22:20 EDT Thứ hai, 18/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Một gợi ý gọi vốn cho nông nghiệp quy mô nhỏ

Thứ tư - 15/06/2016 00:17
Xin kể một câu chuyện nhỏ. Một người trồng 5 héc-ta lúa. Hơn 500 triệu đồng gom góp, vay mượn khắp nơi được đổ vào cánh đồng lúa và đàn vịt giống. Sau 3 tháng 15 ngày, lúa sẽ được gặt và sản phẩm được đưa ra thị trường. Trong quá trình canh tác, anh này nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể nuôi thêm cá, làm giàn trồng hoa màu dọc theo bờ đê để tạo thêm việc làm cho bà con nông dân ở quê ngay trên cánh đồng của mình.

Làm một bài tính, anh cần 100 triệu để thực hiện kế hoạch. Dĩ nhiên càng sớm càng tốt vì đất thì luôn sẵn sàng giúp người. Người có thể làm biếng chứ đất thì không. Ngặt nỗi, vốn cạn, chỉ đủ cầm chừng hoạt động đến lúc thu hoạch, đào đâu ra 100 triệu. Lúa mới được 45 ngày, còn 60 ngày nữa mới đến ngày gặt.

Với 5 ha lúa, vì anh canh tác theo phương pháp hữu cơ nên năng suất sẽ chỉ tầm 4 tấn/ha, dự kiến cánh đồng sẽ cho 20 tấn thóc, quy ra tương ứng hơn 10 tấn gạo. Mỗi ký gạo được bán với giá 25.000 đồng, doanh thu đạt được chừng 250 triệu đồng.

Nếu trích ra 40% trên tổng doanh thu dự tính trong tương lai, anh có đủ khoản vốn để nuôi thêm cá và trồng thêm hoa màu.

Nhưng làm sao biến doanh thu tương lai thành nguồn vốn hiện tại? Giải pháp có thể nghĩ đến là huy động vốn từ khách hàng. Tức là, anh sẽ ký hợp đồng hoặc một cam kết, theo đó, khi thu hoạch, anh sẽ giao gạo cho khách hàng, và đổi lại, khách hàng sẽ đặt cọc trước một lượng tiền nhất định.

Giải pháp này không mới nhưng khả thi. Và ở một khía cạnh nào đó, hoạt động của ngân hàng cũng tương tự như vậy.

Gần hơn là câu chuyện huy động vốn từ cộng đồng để xuất bản sách. Tuy nhiên để sát sườn hơn với lĩnh vực nông nghiệp, xin lấy một ví dụ cụ thể về trường hợp chăn nuôi vịt biển của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.

Việc chăn nuôi đòi hỏi tốn nhiều chi phí cho con giống và đặc biệt là thức ăn. Cá nhân ông Vươn nói riêng cũng như những nông dân nhỏ lẻ nói chung sẽ không kham nổi chi phí này, nên ông Vươn đã ứng trước vốn từ cộng đồng, từ những người quan tâm đến sản phẩm của ông.

Trong câu chuyện trao đổi cùng người viết nhân chuyến công tác tại TPHCM, anh Hồng Nguyễn - người sáng lập dự án Ngân hàng Vịt Biển, kiêm phụ trách hỗ trợ gọi vốn từ khách hàng cho ông Vươn - cho biết, trong tháng 5 vừa qua, sau khi gọi vốn cộng đồng, dự án vịt biển của ông Vươn đã có được gần 120 triệu đồng trong vòng 10 ngày từ 8 khách hàng, gồm có các cá nhân, cửa hàng thực phẩm sạch và một nhà xuất bản sách - Nhà xuất bản này có nhã ý hỗ trợ ông Vươn, đổi lại họ có vịt và trứng để tặng nhân viên. 

Để việc gọi vốn thành công, theo anh Hồng Nguyễn, bốn yếu tố cần lưu ý là: 1. Uy tín của người gọi vốn; 2. Sản phẩm tốt hoặc được các cửa hàng mong đợi; 3. Mức góp vốn không quá lớn để khách hàng sẵn lòng đóng góp; và cuối cùng, 4. Cần có một hợp đồng hoặc thỏa thuận để đem lại sự yên tâm cho khách hàng.

Gọi vốn như nêu trên, về bản chất là những hợp đồng trả trước từ phía khách hàng, là một câu chuyện không mới. Tuy vậy, với những người trước giờ chỉ chuyên sản xuất, hoặc những bạn trẻ mới bước vào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại là một câu chuyện mới. Và trong trường hợp này, sự thành công từ dự án vịt biển là một điều khích lệ và đáng tham khảo.

Quay lại câu chuyện của người anh trồng lúa đầu bài, anh có thể chọn vốn góp từ từng khách hàng nhỏ, cũng có thể chọn góp vốn từ các đại lý như trường hợp vịt biển.

Nếu mỗi khách hàng ứng trước 250.000 đồng cho 10 kg gạo, anh sẽ ký thỏa thuận với 400 khách hàng khác nhau. Nếu chọn đại lý, mỗi đại lý ứng trước 10 triệu, anh sẽ chỉ phải làm việc cùng 10 đại lý. Anh có thể chọn một trong hai, hoặc chọn kết hợp cả hai giải pháp.

Dù giải pháp nào đi chăng nữa thì uy tín của anh và những ràng buộc thỏa thuận để đem lại sự yên tâm cho khách hàng luôn là đều bắt buộc phải có.

Ở đây, bàn rộng hơn một chút, ngoài việc giúp vốn cho người làm nông nghiệp nhỏ có điều kiện phát triển, việc gọi vốn trước từ khách hàng còn có hai ý nghĩa khác rất quan trọng.

Thứ nhất, những ai tiếp xúc với nông dân đều biết, trong nhiều trường hợp, người làm nông phải mua nợ tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ các đại lý. Sau khi thu hoạch, họ sẽ trả khoản nợ và một khoản lãi nhỏ tùy thỏa thuận. Có nơi không phải trả lãi thì tiền tiền bán phân trả chậm sẽ có giá cao hơn một chút so với trả tiền tươi. Chi phí cao thì giá bán sẽ cao hơn. Việc có vốn ứng trước từ khách hàng sẽ giúp người làm nông giải quyết được bài toàn này.

Thứ hai, khi người làm nông kết nối trực tiếp với khách hàng, khâu trung gian sẽ được loại bỏ dần và nhờ vậy, giá bán sẽ không bị đội lên và mối liên kết giữa người nông dân với khách hàng sẽ khăng khít hơn.

Nhìn ý nghĩa của việc gọi vốn như vậy, hi vọng bên gọi vốn sẽ tự tin hơn và bên góp vốn cũng sẽ mở lòng hơn.

AMAP - một mô hình kết nối người dùng và nông dân

Ngày 10-4-2012, tờ The Guardian có bài viết giới thiệu về AMAP, một mô hình xuất phát từ Pháp năm 2001 giúp kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và nông dân. Theo đó, người tiêu dùng sẽ đặt hàng và trả tiền trước vài tháng cho người nông dân sản xuất cho mình. 

AMAP là viết tắt của cụm từ Associations pour le maintien d'une agriculture paysanne, tương ứng với cụm từ trong tiếng Anh là Associations for the Preservation of Peasant Farming, tạm dịch: Những hiệp hội giúp bảo tồn công việc đồng áng của nông dân.

Bạn đọc quan tâm đến AMAP và biết tiếng Pháp, có thể tìm hiểu thêm ở đây:http://www.reseau-amap.org/


Nguồn tin: TBKTSG Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 261


Hôm nayHôm nay : 67152

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 924095

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 41823907



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach