22:56 EDT Thứ hai, 13/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam - sao chỉ có hạt gạo?

Thứ hai - 07/12/2015 02:59
Các nước trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không mạnh về lúa gạo. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn, đa dạng của mình, họ đã và đang tăng cường nhập khẩu gạo. Tuy có ưu thế nổi trội trong sản xuất lúa gạo và có cơ hội xuất khẩu lớn vào các nước TPP nhưng mặt hàng này của nước ta lại không có thương hiệu mạnh như Thái Lan, Ấn Độ - những nước nằm ngoài TPP. Và thương hiệu chỉ là một trong những vấn đề...

Nhìn vào chuỗi giá trị của ngành lúa gạo thế giới

Chuỗi giá trị của ngành lúa gạo thế giới ngày nay không còn bị giới hạn trong phạm vi từ hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu... đến những hạt gạo trắng trên bàn ăn của các gia đình. Các thành phần còn lại sau thu hoạch - vốn là phụ phẩm của ngành này cũng không còn bị đánh giá thấp nữa. Chuỗi giá trị của ngành lúa gạo thế giới đã mở rộng, phát triển và liên kết sâu với các ngành công nghiệp khác để hình thành những ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng rất cao (xem hình).

Đặc biệt, với cám gạo, sau quá trình trích ly dầu sẽ cho ra những thành phẩm làm nguyên liệu chủ lực cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác như ngành thực phẩm tiêu dùng với dầu ăn cao cấp (dầu cám gạo), dầu salad, margarine... ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Sản phẩm sáp cám gạo (rice bran wax) phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất lớp bọc bánh kẹo, chất đánh bóng sàn, vật liệu cách điện, chất chống thấm. Ngoài ra còn có ngành dược, ngành mỹ phẩm...

Rõ ràng là ngành công nghiệp lúa gạo của chúng ta đang bị kẹt sâu vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta dù đã có ngành nông nghiệp lúa gạo phát triển nhưng những ngành công nghiệp liên quan đến nó, khai thác tiềm năng của nó thì không phát triển bao nhiêu, nếu không nói đang bị tụt hậu so với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh. Thậm chí những quốc gia chẳng có thế mạnh gì về ngành lúa gạo như Mỹ, Nhật Bản cũng đã phát triển rất mạnh ngành sản xuất (trích ly) dầu ăn từ cám gạo, và sau đó tiếp tục được chế biến sâu hơn để cho ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn gấp hàng chục lần như biểu đồ so sánh dưới đây.

Càng mở rộng chuỗi giá trị sau lúa gạo, tức chế biến càng sâu, sẽ đòi hỏi hàm lượng chất xám và công nghệ càng cao, nhưng bù lại giá trị sẽ tăng cao hơn rất nhiều lần. Đơn cử, nếu quy đổi 1 ki lô gam tinh chất Oryzanol (được tinh chế từ cám gạo) dùng trong ngành dược phẩm sẽ có giá trị lên đến 600 đô la Mỹ.

Hiện nay, dầu cám gạo đang được sử dụng rộng rãi và trở thành xu hướng tiêu dùng mới tại nhiều quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc... với lượng tiêu thụ lớn. Còn đối với các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand... dầu gạo đã được sử dụng từ lâu và luôn được ưa chuộng như loại dầu ăn tốt nhất cho sức khỏe. Tại các quốc gia này, dầu gạo phổ biến là thế bởi người dân ngày càng quan tâm đến giá trị dinh dưỡng mà dầu ăn mang lại chứ không chỉ sử dụng dầu ăn vì một mục đích đơn thuần là chế biến thực phẩm.

Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất dầu cám gạo lớn nhất thế giới. Quốc gia này sản xuất mỗi năm khoảng 900.000 tấn, trong khi sản lượng sản xuất toàn cầu chỉ vào khoảng 1,2 triệu tấn dầu/năm. Trong số 900.000 tấn được sản xuất của Ấn Độ thì chỉ có khoảng 300.000 tấn được sử dụng làm dầu ăn, số còn lại làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp khác.

Ngành công nghiệp sau lúa gạo của Việt Nam - bao giờ phát triển?

Rất tiếc, ở Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng điểm kết thúc của chuỗi giá trị ngành lúa gạo chỉ là gạo trắng dùng cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; gạo tấm dùng làm thực phẩm; cám gạo dùng làm thức ăn cho gia cầm và làm nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, về nguyên tắc, với hơn 2,5 triệu tấn cám gạo mỗi năm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có thể sản xuất ra tới 45.000 tấn dầu ăn. Con số đủ cho một ngành công nghiệp phát triển! Con số này cũng tiến gần đến mức 50.000 tấn của Trung Quốc, 60.000 tấn của Thái Lan, và 70.000 tấn của Nhật Bản.

Sau khi TPP có hiệu lực, không hẳn thị trường Việt Nam sẽ tràn ngập sản phẩm dầu gạo hay nguyên liệu cám khô dầu nhập khẩu. Bởi lẽ, cung dầu gạo trên thế giới có giới hạn (chỉ vài nước sản xuất được), mà nhu cầu từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ là rất lớn. Còn với nguyên liệu cám khô dầu thì Việt Nam hiện đã nhập khẩu rất lớn từ Ấn Độ rồi, vì nguồn cung trong nước không đủ cầu khi thị trường thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trưởng cao.

Nguy cơ mà chúng tôi muốn nói tới chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đến một lúc nào đó sẽ kiểm soát được toàn bộ ngành công nghiệp sau lúa gạo của Việt Nam, từ nguyên liệu cám, đến dầu gạo ăn cao cấp, đến cám khô dầu... Khi đó, sẽ là quá trễ, quá khó, quá rủi ro để các doanh nghiệp Việt Nam có thể chen chân vào được. Việt Nam sẽ đánh mất toàn bộ ngành công nghiệp tiềm năng này.

Gần đây, người ta nói nhiều đến “tái cơ cấu nông nghiệp”, trong đó có ngành lúa gạo như một giải pháp căn bản, toàn diện để xử lý vấn đề khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam đang bị suy giảm. Tuy nhiên, trong ngành lúa gạo và cả ngành nông nghiệp nói chung của nước ta hiện nay, các yếu tố cấu thành đã không còn nhiều “dư địa” để gia tăng hiệu quả, dù được sắp xếp lại theo bất kỳ kiểu cấu trúc nào.

Do đó, để có thể nâng cao giá trị nông sản, nhất là lúa gạo, thì sự hiểu biết tường tận và đầy đủ về chuỗi giá trị của loại nông sản này, cũng như các sản phẩm được chế biến sau lúa, gạo là vô cùng hữu ích cho nông dân, nhà khoa học, các doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong nỗ lực nghiên cứu, học hỏi các phương thức sản xuất mới trên thế giới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cây lúa, hạt gạo, và các “phụ phẩm” khác sau thu hoạch. Cần đảm bảo được khả năng cung ứng (dưới dạng hàng hóa nguyên liệu) cho các ngành khác ở quy mô sản xuất công nghiệp.

Chúng ta có thuận lợi lớn để phát triển ngành công nghiệp này, bởi các công ty xuất khẩu công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều nằm trong các nước tham gia TPP như Mỹ, Nhật Bản. Ngoài ra cũng chính họ cùng với Canada, Úc, Hàn Quốc là nhóm những quốc gia nhập và tiêu thụ dầu gạo hàng đầu thế giới. Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi gần 15% trong nhiều năm qua đã khiến Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% lượng cám khô dầu từ Ấn Độ để phục vụ sản xuất, mà đó không phải là thành viên TPP.

Định hướng chính sách của Nhà nước nên đặt trên một bức tranh tổng thể rộng hơn về chuỗi giá trị lúa gạo, không chỉ có hạt gạo, mà cám gạo cũng phải được xem là “chính phẩm” trong chiến lược phát triển của quốc gia, đặc biệt đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Suất đầu tư sản xuất từ cám gạo thường lớn hơn nhiều so với suất đầu tư cho sản xuất gạo do những đòi hỏi cao hơn về công nghệ và nhân lực, do vậy những ưu đãi, khuyến khích chung của Nhà nước cho nông nghiệp như hiện nay là chưa đủ để doanh nghiệp an tâm nghĩ xa hơn, đầu tư mạnh hơn cho ngành này. Cần có sự thay đổi về định hướng, chính sách. Khi lợi nhuận khai thác được từ ngành công nghiệp cám gạo đủ lớn, đủ hấp dẫn, nó sẽ có tác động làm chuyển dịch cơ cấu chi phí, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất lúa gạo. Khi đó, sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.

(*) Chuyên gia tư vấn của Strategic Foresight

Nguồn tin: TBKTSG Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 177

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 155


Hôm nayHôm nay : 44800

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 860214

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44227899



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach