05:58 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Chia sẻ

Quốc tế hóa doanh nghiệp nhỏ: Bao giờ?

Thứ sáu - 08/01/2016 06:29
Làn sóng đầu tư ra nước ngoài, kể cả những doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ, được dự báo sẽ có xu hướng gia tăng. Nhưng các chuyên gia kinh tế lưu ý rằng đầu tư ra nước ngoài không chỉ để phát triển kinh doanh mà cần quốc tế hóa (internationalise) doanh nghiệp và thương hiệu.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 – 2015, hơn 380.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được thành lập mới, cao hơn 30.000 doanh nghiệp so với mục tiêu đề ra.

Trong đó, đầu tư của khu vực DNNVV chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn bộ khu vực doanh nghiệp, đóng góp đến 45% vào GDP và 31% thu ngân sách của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Và theo dự báo, sẽ có 1 triệu DNNVV gia nhập thị trường vào năm 2020.

Hội nhập sâu rộng

Với vai trò quan trọng như vậy, một vấn đề đang được giới DNNVV quan tâm là trước việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có hiệu lực thì các kế hoạch tự do hóa, đầu tư ra nước ngoài và quốc tế hóa doanh nghiệp sẽ như thế nào? Quá trình chuyển đổi mà các DNNVV phải đối mặt trước xu hướng quốc tế hóa doanh nghiệp sẽ đối mặt các thách thức gì?

Trước xu hướng sẽ có một làn sóng doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài trong tương lai gần, đơn cử như trong thị trường AEC, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Robenny Corporation, phụ trách khu vực Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng việc đầu tư ra nước ngoài, kể cả những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đã phản ánh đúng xu hướng hội nhập sâu rộng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, DNNVV muốn đi ra nước ngoài, muốn quốc tế hóa, phải trả lời được các câu hỏi sau: Thứ nhất, tại sao bạn lại muốn ra nước ngoài? Tại sao bạn lại chọn đất nước/thị trường này để đầu tư?

Thứ hai, bạn muốn đầu tư theo mô hình nào? Thứ ba, tiền bạn có là bao nhiêu? Thứ tư, ai là người điều hành công việc kinh doanh cho bạn ở thị trường mới hay bạn sẽ thuê công ty quản lý hộ? Thứ năm, bạn đã tham khảo, biết gì về luật thuế của thị trường mới này chưa?

Thứ sáu, nhân sự, bảo hiểm… bạn đã chuẩn bị như thế nào? Một khi doanh nghiệp trả lời một cách thẳng thắn, không giấu giếm, trúng trọng tâm những câu hỏi trên thì chắc chắn các lộ trình tiếp theo sẽ thuận lợi.

Ông Robert Trần nhận định sẽ có hai dạng đầu tư: Thứ nhất, doanh nghiệp đó mở văn phòng, công ty ở một thị trường mới và phát triển kinh doanh sản phẩm họ đang bán ở bản địa. Thứ hai, chủ doanh nghiệp sẽ đầu tư tiền vào một công việc kinh doanh (business) hoặc thông qua các quỹ đầu tư khác…

“Lĩnh vực tốt và thị trường tốt không thiếu. Vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải biết dấn thân, phải biết đào sâu và tìm tòi, chứ đừng nên ngại khó và sợ thất bại” – ông nói.

Các DNNVV Việt Nam nếu muốn quốc tế hóa doanh nghiệp thì phải sẵn sàng dấn thân trước hội nhập sâu rộng

Còn nhiều chông gai

Ở một góc độ khác, nói như Gs. Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp đàm phán quốc tế, thì quốc tế hóa doanh nghiệp chính là san bằng văn hóa của doanh nghiệp của mình khi so sánh với các công ty toàn cầu.

Nhưng, một thực tế hiện nay là có những doanh nghiệp Việt dù rất to, nhưng vẫn chỉ là doanh nghiệp bản địa. Theo giới nghiên cứu kinh tế, do phần lớn DNNVV Việt Nam ít có mối liên hệ với nền kinh tế thế giới nên quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp sẽ đối mặt không ít thách thức khắc nghiệt về khả năng cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa.

Cũng theo ông Robert Trần, chủ doanh nghiệp Việt thường có chung một điểm là văn hóa đại khái và làm theo phong trào, không chịu tìm hiểu một thị trường chi tiết cụ thể.

Điều này có lợi thế là “có gan làm giàu – cứ làm đại tới đâu tính tới đó”, nhưng rủi ro và thất bại cũng sẽ rất cao. Vì, khi càng tiến sâu vào, họ càng phát hiện quá nhiều thứ không lường trước được.

Các chuyên gia kinh tế cho biết thêm, một số ít chủ doanh nghiệp chịu nghiên cứu, nhưng lại tiết kiệm không chịu hỏi lời khuyên của những cố vấn chuyên nghiệp mà lại nhờ con cái đang du học hoặc người nhà kiểm tra hộ. Nói tóm lại, nếu muốn làm thì phải làm một cách bài bản.

Ngoài ra, một cản trở lớn cho các doanh nghiệp nhỏ muốn quốc tế hóa chính là nguồn vốn còn hạn hẹp, khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay trong khi việc hỗ trợ DNNVV vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Nói như ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng DNNVV chưa thụ hưởng được các chính sách này. Trong khi Nhà nước lại không thể có đủ nguồn lực để có thể hỗ trợ như ý muốn của hầu hết các DNNVV.

Xét cho cùng, nếu thiếu các công cụ trợ giúp thiết thực cho các DNNVV, việc hướng đến chiến lược “quốc tế hóa” doanh nghiệp cũng còn nhiều chông gai. Nhưng bản thân các doanh nghiệp nhỏ nếu thực sự muốn bước vào xu hướng này cũng phải tự nỗ lực chuyển mình, tự tìm cho mình một bệ phóng mới chứ không thể chỉ trông chờ chính sách hỗ trợ.

 

Nguồn tin: TBKD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 228

Máy chủ tìm kiếm : 21

Khách viếng thăm : 207


Hôm nayHôm nay : 47712

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 880169

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44247854



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach