12:47 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Chuyên gia: Cải cách chính sách để thúc đẩy kinh tế

Thứ năm - 06/12/2012 06:39
Các chuyên gia cho rằng cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách thể chế, chính sách, và cần một “cuộc đổi mới lần hai” để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phát biểu trong hội thảo “Thể chế và vai trò của thể chế trong phát triển kinh tế tại Việt Nam”, do Đại học Kinh tế - Luật, tổ chức ở TPHCM ngày 5-12, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Luân, Đại học Kinh tế - Luật, lấy ví dụ về Luật Thuế thu nhập cá nhân để nói về chất lượng của xây dựng chính sách. Theo ông, cho dù nâng lên mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng/tháng, thì luật này cũng sẽ nhanh chóng lạc hậu.

Ông Luân cho rằng dù trong thời gian qua, nhiều chính sách và quy định được ban hành, nhưng kèm với đó là nỗi lo về chất lượng của các chính sách và quy định đó. Chẳng hạn, việc phân quyền cho địa phương quá nhiều trong một số lĩnh vực dẫn đến việc các tỉnh thành đều quyết liệt trong đầu tư một cách dàn trải, dẫn đến sự lãng phí trong đầu tư công, mà hiệu quả kinh tế thì rất thấp.

Từ đó, ông Luân cho rằng cần phải đổi mới tư duy thêm một lần nữa mới có thể tái cơ cấu thành công nền kinh tế.

Một ví dụ được một chuyên gia khác đưa ra là nghị định 69/2009/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Sự ra đời của nghị định này đang làm khó các doanh nghiệp bất động sản, và cho đến nay như thế nào là xác định giá đất theo giá thị trường vẫn chưa được giải quyết. Điều này khiến cho hàng ngàn hồ sơ thuế nằm ở cục thuế mà không thể giải quyết được.
“Doanh nghiệp phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả nhưng những người ra chính sách này không ai phải chịu trách nhiệm cả”, ông bình luận.

Vị chuyên gia này cho rằng cần phải ràng buộc trách nhiệm của người hoạch định chính sách, một khi chính sách đó không hiệu quả.

“Nếu ràng buộc người hoạch định chính sách với trách nhiệm, chẳng hạn như nếu sai thì phải bồi thường, thì khi đó, những người ra chính sách sẽ cẩn trọng hơn trong ban hành các văn bản pháp luật”, ông nói.

Một trong những chủ đề được bàn thảo nhiều trong hội thảo là vai trò của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo ý kiến của các chuyên gia đã đến lúc Chính phủ cần mạnh dạn trong việc giải thoát khỏi vai trò “chủ đạo” của các DNNN, khi mà trong thời gian qua, những bất cập của khối doanh nghiệp này đã bộc lộ rõ, và vai trò điều tiết nền kinh tế đã bị phá sản.

Đổi mới tư duy, vì vậy được coi là vấn đề then chốt, và có thể tạo điều kiện tăng trưởng cho nền kinh tế, và tiêu diệt được tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm”, ông Luân nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, trường Đại học Kinh tế - Luật, hiện nay, số lượng DNNN còn lại 1.309 doanh nghiệp và 1.900 doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối.

“Lộ trình cổ phần hóa mà chính phủ đặt ra là đến năm 2015 sẽ hoàn tất việc cổ phần hóa hơn 1.000 doanh nghiệp này, điều đó có nghĩa là mỗi năm sẽ có trung bình 327 doanh nghiệp được cổ phần hóa”, ông Phát nói.

Tốc độ cổ phần hóa DNNN trong vài năm gần đây trở nên chậm lại do khó khăn của nền kinh tế. Vì thế, trong ba năm tới, việc cổ phần hóa hơn 1.000 doanh nghiệp là một nhiệm vụ không dễ.
Theo đánh giá của ông Luân, hiệu quả của việc cổ phần hóa còn rất thấp, và trong rất nhiều trường hợp, các tài sản của nhà nước đã bị biến thành tài sản cá nhân.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, cải cách DNNN, cùng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần phải thực hiện quyết liệt khi nền kinh tế đang chuyển qua sân chơi cơ chế thị trường, vì thế luật chơi và cách chơi cũng phải khác.

Nguồn tin: TBKTSG Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 138

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 129


Hôm nayHôm nay : 42173

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 981625

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44349310



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach