, nhưng vấn đề là làm rồi bán ở đâu? TS Cường chia sẻ kinh nghiệm khi xử lý tiếng ồn từ một vũ trường ở miền Trung: ở đó, người chủ tìm đúng người biết công nghệ và người nắm bí quyết công nghệ tìm được khách hàng.
 
Ông Jorg Rosenberger, phó tổng giám đốc công ty Nienstedt (Đức), nghiên cứu, khảo sát thực trạng ngành thuỷ sản tại đồng bằng sông Cửu Long nói về hiện trạng máy móc, thiết bị mà các doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng. Hầu hết có xuất xứ ASEAN và châu Á do giá rẻ và dễ sử dụng, khá giống nhau về công nghệ. nên khi người tiêu dùng châu Âu chuyển sang tiêu thụ các loại sản phẩm chế biến sẵn, có thể sử dụng được ngay thì doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Dù cá tra là một trong những loại có giá bán cao nhất ở thị trường EU nhưng cách tạo sản phẩm mới, bao bì, tiếp thị, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sức hấp dẫn.
 
PGS.TS Võ Văn Sơn, phó giám đốc trung tâm R&D thuộc công ty Vemedim, chuyên nghiên cứu – sản xuất thuốc thú y, thuỷ sản nói nhờ công ty tăng cường trang thiết bị, dành kinh phí thích đáng, nhân lực đáp ứng yêu cầu nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), sản phẩm của Vemedim đã xuất khẩu sang 25 quốc gia. Theo ông Sơn, ứng dụng công nghệ gắn chặt với xu hướng thị trường, gắn với liên kết dọc, liên kết ngang sẽ tránh được tình trạng có đơn vị nhập thiết bị rất tốt về rồi “trùm mền”.
 
Nhiều nguồn lực nhưng khó ráp nối
 
Thực tế ở các địa phương doanh nghiệp KH&CN đếm trên đầu ngón tay. Khi mọi nguồn kinh phí do doanh nghiệp tự lo thì mối quan tâm giữa doanh nghiệp và các chương trình quốc gia hoặc địa phương hiếm khi trùng khớp.
 
Ông Trần Việt Thanh, thứ trưởng bộ KH&CN, băn khoăn: “Vì sao vai trò KH&CN chưa thể hiện được?” Ông cho rằng việc đầu tư nghiên cứu KH&CN dàn trải, manh mún thiếu tập trung, thiếu tính liên kết trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng nên hiệu quả ứng dụng thấp. Đầu tư phát triển nâng cao nguồn lực nghiên cứu ứng dụng ở các địa phương chưa được chú trọng. Thực tế đang đòi hỏi sự quyết tâm cao để KH&CN đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội”.
 
TS Võ Hữu Thoại, phó viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết một chi tiết nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn tới nguồn nhân lực KH&CN: nếu sử dụng anh em đúng mục đích, chỉ cần chi tiết “không có phụ cấp thâm niên cho khối khoa học” thì nạn “chảy máu chất xám” lập tức sẽ xuất hiện. Đã có 4/14 tiến sĩ, 15/50 thạc sĩ đã rời viện chỉ vì lý do đơn giản: không đủ sống. Lực lượng ở lại nghiên cứu, theo TS Thoại, lại vướng khi bán bản quyền giống thanh long tím hồng (2 tỉ đồng cho công ty thanh long Hoàng Hậu) thì các tỉnh không hài lòng vì “viện cứ giúp cho nhà giàu tiếp tục giàu, không giúp nông dân”. Trong khi đó, việc đầu tư chọn tạo giống, đã tạo vật liệu khởi đầu rồi, nhưng không đủ kinh phí nghiên cứu tiếp thì không ai tiếp sức!
 
Bộ KH&CN khích lệ doanh nghiệp tham gia các chương trình phát triển công nghệ với cơ chế đặt hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng: cơ chế quản lý chưa đồng bộ, cơ chế tài chính chưa hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước, trình độ và năng lực nguồn nhân lực KH&CN còn thiếu, chưa đáp ứng được lĩnh vực chuyên sâu, năng lực tài chính của các tổ chức KH&CN yếu kém, chủ yếu dựa theo ngành chủ quản… Nếu những nguyên nhân này không được khắc phục, mô hình hoạt động và mục tiêu đầu tư của các tổ chức KH&CN không được nghiên cứu, điều chỉnh lại thì hoạt động KH&CN sẽ không bảo đảm tính hiệu quả. Doanh nghiệp và các nguồn lực khác sẽ khó ráp nối dù tất cả đều nói về KH&CN.
 
Hoàng Lan
 
ĐBSCL có khả năng xuất khẩu 18 tỉ USD


Ông Đặng Huy Đông, thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết dự thảo về quy chế thí điểm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2014 – 2019 đang được bổ sung hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu làm tốt liên kết vùng, trong đó có liên kết phát triển sản phẩm chủ lực, sản xuất quy mô lớn, tạo sản lượng hàng hoá lớn, thì trong vòng ba năm tới giá trị xuất khẩu của vùng có khả năng tăng từ 10 tỉ USD hiện nay lên 18 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 1.000 USD/năm.
 
“Vì sao ĐBSCL có nhiều tiềm năng, đóng góp rất lớn cho kinh tế cả nước nhưng lại là “vùng trũng” về nhiều mặt? Cần xem lại tư duy công nghiệp hoá nông nghiệp”, TS Trần Du Lịch, uỷ viên uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nói. PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp – phát triển nông thôn, cho rằng: “Phải xây dựng lại chiến lược sản phẩm trên phạm vi quốc gia, từng vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, căn cứ dự báo thị trường trong và ngoài nước, dựa vào lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia và của mỗi vùng, không theo đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã. Trên cơ sở đó, xây dựng lại quy hoạch và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, giao thông, bến cảng, kho bãi, các cơ sở logistics...”           
 
Đức Toàn
 
 
(báo Thế Giới Tiếp Thị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 209

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 206


Hôm nayHôm nay : 47640

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 451523

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43819208



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach