06:21 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Khảo sát

Trò chuyện lý thú nhất tại Techmart 2015

Thứ năm - 08/10/2015 12:59
Năm nay là năm đầu tiên, lãnh đạo bộ Khoa học và công nghệ mời hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) và trung tâm BSA đồng tổ chức Techmart. Chỉ có trên dưới một tháng để chuẩn bị nhưng hội và BSA đã tổ chức được hai khu vực dành cho doanh nghiệp và nông dân dưới cái tên chung “Doanh nghiệp – nông dân sáng tạo hội nhập”.


Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò việc
lấy doanh nghiệp làm trung tâm của Techmart 2015

 
25 doanh nghiệp tiên phong công nghệ của CLB DN dẫn đầu (LBC), 20 doanh nghiệp nông nghiệp (hầu hết là DN HVNCLC), 18 DN hoạt động về công nghệ thông tin và gần 20 doanh nghiệp khởi nghiệp (sản phẩm đã thương mại hoá) tham gia khu vực doanh nghiệp. Khu vực nông dân sáng tạo hội nhập có 30 nông dân từ đồng bằng sông Cửu Long cùng với năm dàn máy lớn và các thiết bị nhỏ cùng các nông sản đặc biệt. Năm buổi gặp gỡ với các chủ đề chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp về tiên phong công nghệ, nông nghiệp, khởi nghiệp đã thu hút đông đảo khách tham gia. Xin giới thiệu nội dung cuộc gặp gỡ thú vị nhất do BSA tổ chức tại Techmart.
 
 
Có mặt tại Techmart 2015, bốn doanh nghiệp có mô hình kinh doanh rất khác nhau đã có cuộc kể “chuyện đời – chuyện nghề” của mình và đối thoại rất lý thú với gần 200 người tham dự tại cuộc gặp gỡ chủ đề “Gặp các nhà tiên phong công nghệ từ trang báo Tia Sáng” chiều 2.10. Bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đã đến dự cùng nhiều nhà trí thức, nghiên cứu quen tên của Hà Nội. Câu chuyện của họ gợi ra nhiều mô hình đa dạng cho phát triển công nghệ Việt thời hội nhập.
 
Rạng Đông và bí quyết công nghệ
 
1

Được xếp vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2012 khi nền công nghiệp chế tạo nội địa đang rất ảm đạm, do sự cạnh tranh gay gắt của hàng hoá nhập khẩu – đặc biệt là từ Trung Quốc – và sự lấn lướt của các công ty đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn liên tục đạt được hiệu quả tốt. Năm 2012, doanh thu công ty đạt 2.208 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 96 tỉ đồng, Với số lượng 3.000 nhân viên, thu nhập bình quân trên đầu người đạt gần 8,5 triệu đồng/tháng.
 
Từ năm 2010 – 2012, Rạng Đông đã cung cấp cho thị trường nội địa Việt Nam 80,3 triệu đèn CFL, 18,55 triệu bộ đèn T8 và ballast điện tử, góp phần giảm điện năng sử dụng là 5,51 tỉ kWh, tức gần 2% tổng điện thương phẩm quốc gia mỗi năm.
 
Nguyên nhân đầu tiên là do Rạng Đông đã mạnh dạn đầu tư tài chính, từ vay vốn ngân hàng cho đến trích từ doanh thu (2% mỗi năm) để đầu tư phát triển năng lực công nghệ. Dĩ nhiên, chịu đầu tư lại còn phải đầu tư đúng, ví dụ trong lựa chọn dây chuyền công nghệ. Và để có lựa chọn đúng, Rạng Đông hợp tác với các trường, viện trong nước như viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), các viện nghiên cứu của đại học Bách khoa Hà Nội (từ tháng 4.2010)...
 
Những quan hệ hợp tác này đã giúp Rạng Đông thực hiện được 22 đề tài nghiên cứu có ích. Tháng 3.2011, Rạng Đông tự thành lập trung tâm R&D để chủ động trong nghiên cứu liên ngành. Trung tâm có nhiệm vụ tập hợp và khai thác hiệu quả các nguồn tri thức, tiếp nhận chuyển giao khoa học – công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất và hướng dẫn đào tạo nhân lực cho công ty. Rạng Đông triển khai nhanh, trên quy mô công nghiệp các ý tưởng đổi mới công nghệ và bán hàng tốt, do có mạng lưới 7.000 cửa hàng trên cả nước.
 
Công ty ông lập trung tâm nghiên cứu gồm hơn 40 vị là các nhà khoa học có bề dày, uy tín chuyên môn. Làm việc với chừng ấy vị tài năng và trọng tuổi, ông có gặp khó khăn gì không?
 
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Rạng Đông: Chúng tôi may mắn có tiến sĩ Đỗ Xuân Thành là người có uy tín khoa học lại xả thân trong nghiên cứu làm điều hành chung. Ông Thành cũng là bí thư chi bộ tập thể này luôn nên khá sâu sát tâm tư và suy nghĩ của từng vị. Cái chính là chúng tôi tôn trọng mỗi người và tạo điều kiện để các thầy, cô có điều kiện theo đuổi công trình của mình và tìm cách ứng dụng tốt các kết quả nghiên cứu.
 
 
Misfit với món trang sức chăm sóc sức khoẻ
 
1
 
Món trang sức có tên là Misfit Shine (MS) trưng bày tại Techmart là một sản phẩm công nghệ cao trông nhỏ gọn như một đồng xu đẹp, sang trọng dùng để đo mức độ vận động cơ thể qua số vòng quay khi đạp xe, số sải tay khi bơi, số bước đi trong ngày, giúp kiểm soát mức độ hoạt động của cơ thể, tư vấn việc vận động đủ cho sức khoẻ mỗi ngày. MS là thiết bị đầu tiên trên thế giới tích hợp với smartphone chỉ đơn giản bằng cách đặt lên màn hình cảm ứng.
 
Misfit Wearables đặt phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam với đội ngũ 30 kỹ sư trẻ tài năng, đảm trách ba khâu: thiết kế công nghệ cảm ứng cao cấp, thiết kế phần mềm và phát triển hệ thống dữ liệu cung cấp cho người tiêu dùng. Họ trực tiếp thiết kế sáng tạo sản phẩm chứ không phải làm gia công theo thiết kế có sẵn. Đây là mô hình ngược với cách ở Mỹ: xây dựng đội ngũ R&D ở Silicon Valley, rồi đưa đi gia công ở các nước đang phát triển. Nhưng cách Misfit gọi vốn thì… đúng kiểu Mỹ: giới thiệu sản phẩm (tương lai) trên mạng internet và mời cộng đồng đăng ký mua sản phẩm. Sau một tháng, Misfit nhận được 850.000 USD của hơn 8.500 khách hàng trên 64 quốc gia đặt mua hàng. Sau đó, John Sculley, cựu CEO của Apple, vào đầu tư và tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành đã đầu tư 15 triệu USD, cùng hàng loạt các nhà đầu tư khác cũng đàm phán để rót tiền vào.
 
Như vậy, chính thị trường công nghệ với nguồn lực vô tận của toàn xã hội, mới tạo ra môi trường thuận lợi, minh bạch, tích cực nhất cho các công ty khởi nghiệp.
 
Misfit lập trung tâm R&D tại TP.HCM, Việt Nam. Điều gì là khó nhất để những nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam sống được với cuộc cạnh tranh toàn cầu?
 
Lê Diệp Kiều Trang, giám đốc kinh doanh Misfit, Inc: Những người làm nghiên cứu khoa học thường hoạt động riêng lẻ, một mình nên khó kết nối với nhau, huống chi trở thành một team gắn bó và “ăn ý”. Bên cạnh đó, người làm khoa học thì chỉ chú ý tính chính xác của khoa học, còn trong chế tạo, thành quả là sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Mục tiêu rõ ràng đòi hỏi nhà khoa học trở thành nhà công nghệ để cho ra đời những công nghệ phẩm. Đó là điều rất khó buộc nhà nghiên cứu mà họ phải thích nghi cho được.
 
 
Mỹ Lan kinh doanh bằng sáng chế và có bí quyết về nguồn nhân lực


1  

 
Tập đoàn Mỹ Lan có mặt tại Techmart 2015 với máy in phun bao bì, các loại bao bì năm lớp mỏng tang dùng làm màng bọc thực phẩm và sản phẩm nhỏ gọn Internet of Things ứng dụng cảm ứng đo lường các điều kiện bảo quản sản phẩm xuất khẩu. Ông Nguyễn Thanh Mỹ là tiến sĩ về khoa học năng lượng và vật liệu, có hơn 100 bằng phát minh được quốc tế công nhận, và đã đạt nhiều giải thưởng khoa học quốc tế. Điều nổi bật nhiều người từng nghe về Mỹ Lan là đã tạo môi trường làm việc tốt nhất cho lực lượng lao động trẻ (trung bình chưa đến 27 tuổi). Ông nói thẳng thắn: “Tôi không thể mang các nhân viên trẻ của tôi đến IBM, Apple, Google… để làm việc nhưng tôi dành cho nhân viên mình những điều kiện ưu đãi nhất và chăm sóc họ sánh ngang với những doanh nghiệp bậc nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, tôi cũng đang truyền đạt sự hiểu biết, thành công của mình cho nhân viên với mong muốn họ sẽ tiếp bước tôi thực hiện mục tiêu đưa tập đoàn vươn xa hơn nữa”.
 
Ai đã đến thăm Mỹ Lan thì thấy là ông Mỹ không nói suông. Mỹ Lan có cơ sở hạ tầng hiện đại, cảnh quan thiên nhiên xanh mát, không khí trong lành. Người lao động được khuyến khích nghĩ khác, làm khác, được tôn trọng và trân trọng lẫn nhau, được cấp căn hộ để an cư... Nguồn lao động chính của Mỹ Lan là từ khoa Hoá học ứng dụng mà ông Mỹ hợp tác với đại học Trà Vinh lập ra và đang tiếp tục chuẩn bị đào tạo chuyên ngành quang – cơ điện tử.
 
Khởi đầu, ông Mỹ thành lập công ty hoá chất Mỹ Lan, kế đó là hai công ty là công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan (nghiên cứu, phát triển, sản xuất bản kẽm in offset và vật tư ngành in) và công ty cổ phần MyLan Quang Điện tử (sản xuất và cung cấp dịch vụ cho các vật liệu màng mỏng polymer đa năng). Trên thị trường Việt Nam hiện có các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ Lan như: bản kẽm nhiệt CTP máy in phun công nghiệp Vjet1000 (rất nhỏ gọn, tính năng vượt trội) in bao bì, các loại màng đa lớp, đa vật liệu dùng đóng gói thực phẩm, dược phẩm…
 
Tuổi trung bình của công nhân viên Mỹ Lan là 27, vậy vấn đề của các lao động trẻ toàn là con nông dân, làm kỹ thuật cao, là gì? Ông khuyến khích họ trong lao động như thế nào?
 
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Mỹ Lan: Tôi thấy các bạn trẻ siêng năng, thông minh nhưng thường thiếu sáng tạo. Họ không quen nghĩ khác, nói khác, làm khác. Nói gì họ cũng dạ, không cãi nhưng không làm. Tôi cho rằng làm sai không đáng sợ bằng không làm. Tôi tạo điều kiện và không gian cho các bạn có sáng kiến và thực hiện luôn, sai thì sửa.
 
 
Minh Long thành công khởi đầu từ đam mê công nghệ
 



Sứ Minh Long ngày nay chiếm lĩnh thị trường trong nước và vẫn xuất khẩu tốt ra nước ngoài. Nhưng nói tới sứ Minh Long ít ai nghĩ thành công lớn trên thị trường đó lại bắt đầu từ long đam mê công nghệ của ông chủ Lý Ngọc Minh. Dù mọi người nhìn nhận ông là doanh nhân tiêu biểu cho cả hai hình mẫu: đam mê công nghệ và táo bạo – bản lĩnh trong kinh doanh. Nhưng ông vẫn thường tâm sự, “Với tôi, sự hoàn chỉnh về kỹ thuật và mỹ thuật của sản phẩm là quan trọng nhất. Tôi coi thành tựu kỹ thuật quan trọng hơn thành tựu kinh tế”.
 
Và suốt chiều dài phát triển của Minh Long, ông đã không ngừng cùng đội ngũ tại chỗ tìm tòi ứng dụng nhiều công nghệ độc đáo.
 
Các loại bột tạo phôi mà ở nước ngoài các công ty gốm sứ phải nhập, thì Minh Long hoàn toàn tự chủ động sản xuất lấy. Các loại khuôn đặc chủng, Minh Long cũng đã tự làm được với giá chỉ bằng một phần tư giá nhập khẩu.
 
Màu và men hiếm, Minh Long cũng đã tìm được công thức, tức đã làm được điều thế giới chưa làm được. “Tới nay, độ trắng bóng của gốm sứ Minh Long gần như đạt tới tối ưu”, ông Minh khẳng định. Theo ông, trong số hàng ngàn hãng gốm sứ trên thế giới, chỉ có khoảng năm hãng có chất lượng tương đương với Minh Long về độ trắng, độ bóng, độ cứng, và không có hãng nào hơn được Minh Long về các tiêu chí này.
 
Công nghệ nung một lần tới nhiệt độ 1.230 – 1.250 độ C là công nghệ vượt trội của riêng Minh Long, khiến sản phẩm vẽ tay của Minh Long đứng xa thấy đẹp, lại gần thì mịn màng, sờ vào thấy mát; còn sản phẩm vẽ tay của nước ngoài, lại gần thấy màu men bị đục, sờ vào thấy cộm. Lớp men này qua nhiệt độ nung cao sẽ tồn tại được bền. “Đơn giản là chúng tôi nắm vững và vận dụng một số kiến thức vật lý, và trong chừng mực nào đó biết cách làm ảo thuật”, ông Minh nói vui.
 
Minh Long có 3.000 công nhân viên. Tuyển nhân viên và công nhân khó không? Họ có sáng tạo không? Họ tham gia vào cuộc đổi mới sáng tạo của công ty như thế nào?
 
Ông Lý Huy Sáng, Minh Long: Nghề gốm sứ là nghề có từ lâu đời, tay lấm chân bùn, thường được các bạn trẻ cho là nghề dơ bẩn, nặng nhọc, thu nhập thấp. Chúng tôi phải làm nhiều cách để xoá đi ấn tượng này như tự động hoá cao, nâng cao hình ảnh Minh Long. Minh Long quan niệm, mỗi sáng tạo nhỏ đều mang lại hữu ích quan trọng. Chúng tôi có cơ chế thúc đẩy sức nghĩ và sáng tạo của cả đội ngũ. Cứ sáu tháng một lần, công ty lại mở ra ngày hội sáng tạo. Mỗi trưởng phòng, ban đều chịu trách nhiệm giao chỉ tiêu cho từng bộ phận là phải có ít nhất năm sáng kiến của công nhân, nhân viên (không phải của cán bộ quản lý, phụ trách) và trong năm thì có ít nhất hai là đạt. Mỗi lần như vậy, có hàng trăm sáng kiến hay từ công nhân. Nếu bộ phận nào không có sáng kiến thì phụ trách bị phạt hay giáng chức. Mỗi công nhân viên qua đó đóng góp cho cuộc đổi mới sáng tạo tại công ty.
 
 
Sự có mặt của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trên thị trường hiện nay tại Techmart 2015, minh chứng vai trò của khoa học – công nghệ trong thành công của doanh nghiệp. Làm doanh nghiệp hiện phải đương đầu rất nhiều khó khăn. Những cố gắng của doanh nghiệp, của các nhà khoa học đã góp phần mang lại tin vui là chúng ta lên hạng về đổi mới sáng tạo, nay là hạng 52 trên 141 quốc gia trên thế giới. Chỉ số đổi mới sáng tạo cũng tăng và về khoa học công nghệ, chúng ta giữ vị trí thứ 3 trong ASEAN. Bốn doanh nghiệp dự diễn đàn đều là những doanh nghiệp rất điển hình về lòng đam mê sáng tạo, sự am hiểu thị trường và chăm lo tốt cho đội ngũ. Việt Nam chuẩn bị bước vào một giai đoạn hội nhập rất quan trọng. Và để đứng vững, thắng thế trong cạnh tranh sắp tới, tôi nghĩ, nhà khoa học cần có tinh thần doanh nhân và doanh nhân cần có tinh thần khoa học. Nhà nước phải chú ý tháo gỡ tiếp tục các khó khăn và đưa ra thêm những chính sách thiết thực giúp cuộc đổi mới sáng tạo được thuận lợi hơn nữa.
(Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân)
 
 
theo báo Thế Giới Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 131

Máy chủ tìm kiếm : 17

Khách viếng thăm : 114


Hôm nayHôm nay : 31427

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 928767

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44296452



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach