15:37 +07 Thứ ba, 19/03/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Họa sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Ðông: Cuộc đời trầm luân

Thứ tư - 19/08/2015 08:08
Đằng sau vinh quang của người Việt đầu tiên đoạt giải American Graphic Design Awards 2014 chứa chất nỗi niềm của một trí thức trẻ tha hương tìm mọi cách nhập cuộc vào môi trường quốc tế. Cuộc trở về lần này của anh gắn liền với đời sống doanh nghiệp trong khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế bao bì sản phẩm do BSA tổ chức.


 
Là hoạ sĩ thiết kế tiên phong đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, đắt sô, lý do gì anh tìm cách ra đi?
 
Ngoài lý do định cư ở Mỹ, thẳm sâu trong tôi là muốn thử sức về công việc. Tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp trong môi trường mới để soi rọi lại những kỹ năng, hiểu biết, tìm những trò khó… Nghĩ đi nghĩ lại mất sáu tháng trời, và ra đi đúng vào ngày cuối cùng mà hạn visa cho phép. Đi mới biết hoặc là đừng đi, hoặc là đi lúc trẻ hơn, nếu không rất khó để hội nhập.
 
Động lực nào đã giúp anh vượt lên?
 
Trong vai trò vừa nhiếp ảnh vừa trình bày báo, phóng sự ảnh về sự đổi đời của những người vượt biên ngày xưa giờ con cái đã thành đạt khiến tôi ngộ ra những trầm luân của mình chỉ là… con muỗi. Nhìn bề ngoài thấy ai cũng xinh tươi nhưng ai cũng có nỗi niềm. Có hai vợ chồng già với đứa con tiền bạc eo hẹp phải tiết kiệm đến nỗi đêm chồng phải chờ vợ dậy cùng… đi tiểu chung để xối nước một lần! Nhiều phụ nữ vượt biên bị hãm hiếp giờ không chồng không con, ở vậy suốt đời. Một tiến sĩ toán ra trường không xin được việc làm phải đi vào nhà thương đẩy băng ca người bệnh để lấy một phiếu ăn từ thiện. Phải nỗ lực làm hay hơn nữa bằng con đường chăm chỉ. Mồ hôi trán phải đổ thẳng xuống đất.
 
Nhưng để có Saigon Zoom In, ấn phẩm duy nhất của Việt Nam từ 1945 đến giờ đoạt ba giải về thiết kế tại Mỹ lại là câu chuyện hoàn toàn khác?
 
Ở Việt Nam có nhiều ấn phẩm quảng bá du lịch nhưng hầu hết không hiệu quả. Coi lại những ấn phẩm của các hãng lữ hành thế giới, tôi nghĩ phải làm cách khác. Phối hợp với một vài bạn trẻ tham gia về hình ảnh và mua của thế giới, chúng tôi sử dụng biểu đồ, ảnh chụp, minh hoạ, vẽ hoạt hình, đặc biệt là các bản đồ shopping, các địa chỉ ngành nghề truyền thống, bar, vũ trường, ăn uống các món tây tàu, ta… những món ăn chính thống, đường phố… và thể hiện hoàn toàn bằng hình ảnh... Từ ngày đầu tiên sang Mỹ với tiếng Anh ba rọi đến giải thưởng này cũng là một trầm luân. Tôi có lời hứa với bà xã cố gắng trong năm năm thì nước Mỹ sẽ trả tiền cho mình, nhưng tới tám năm mới được, hơi trễ nhưng hiểu rằng mình còn làm việc được, không bị dạt sang bên lề…
 
Điều gì khiến anh dành thời gian và tâm sức đào tạo thiết kế bao bì cho doanh nhân ở TP.HCM và Cần Thơ?
 
Thực tế từ lâu bao bì của Việt Nam không được xem trọng. Ngày nay có một lớp người tiêu dùng rất thông minh, họ đọc rất kỹ những chi tiết trên bao bì. Việc xem trọng bao bì phải bắt đầu từ xem trọng sản phẩm họ làm ra, sau đó là một thế hệ thẩm mỹ. Nhiều khi người ta cứ băm nhỏ thương hiệu ra và không biết tập trung vào đâu. Rất nhiều bài học không nhất quán khiến người tiêu dùng bị lầm lẫn, thiếu tin cậy. Việc tìm cách tạo ấn tượng bắt đầu là bao bì, đại sứ thường trực của thương hiệu là kênh duy trì tín hiệu sự sống, tín hiệu phát triển thương hiệu. Lợi thế là thế hệ chuyên gia tiếp thị trẻ, mới, chịu cập nhật. Nhưng người thay đổi lớn nhất vẫn là nhà quản lý. Không có gì là không phải học, muốn sống với người tiêu dùng thì phải học nhiều hơn nữa.
 
Anh nghĩ gì về sức mạnh truyền thông tiếp thị qua internet, Facebook và mặt trái của nó?
 
Mỗi lần về Việt Nam, quá cảnh ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nhìn bao bì của họ mà ứa nước mắt, biết bao giờ mình mới có cơ hội làm những bao bì như thế? Hãy mở tầm mắt ra khỏi 10 thước để tìm kiếm con đường mới. Chưa bao giờ truyền thông có ý nghĩa đích thực như bây giờ. Google, Yahoo nắm dữ liệu người đời nhiều nhất thế giới, để cá nhân hoá người tiêu dùng. Tiếp thị làm sao không gắn với truyền thông được. Hiệu quả và sức phát huy của nó là vô cùng.
 
Nỗi niềm của anh trong lần trở lại này?
 
Cách đây vài năm truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp (DN) còn “nửa giày nửa dép”, giờ thì cả nông dân cũng biết… mang giày, đó là tư cách hội nhập rồi. Lớp thanh niên nhiều người sử dụng tiếng Anh trong thuật ngữ nhiều hơn trước. BSA cần mở thêm nhiều lớp học để bổ khuyết, đối chứng với internet, phân tích lý giải cụ thể cho DN chứ không phải coi DN là người “đứng sau tấm kính”.
 
Không rõ từ khi nào xã hội mặc nhiên thừa nhận mặt trái của sự thực dụng. Kiếm tiền bằng mọi giá thì không được, vì tiền không phải là giá trị lớn nhất. Những người mưu cầu cuộc sống 10 mét phía trước thì chỉ cần dùng tiền. Nếu DN cảm thấy việc đó sai thì DN mới phát triển. Lý ra với sự phát triển thế này thì cái tốt phải nhiều hơn trước, nhưng ngược lại cái xấu đang lấn át. Ngày xưa quen và thân nhau dễ hơn bây giờ. Bây giờ… ngủ với nhau dễ hơn là tin nhau, làm ăn với nhau. May là những người tốt vẫn tốt và tiếp tục tốt, những người xấu thì thiên biến vạn hoá, điều đó cách đây 20 năm không ai nghĩ ra, đó là cay đắng của phát triển. Nhưng nhìn vào tổng thể, có quyền hy vọng, đặc biệt những người trẻ.
 
Điều gì anh có thể chia sẻ với những nhà thiết kế trẻ?


Tôi vẫn giữ mối quan hệ thường trực với sinh viên, duy trì blog tri đông design chat để trao đổi, dạy học, tư vấn, sửa bài cho sinh viên. Internet công bằng với mọi người, ai không biết thì nó ảo, ai biết thì nó thật. Các em phải đi ra bằng nhiều cách, làm gì cũng phải chuyên nghiệp, kiểm soát mọi điều mình làm. Vì thiết kế xấu có thể làm chết người, có thể làm cho người ta độc ác… Nếu trường nào đào tạo không liên hệ với DN về đầu vào và đầu ra thì mãi mãi không thể đào tạo ra người giỏi. Hầu hết người giỏi đều học từ thực tế, nên cập nhật giáo trình để người thiết kế thu được kiến thức hiệu quả sau năm năm đóng học phí. Rất tiếc không có trường nào hỏi sinh viên ra trường cần phải đuổi giáo viên nào, cần bỏ môn học nào thừa, bổ sung môn học nào thiếu? Đó là thiếu dân chủ. Những người trẻ muốn theo nghề thiết kế phải nỗ lực gấp đôi, phải chịu trách nhiệm lớn nhất với nghề của mình, sống cùng chết cùng với nghề, không thể lờ nhờ được.
 
Rất tiếc không có trường nào hỏi sinh viên ra trường cần phải đuổi giáo viên nào, cần bỏ môn học nào thừa, bổ sung môn học nào thiếu? Đó là thiếu dân chủ.
 
 
theo báo Thế Giới Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 262


Hôm nayHôm nay : 45421

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 943597

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 41843409



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach