1 Tin Tức Khảo sát

Doanh nghiệp “ngoại” đua nhau tăng vốn

Thứ sáu - 16/01/2015 05:33 1 1 1

Nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn mở nhà máy hoặc mở rộng quy mô sản xuất để đón đầu cơ hội mang lại từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết trong thời gian tới.


Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), trong năm 2014, gần 600 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại VN đã đang ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 4,58 tỉ USD.

Ngoài ra, thêm 1.588 dự án mới được cấp mới với tổng vốn đăng ký là 15,64 tỉ USD. Cũng theo số liệu này, trong năm 2014 các doanh nghiệp FDI đã giải ngân được 12,35 tỉ USD, tăng 2,9% so với kế hoạch.

TP.HCM: hơn 371 triệu USD vốn tăng thêm

Theo số liệu từ Sở KH-ĐT và Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, trong năm 2014 tại TP.HCM có 133 dự án FDI tăng vốn thêm gần 371,21 triệu USD. Cũng trong năm qua, TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 414 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,84 tỉ USD, gần gấp ba lần năm 2013.

Trong năm 2014 (tính đến ngày 15-12), TP.HCM đã thu hút hơn 3,21 tỉ USD vốn FDI (cả đầu tư mới và tăng vốn), gần gấp hai so với năm trước đó.

Đón đầu cơ hội từ TPP

Những ngày đầu năm 2015, tại khu nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Nobland VN (thuộc Tập đoàn Nobland International Inc, Hàn Quốc), 24 chuyền may mới đang được gấp rút lắp đặt theo kế hoạch gia tăng vốn mở rộng sản xuất, từ 43 triệu USD lên 61 triệu USD.

Ông Kim Chung Kuk, tổng giám đốc Công ty Nobland VN, cho biết sau khi nhà máy được mở rộng, công suất của công ty tăng thêm 10,8 triệu sản phẩm/năm, lên khoảng 75 triệu sản phẩm/năm, số công nhân tăng lên 10.000 người so với 8.000 người như hiện nay.

“Ngoài việc có thêm đơn đặt hàng mới, việc tăng vốn còn nhằm đón đầu cơ hội khi VN gia nhập TPP” - ông Kim nói. Tương tự, Tập đoàn Gain Lucky (Anh) vừa tăng vốn từ 140 triệu USD lên 300 triệu USD sau một năm đầu tư thăm dò tại TP.HCM.

Chỉ sau 20 ngày kể từ khi nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11-2014, nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Nam Phương Textile, liên doanh giữa Haputex Development Limited (Hong Kong) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Việt Hương, chuyên sản xuất vải sợi các loại với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, đã được gấp rút khởi công.

Ông Marcus Ip, giám đốc công ty này, khẳng định: “Các sản phẩm của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn khi thâm nhập thị trường các nước thuộc TPP. Nền kinh tế của VN đang có tốc độ tăng trưởng tốt, môi trường đầu tư tại Bình Dương cũng rất thuận lợi”.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 sản phẩm của Nam Phương Textile chủ yếu dành để xuất khẩu, khoảng 90% sẽ đi Mỹ và 10% đi Nhật. Khi công suất tăng lên 72 triệu m/năm trong giai đoạn 2 và 96 triệu m/năm vào giai đoạn 3, ngoài Mỹ và Nhật, công ty sẽ mở rộng thị trường sang Indonesia, Malaysia...

Ông Marcus Ip cũng khẳng định công ty sẽ chỉ sử dụng nguyên liệu từ các nhà cung cấp là những doanh nghiệp đang sản xuất tại VN, trừ những lúc thiếu mới nhập ở nước khác về.

“Đây là dự án đầu tiên của Haputex Development Limited tại VN. Sau khi khởi công, đến cuối năm 2015 nhà máy sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào sản xuất. Chúng tôi tin rằng khi hoàn thành, nhà máy này sẽ là một trong những dự án dệt vải lớn nhất VN....” - ông Marcus Ip cho biết.

Nhiều tiềm năng

Chỉ sau hơn một năm từ khi tìm hiểu và được trao chứng nhận đầu tư, đến nay Tập đoàn Tomoku (Nhật Bản) đã khánh thành 3,1ha nhà xưởng (trong tổng số 6ha đất thuê tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương), các dãy nhà xưởng với nhiều máy móc hiện đại đã được lắp đặt xong.

Đây là nhà máy chuyên sản xuất bao bì với tổng vốn đầu tư lên tới 47,6 triệu USD, trong đó riêng giá trị máy móc khoảng 30 triệu USD.

“Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ đưa nhà máy chính thức sản xuất trong tháng 1-2015” - ông Takashi Nara, tổng giám đốc công ty cho biết.

Theo ông Nara, dù có hoạt động hợp tác kinh doanh tại nhiều thị trường trên thế giới, nhưng đây là nhà máy đầu tiên của tập đoàn này tại nước ngoài.

Ông Nara khẳng định việc chọn VN để xây nhà máy là bước chuẩn bị để tập đoàn này mở rộng sang thị trường ASEAN, khi xu hướng hình thành một thị trường chung của khu vực ngày càng rõ nét.

Ông Yuichi Fukada, một lãnh đạo của Công ty TNHH Kawasaki Heat Metal VN (chuyên hoạt động trong lĩnh vực xử lý nhiệt Khu công nghiệp Mỹ Phước 3), cho biết công ty đang có kế hoạch tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô do việc làm ăn đạt hiệu quả rất khả quan.

Theo ông Fukada, sau hai năm hoạt động, từ diện tích ban đầu là 2.900m², hiện công ty đã mở rộng nhà máy lên hơn 7.700m², vốn đầu tư cũng đã tăng 60% so với ban đầu, doanh thu ổn định từ 3-4 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do đơn hàng ngày một nhiều, công ty đang có dự tính thuê thêm diện tích đất rộng gấp 2-3 lần hiện nay để mở rộng nhà máy.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào địa phương này. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Bình Dương đã thu hút được 1,65 tỉ USD vốn FDI, trong đó có 151 dự án mới với tổng vốn 812 triệu USD và 126 dự án mở rộng đầu tư với tổng vốn 843 triệu USD.

Theo một lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương, dù hầu hết dự án FDI tại địa phương này đều có quy mô vừa và nhỏ nhưng tỉ lệ giải ngân khá cao.

Trong năm 2014, khoảng 1,2 tỉ USD vốn FDI được giải ngân trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả dự án đầu tư mới năm 2014 và các dự án trước đó tiếp tục được giải ngân), tăng 8,3% so với năm 2013.

Bên cạnh các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất, tại Bình Dương còn xuất hiện nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đô thị như: dự án khu đô thị 1,2 tỉ USD tại TP mới Bình Dương, dự án trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary có tổng mức đầu tư tới 95 triệu USD...

>>>Thêm 178 triệu USD vốn FDI được "rót" vào TP Hồ Chí Minh

Theo Đình Dân - Bá Sơn

 

Nguồn tin: Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nhà máy, quy mô, sản xuất, đầu cơ, hiệp định, thái bình, ký kết, thời gian, số liệu, kế hoạch, dự án, trực tiếp, hoạt động, tổng số, ngoài ra, đăng ký, doanh nghiệp, quản lý, công nghiệp, giấy chứng nhận, thu hút

Bình luận mới

Bạn cần đăng nhập thành viên để sử dụng chức năng này

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn