02:12 EDT Thứ hai, 29/04/2024

Trang nhất » Chân dung » Chân dung

Nhà văn Kim Dung nhận bằng Tiến sỹ ở tuổi 89

Chủ nhật - 09/06/2013 21:12
Theo Sina, nhà văn Kim Dung, nay đã 89 tuổi, bắt đầu theo học nghiên cứu sinh hệ đào tạo Tiến sỹ tại ĐH Bắc Kinh từ mùa thu năm 2009, người hướng dẫn cho ông là giáo sư Viên Hành Bái.


Thông tin ghi trên giấy chứng nhận tốt nghiệp hệ đào tạo Tiến sỹ của ĐH Bắc Kinh như sau: Tra Lương Dung, sinh năm 1924, theo học chuyên ngành Văn học Cổ đại Trung Quốc thuộc khoa Văn học Ngôn ngữ Trung Quốc từ tháng 9/2009 - 7/2013, đã hoàn thành toàn bộ học trình theo quy định đào tạo hệ nghiên cứu sinh Tiến sỹ, thành tích đạt tiêu chuẩn, đã báo cáo luận văn tốt nghiệp.



Ngoài ra, trên giấy chứng nhận còn có chữ ký của hiệu trường ĐH Bắc Kinh là Vương Ân Ca. Thời gian ký vào tháng 7/2013, kèm theo là con dấu của ĐH Bắc Kinh.


Theo chia sẻ của Giáo sư Trần Bình Nguyên, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn của ĐH Bắc Kinh trả lời phóng viên Sina cho biết, nhà văn Kim Dung trong thời gian qua đã nỗ lực dốc sức theo học học vị Tiến sỹ tại ĐH Bắc Kinh.


Giáo viên hướng dẫn luận văn chính là Trưởng ban phụ trách khoa Văn Sử Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc học của ĐH Bắc Kinh, Giáo sư Khoa Ngữ văn ĐH Bắc Kinh - Viên Hành Bái.



 

"Ông ấy (chỉ nhà văn Kim Dung), không cần phải nhờ đến quá trình học tập ở trường lớp, ngay đến việc năm nay ông ấy có báo cáo luận văn và tốt nghiệp hay không tôi cũng không được rõ", GS. Trần Bình Nguyên chia sẻ.


Theo nguồn tin được biết, nhà văn Kim Dung từng là Giáo sư danh dự tại trường ĐH Bắc Kinh.


Theo lời nguyên hiệu trưởng ĐH Bắc Kinh là Hứa Thí Hoành từng năm 2008 tiết lộ cho biết: "Sang năm Kim Dung sẽ hoàn thành học vị Tiến sỹ tại ĐH Cambridge, sau đó sẽ tiếp tục theo học nghiên cứu sinh lấy bằng Tiến sỹ tại ĐH Bắc Kinh. Kim Dung từng nói rằng ông vẫn cảm thấy không hiểu lý do vì sang hoàng đế Lưu Bang lại truất ngôi của thái tử, chính vì vậy ông muốn đến thỉnh giáo các thầy ở Viện quốc học của ĐH Bắc Kinh. Điều này như việc đi tìm tri thức mà thôi. Ông ấy cảm thấy mình còn nghiên cứu và am hiểu chưa đủ sâu sắc về Quốc học, vì vậy mới hi vọng tới thỉnh giáo các thầy ở Viện nghiên cứu Quốc học", giáo sư Hứa tâm sự.


Vốn dĩ trước đó, nhà văn Kim Dung từng có ý định sẽ theo học như một sinh viên chính quy bình thường tại ĐH Bắc Kinh, nhưng sau khi Hứa Trí Hoành khuyên thì Kim Dung mới theo học học vị tiến sỹ.


Còn theo GS. Tất Vĩnh Tường giải thích, muốn học lên tiến sỹ thì nhất thiết phải đến trường để theo học, nếu không thì không thể tốt nghiệp. Trong trường hợp nhà văn Kim Dung tuổi đã cao khi bước vào tuổi 89 thì liệu ông có đủ sức khỏe để đến lớp như bao nghiên cứu sinh khác hay không. Tờ Sina đặt câu hỏi, nếu Kim Dung không lên lớp thì làm sao có thể hoàn thành được những yêu cầu đề ra của chương trình học tiến sỹ?


Hơn nữa, có đúng Kim Dung đang theo học tại Viện Nghiên cứu Quốc học của ĐH Bắc Kinh hay chỉ là theo học ở Khoa Ngữ văn? Ngoài ra, luận văn tiến sỹ ở ĐH Cambridge của Kim Dung có tiêu đề là "Chế độ kế vị truyền ngôi ở thời thịnh Đường", vậy tên luận văn nghiên cứu học vị tiến sỹ Văn học cổ của Kim Dung ở ĐH Bắc Kinh viết về đề tài gì?

Những thắc mắc trên khi được mang trao đổi với bộ phận truyền thông của ĐH Bắc Kinh thì không nhận được câu trả lời nào.
 

Nhà văn Kim Dung từng nhận được rất nhiều học hàm giáo sư danh dự, giáo sư, tiến sĩ danh dự và học vị tiến sĩ tại các trường, đơn vị giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc cũng như các nước Âu Mỹ. Ông từng đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Nhân văn học tại ĐH Chiết Giang (hiện tại đã từ chức), và là tiến sĩ, giáo sư suốt đời ở Viện này. Năm 2005, Kim Dung được ĐH Cambridge (Anh) trao tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự ngành Văn học ở tuổi 81 do đích thân Hoàng tử Philip (phu quân Nữ hoàng Anh Elizabeth II), đồng thời là Hiệu trưởng danh dự ĐH Cambridge trao tặng. Sau đó Kim Dung đã chính thức đăng ký theo học hệ đào tạo Thạc sĩ và học vị Tiến sĩ tại ĐH Cambride. Năm 2010, Kim Dung nhận bằng Tiến sĩ ngành Triết học của ĐH Cambridge ở tuổi 86.
 

Dưới đây là những học hàm Tiến sĩ và Giáo sư mà Kim Dung sở hữu:
 

- Học vị Tiến sĩ: Đại học Hồng Kông (1986), ĐH Cambridge (2005), ĐH Tô Châu (2007), ĐH Chính trị Đài Loan (2007), ĐH Nhân Thụ Hồng Kông (2010), ĐH Thanh Hoa Đài Loan (2011).
 

- Học vị Giáo sư: ĐH Bắc Kinh (1994), ĐH Nam Khai (2001), ĐH Trung Sơn (2003), ĐH Tứ Xuyên (2004), ĐH Hoa Kiều (2004), ĐH Cát Lâm (2008), ĐH Sư phạm Liêu Ninh (2008).
 

Kim Dung là một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng nhất trong văn học Trung Quốc hiện đại. Từ năm 1955 – 1972, Kim Dung đã cho ra đời tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết, trong đó tiểu thuyết võ hiệp đầu tay của ông là Thư kiếm ân cừu lục (1955) với sự giúp sức của tác gia nổi tiếng Lương Vũ Sinh. Bút danh Kim Dung cũng bắt đầu xuất hiện thời gian này (nghĩa là Chiếc chuông lớn). Nhờ sự nổi tiếng của Thư kiếm ân cừu lục, tên tuổi của Kim Dung và Lương Vũ Sinh được xem như  người khai tông ra Tân phái của thể loại tiểu thuyết võ hiệp. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất.
 

Chùm truyện có thể nói là nổi tiếng nhất, và cũng có nhiều chi tiết liên kết chặt nhất, là Xạ điêu tam bộ khúc, gồm ba tác phẩm Xạ điêu anh hùng truyện (cuối đời Tống), Thần điêu hiệp lữ (thời Mông Cổ đánh Tống), Ỷ thiên Đồ long ký (thời nhà Minh nổi lên đánh Mông Cổ).
 

Chủ nghĩa yêu nước Trung Quốc là đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Kim Dung. Ông nhấn mạnh đến sự độc lập tự chủ của người Hán, và nhiều tác phẩm của ông là bối cảnh khi Trung Quốc bị đe dọa bởi những người phương bắc như Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ. Nhưng dần dần chủ nghĩa yêu nước của ông cũng bao gồm các dân tộc thiểu số tạo thành nước Trung Quốc bây giờ. Kim Dung đặc biệt khâm phục các đặc điểm của người Mông Cổ, Mãn Châu. Trong Anh hùng xạ điêu, hình tượng của Thành Cát Tư Hãn và các con của ông là những vị tướng tài ba, những dũng sĩ kiêu dũng trên đại mạc đứng lên lập nên đại nghiệp, uy hiếp nhà Tống lụn bại.
 

Các tác phẩm của Kim Dung có thể coi là cuốn từ điển nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa, bao gồm các lĩnh vực y thuật dân tộc Trung Quốc, châm cứu, võ thuật, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo, các triết học của đạo Khổng, đạo Phật và đạo Lão, và lịch sử phong kiến Trung Hoa. Các nhân vật lịch sử hòa trộn vào các nhân vật trong truyện.
 

300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.
 

Tên ông được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh của ông (6/ 2). Tháng 2 năm 2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc.
 

Năm 1972 sau khi viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng là Lộc Đỉnh Ký (1969 - 1972), ông đă chính thức nghỉ hưu và dành những năm sau đó biên tập, chỉnh sửa các tác phẩm văn học của mình. Lần hoàn chỉnh đầu tiên là vào năm 1979. Lúc đó, các tiểu thuyết võ hiệp của ông đă được nhiều độc giả biết điến.

Nguồn tin: Khám Phá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 435


Hôm nayHôm nay : 62619

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 691950

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43203719



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach