16:43 EDT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Trung thực tạo ra nông sản sạch

Thứ sáu - 18/12/2015 19:58
Câu lạc bộ (CLB) Người bán hàng số 1, các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản từ TP.HCM và các tỉnh vừa trực tiếp gặp gỡ các nông dân sản xuất nông sản sạch tuần qua tại Vĩnh Long.
Diện tích trồng rau màu ở Vĩnh Long khá lớn so các tỉnh miền Tây (47.799ha), trên 40. 880ha trồng cây ăn trái. Các nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã phần lớn thiếu vốn và thiếu liên kết. Liên kết theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới bắt đầu hình thành và thực sự hữu hiệu khi trồng theo quy trình an toàn cho người tiêu dùng và được tiêu thụ thông qua các hoạt động kết nối cung cầu.



Các tiểu thương CLB Bán hàng số 1 chú ý tới nhóm hàng đặc sản truyền thống của Vĩnh Long

Cuộc gặp gỡ có trên 200 nhà sản xuất thuộc các tổ chức hợp tác, cơ sở sản xuất tham dự 22 đơn vị trực tiếp trưng bày giới thiệu sản phẩm.


Tại cuộc gặp gỡ này, các tiểu thương CLB Người bán hàng số 1 TP.HCM bàn cách lập quầy rau an toàn tại chợ, bên cạnh bán hàng trên mạng và cung cấp nguồn rau, củ, quả cho trường học. Làm sao giá bán, số lượng, chủng loại rau củ quả ổn định? Bởi một số nguồn cung cấp của bà con, do qua hai trung gian từ người thu gom vận chuyển giao nhận tại TP.HCM, nên lên tới các chợ ở TP.HCM, giá cao và luôn thay đổi. Đó là hai vấn đề đang đặt ra khi tiêu thụ nguồn rau sạch ở miền Tây, trong đó có Vĩnh Long.


Thêm nhiều mối nối


Trung tâm đào tạo nghề nấu ăn Tây Đô (Cần Thơ) tự nguyện đưa một êkíp trực tiếp chế biến những nguyên liệu sạch thành bữa tiệc tự chọn dành cho nông dân.


Bà Lê Thị Hồng Dung, giám đốc trung tâm đào tạo nghề nấu ăn Tây Đô, nói: “Chúng tôi tự nguyện tham gia vào tác nhân chuỗi làm ra món ăn có giá trị tăng thêm, điều mà lâu nay người ta bỏ quên”. 15 người tự nguyện chuẩn bị cho bữa tiệc, trong đó có nhiều bếp trưởng – thành viên CLB Sáng tạo khởi nghiệp từ nghề bếp Phương Nam – tham gia để cùng khích lệ nông dân làm hàng sạch.


Qua hai lần kết nối các hợp tác xã, các hộ trồng rau ở miền Tây với tiểu thương TP.HCM (ngày 10.8.2015 tại hội trường BSA) và chợ phiên Nông sản sạch vào các ngày 12 – 13.9.2015 tại nhà triển lãm TP.HCM , bà Lê Thị Hồng Tâm, phụ trách phiên chợ Nông sản sạch thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhận xét: “Thị trường thành phố đang dần chấp nhận mặt hàng nông sản sạch với giá cao hơn rau thông thường từ 30 – 60%. Người tiêu dùng tin vào các giấy chứng nhận VietGAP. Các tiểu thương đã tự đem máy đo nitrat vào kiểm chứng, cả hai lần các hợp tác xã đều không đủ hàng bán dù lần sau lượng rau chở lên gấp năm lần so phiên thứ nhất”.


Hệ thống HORECA cũng đã chấp nhận hàng sạch từ miền Tây. Nhà hàng Quang Thảo đã thoả thuận với nhà cung cấp tiêu của Pitco, tương hột Phước Khang, dưa kiệu của Đồng Tháp và rau sạch của Phước Hậu Vĩnh Long. Một số tiểu thương của quận 7 đồng ý lập quầy chuyên bán rau sạch. Nhà hàng Kim Đô đang tìm hiểu năng lực cung ứng và giá cả.


Củng cố lòng tin


TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, cục Bảo vệ thực vật, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã trao chứng nhận mã số vùng trồng cho các sản phẩm của các tổ hợp tác nhãn tiêu da bò Tân Hạnh, nhãn xuồng cơm vàng An Bình, Hoà Lợi, xoài xiêm núm xã Quới An, xã Trung Chánh, hợp tác xã chôm chôm JAVA Bình Hoà Phước. Sáu hợp tác xã đại diện được cấp mã số đủ điều kiện vào những thị trường “ khó tính” như Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...


Vùng nguyên liệu được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP của Vĩnh Long và đồng bằng sông Cửu Long còn ít, chứng nhận mất nhiều công sức và tốn phí. Chính vì vậy để thực hiện chương trình xúc tiến vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc, New Zealand một cách hiệu quả và ít tốn kém nhất, TS Đạt nói: “Chúng tôi chỉ yêu cầu nông dân thực hiện quy trình VietGAP, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, bảo đảm cách ly đúng quy định, có sự giám sát và chứng thực của địa phương là được”.


Mười năm thực hiện chương trình này, TS Đạt tự tin nói: “Chưa có lô hàng nào qua Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… bị than phiền. Quan trọng nhất là sự trung thực của người trồng, nhà cung cấp. Do đó, chúng tôi kêu gọi nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì sự tự giác sản xuất theo quy trình an toàn này, dưới sự giám sát của chính quyền. Thời gian tới chúng tôi sẽ cấp rất nhiều mã số cho những doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo quy trình an toàn như sáu hợp tác xã, tổ hợp tác đã nói trên”.


Làm hàng sạch, an toàn cho người tiêu dùng tại Vĩnh Long, không chỉ để dễ bán, được giá, mà đang trở thành cuộc vận động thể hiện đạo đức trong sản xuất kinh doanh.         
 
bài, ảnh Hoàng Lan
theo tiepthithegioi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 88

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 85


Hôm nayHôm nay : 42465

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 986460

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44354145



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach