20:03 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Hàng hoá - Thị trường

Thị trường vaccine: Thừa và thiếu

Thứ năm - 07/05/2015 03:19

Trong khi WHO công nhận vaccine của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và có thể hướng tới xuất khẩu thì sự thiếu hụt, khan hiếm vaccine dù đã được nhà quản lý ngành, các nhà chuyên môn vaccine cảnh báo từ mấy năm nay vẫn chưa được khắc phục…


1
Tình trạng “cháy” vaccine dịch vụ đã diễn ra trong một thời gian dài ở nhiều địa phương (Danh sách vắcxin dịch vụ tạm hết tại Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng)

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, năm 2015, tình trạng thiếu vaccine dịch vụ vẫn sẽ tái diễn, thậm chí với vaccine “6 trong 1”, tình trạng khan hiếm còn nghiêm trọng hơn năm 2014. Lý do vì nhà sản xuất không thể cung ứng đủ.

Chuyện niềm tin

Cty vaccine và Sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) là một trong những đơn vị nhập khẩu vaccine thường bị động nguồn hàng vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp. Để giải quyết bài toán bị động nguồn vaccine, một số nhà nhập khẩu đã đặt hàng cùng một loại thuốc với nhiều Cty ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số nhà phân phối cho biết cách làm này cũng không chắc chắn có đủ vaccine. Vì chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đặt hàng các hãng dược nước ngoài và các hãng mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy, độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường mất khoảng 3 tháng.

Ông Trần Đắc Phu khẳng định, việc khan hiếm vaccine chỉ xảy ra đối với tiêm chủng dịch vụ, còn trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) vẫn có đủ lượng vaccine Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib) do Hàn Quốc sản xuất với tác dụng tương tự để tiêm cho trẻ và tiêm miễn phí ở các trạm y tế xã, phường. Hiện các Cty sản xuất vaccine của Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10/12 loại vaccine trong chương trình TCMR và lúc nào cũng chủ động về số lượng vaccine. Tới đây, Việt Nam đang xem xét sản xuất loại vaccine dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó có vaccine dịch vụ “6 trong 1” có thể bắt đầu giai đoạn thử nghiệm vào năm 2008. VN dự định sẽ phối hợp với nhà sản xuất vaccine quốc tế trong chương trình này.

Như vậy, thực chất tình trạng hiện nay là vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng thừa, trong khi vaccine dịch vụ thiếu.
Và một trong những nguyên nhân của tình trạng này, các loại vắcxin được viện trợ từ nước ngoài là “5 trong 1” cũng có trong chương trình TCMR nhưng các bà mẹ ngần ngại không cho con mình đi tiêm đúng đợt do một số sự cố đã xảy ra với trẻ sau khi tiêm vaccine trước đây. Vì trẻ không được tiêm chủng nên các bệnh dịch lại dễ quay trở lại hơn, dẫn đến việc mọi người đổ xô cho con đi tiêm dịch vụ khi thấy dịch có chiều hướng bùng phát, ví dụ như gần đây là dịch sởi.

Câu chuyện thiếu - thừa vaccine ở đây, có thể thấy, không chỉ đơn thuần là chuyện số lượng mà là hệ quả của sự thiếu niềm tin của nguời dân vào chất lượng vaccine cũng như chính sách tiêm chủng quốc gia.

Xuất ngoại vaccine - Cần... nhưng chưa đủ

Việt Nam vừa trở thành 1 trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Điều này đồng nghĩa với việc quy trình quản lý vaccine của Việt Nam đã sánh ngang các nước phát triển trên thế giới và được quốc tế công nhận. Đây có thể xem là là bước tiến dài trong lĩnh vực vaccine phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm cho người của nước ta. Hơn nữa, trong tương lai không xa, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia về xuất khẩu vaccine.

Tuy nhiên, thực tế để biến những lợi thế và tiềm năng hiện nay thành hiện thực thì còn là một chặng đường rất dài. Theo nhiều chuyên gia về vaccine thì việc đạt tiêu chuẩn NRA của WHO mới chỉ là thành công bước đầu để mở cánh cửa xuất khẩu vaccine của Việt Nam ra thế giới. Bởi lẽ, đạt chuẩn NRA chỉ là điều kiện đủ để tham gia hội nhập quốc tế, còn để vaccine Việt Nam có thể xuất khẩu được thì bước tiếp theo thuộc về các nhà sản xuất và quản lý chính sách. Nói một cách dễ hiểu hơn thì ngay từ bây giờ, các nhà sản xuất vaccine của Việt Nam cần tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đạt quy chuẩn của WHO để đủ điều kiện tham gia đấu thầu quốc tế.

Hiện nay, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã cấp phép và sản xuất 12 loại vaccine cung ứng cho thị trường trong nước, chỉ có vaccine “5 trong 1” Quinvaxem là do Tổ chức liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hoàn thành việc thử nghiệm giai đoạn tiền lâm sàng và đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với các vaccine như: IPV (bại liệt bất hoạt), viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero và Hib... Tuy nhiên, thực tế hiện nay đa phần các dây chuyền sản xuất cho từng loại vaccine của nhiều nhà sản xuất vaccine trong nước chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về sản xuất theo chuẩn mực của WHO để được cấp chứng chỉ tiền thẩm định của WHO - một trong những điều kiện tiên quyết để có thể tham gia đấu thầu quốc tế. Vì vậy, đối với các nhà sản xuất trong nước thì đây là giai đoạn khởi đầu của quá trình hội nhập nên còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Chỉ riêng về vấn đề đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), hiện nay tất cả nhà máy sản xuất dược phẩm nói chung hay nhà máy sản xuất vaccine sinh phẩm nói riêng của Việt Nam đều đã đạt GMP do Bộ Y tế cấp, nhưng để đạt được chuẩn GMP của WHO thì phải được WHO thẩm định và cấp chứng chỉ, đòi hỏi khắt khe hơn nhiều.

Thái Bình

Nguồn tin: Diễn đàn DN điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 168

Máy chủ tìm kiếm : 16

Khách viếng thăm : 152


Hôm nayHôm nay : 44800

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 852904

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44220589



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach