01:26 EDT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Thời sự

Tại sao không chỉ xem là tranh chấp dân sự?

Thứ sáu - 06/02/2015 05:52
Về vụ ông Võ Văn Minh, một người tiêu dùng ở huyện Cái Bè, tỉnhTiền Giang, bị bắt ngày 27.1.2015, khi đòi đổi chai nước ngọt hiệu Number One, thuộc công ty Tân Hiệp Phát (công ty THP) có ruồi để lấy 500 triệu đồng đang gây xôn xao dư luận.
 

Ảnh minh họa: Internet


Vụ việc này, giới luật sư cũng có hai quan điểm trái ngược nhau. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thế Giới Tiếp Thị, quan điểm cho rằng xử lý hình sự là đúng có vẻ yếu thế hơn quan điểm người tiêu dùng có quyền đòi quyền lợi và đây chỉ là tranh chấp dân sự.
 
Can thiệp quyền công dân quá mức cần thiết
 
Đó là nhận định của rất nhiều luật sư khi theo dõi sự vụ kể trên.
 
Đơn cử, luật sư Nguyễn Tiến Tài, cho rằng: vụ án “con ruồi” gợi nhớ đến một vấn đề mang tính vĩ mô, đó là nhà nước pháp quyền dân chủ không bao giờ được phép can thiệp vào các quyền công dân mạnh hơn mức độ cần thiết để đạt được mục đích mà biện pháp quản lý đòi hỏi. Bởi nhiệm vụ tối thượng của nhà nước pháp quyền là bảo vệ quyền tự do của con người.
 
Theo đó, vụ việc giữa ông Minh và THP, hoàn toàn có thể giải quyết theo con đường dân sự nếu xảy ra tranh chấp.
 
Giả sử THP không chịu đưa tiền và bị ông Minh công khai thông tin về con ruồi có trong chai nước: THP có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản, nếu có. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc ông Minh với tư cách là người tiêu dùng công khai thông tin khi phát hiện hàng hoá, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn là phù hợp điều 9 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Hay giả sử THP đã đưa tiền và muốn lấy lại thì cũng có thể khởi kiện về hành vi đe doạ của ông Minh và yêu cầu toà án tuyên giao dịch đó vô hiệu vì bị đe doạ theo điều 132, bộ luật Dân sự (Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ). Trong trường hợp hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì số tiền đã giao phải được hoàn trả về cho THP.
 
Còn theo luật sư Nguyễn Tấn Thi, theo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường. Luật đã quy định công dân có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm để thương lượng. Những việc ông Minh trình bày sẽ làm như đem chai nước có ruồi đăng báo, phát tờ rơi để thông báo cho những người tiêu dùng khác biết… luật không cấm. Và, đã là thương lượng thì ông Minh có quyền đưa ra số tiền tuỳ ý.
 
Những lời nói của ông Minh trong trường hợp này thật ra chỉ là những lời cảnh báo hậu quả để giành lợi thế trong thương lượng chứ không phải là lời “đe doạ” theo cách hiểu của công an Tiền Giang và công ty THP. Bởi lẽ không cần “đe doạ” thì công ty THP cũng đã biết.
 
Công ty THP đã chấp nhận vào cuộc thương lượng, có nghĩa là phương án giải quyết theo luật Dân sự, luật Thương mại và luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được lựa chọn. Và như vậy, thì phải tuân thủ các quy định liên quan phương thức này.
 
Vấn đề cần bàn là hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Yêu cầu có thể không chính đáng nhưng pháp luật cho phép họ thương lượng, nghĩa là chấp nhận cho họ đề đạt yêu cầu. Công ty THP có chấp nhận hay không là quyền của THP, nếu không giải quyết thông qua thương lượng hoà giải được thì ông Minh có quyền yêu cầu toà án giải quyết.
 
Ở đây yêu cầu của ông Minh đã được THP chấp nhận và chính vì sự chấp nhận này mới phát sinh sự chi trả 500 triệu đồng.
 
Nhiều nước trên thế giới không hình sự hoá
 
Tuy đang du học ở Mỹ nhưng khi theo dõi sự việc “con ruồi”, Phương Nguyễn đã gửi thư cho Thế Giới Tiếp Thị, chia sẻ: Ở Mỹ, việc dàn xếp được xem là quan hệ dân sự. Luật pháp Mỹ rất nghiêm với hành vi tống tiền hoặc đe doạ nhưng vẫn cho phép “đặc quyền dàn xếp”, những lời hăm dọa trong suốt quá trình dàn xếp pháp lý sẽ không cấu thành tội danh tống tiền. Một lời đe doạ như: “Nếu anh không bồi thường (tiền) cho tôi, tôi sẽ đưa việc này ra công chúng; khi đó công ty các anh sẽ thân bại danh liệt” là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, lời đe doạ kiểu: “Nếu anh không dàn xếp với tôi, tôi sẽ đốt trụi công ty các anh” là không được phép vì đó là một lời đe doạ tấn công (và đây là tội danh khác, cũng không liên quan đến tống tiền).
 
Và theo Phương Nguyễn, những vụ việc kiểu “con ruồi” kể trên, ở Mỹ phần thắng luôn thuộc về người tiêu dùng sau dàn xếp, miễn người tiêu dùng không dùng lời lẽ mang tính khích động như đốt nhà, đốt xe…
 
Luật pháp ở các nước phương Tây cũng tương tự. Cụ thể, tháng 1.2009, Stephen Forse ở Oxfordshire (Anh) mua một ổ bánh mì sandwich từ cửa hàng online Tesco và sau khi ăn một vài lát bánh, ông phát hiện xác một con chuột. Stephen Forse khiếu nại và hãng Premier Foods, nơi sản xuất “ổ bánh chuột” bị phạt 5.500 bảng Anh và phải bồi thường riêng cho ông Forse 11.109,47 bảng Anh.
 
theo Thủy Cúc (báo Thế Giới Tiếp Thị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 255

Máy chủ tìm kiếm : 26

Khách viếng thăm : 229


Hôm nayHôm nay : 34138

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 866595

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44234280



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach