03:21 EDT Thứ tư, 15/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Dòng chảy hàng Việt

Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt

Chủ nhật - 09/10/2016 20:50
Chiều 7/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt”. Đây cũng là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2016 với chủ đề “Thực phẩm – nông sản sạch” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC).

Đây cũng là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2016 với chủ đề “Thực phẩm – nông sản sạch” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC) phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (TTXTTMNN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức trong các ngày 6 - 9/10/2016.

 
Hội thảo khẳng định sự cần thiết ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp Việt hiện nay (Ảnh: Minh An)
 
Tại hội thảo, đông đảo các chuyên gia kinh tế, các chủ doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và các nhà nghiên cứu nông nghiệp đều nhất trí rằng, Việt Nam có năng lực cạnh tranh quốc gia mạnh trong hoạt động sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Điều này thể hiện ở vị trí dẫn đầu của Việt Nam ở nhiều mặt hàng khác nhau. Có thể thấy, trải qua 30 năm đổi mới (1986 đến nay), nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển nhanh, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tự tin bước vào hội nhập thị trường nông sản quốc tế. Nhiều mặt hàng nông sản có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới... Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, phát triển nông thôn, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
 
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản nước ta vẫn còn rất thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thấp. Đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta đều dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Chất lượng của hàng nông sản Việt Nam thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường; Thiếu nguồn thông tin về thị trường xuất khẩu cũng như xu hướng tiêu dùng tại một số thị trường cụ thể.
 
Thêm nữa, năng lực tìm kiếm thị trường của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp còn yếu; dự báo thông tin giá cả thiếu chính xác, đặc biệt doanh nghiệp luôn lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh mà bỏ quên người nông dân, người trực tiếp làm ra sản phẩm. Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nông sản Việt Nam…
 
Theo đánh giá, phân tích của các đại biểu, thực trạng đó cho thấy hơn bao giờ hết, cần đẩy nhanh và mạnh ứng dụng các công nghệ mới, kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT, Úc thì “công nghệ cao trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến nhất, mắc tiền nhất hay nổi tiếng nhất mà là công nghệ mang lại chất lượng tốt nhất, an toàn nhất với giá rẻ nhất để thỏa mãn yêu cầu của thị trường”. Do đó, GS.TS Vọng cho rằng, nền nông nghiệp trong nước cần tập trung triển khai hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, sản xuất, thu hoạch, vận chuyển tiến tới các khâu an toàn sau thu hoạch (bao bì, bảo quản) rồi tiêu thụ…


 
Việc nâng cao nghiên cứu, lai chọn tạo các loại giống mới cũng cần được đẩy mạnh (Ảnh: Minh An)
 
Trong bối cảnh hiện nay, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới được coi là khâu then chốt, góp phần đạt năng suất cao, chất lượng tốt, sạch – an toàn mà giá cả hợp lý bảo đảm sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trong nước. Phân tích về sự cần thiết ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới nói trên, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc Rynan Agrifoods, Chủ tịch của LBC Mekong đã chỉ ra một số công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại như: sử dụng phân bón thông minh; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và internet vạn vật trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để theo dõi chất lượng đất, nước, phân bón nhằm mục đích quản lý, phân phối và giảm khí nhà kính hiệu quả hơn; ứng dụng công nghệ đóng gói bao bì cải tiến (MAP) và khí cải tiến cân bằng (EMAP) để giảm lượng hư hỏng nông sản, thực phẩm; giảm tầng lớp trung gian, phát triển thương mại điện tử và hệ thống bán hàng tự động để phân phối nông sản và thực phẩm; ứng dụng internet và thiết bị di động để truy xuất nguồn gốc, chống giả, thông tin sản phẩm và thanh toán trực tuyến…
 
Trong khuôn khổ Hội thảo, công ty Rạng Đông cũng giới thiệu một số mô hình chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao trên cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả đáng khích lệ, đơn cử như: chiếu sáng nhân giống nuôi cấy mô, chiếu sáng trên hoa cúc, thanh long, trồng rau trong nhà, nuôi trồng tảo xoắn Spirulina…
 
Có thể thấy, cùng với việc đồng bộ các giải pháp để gia tăng cạnh tranh nông sản Việt, việc ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới thực sự cấp thiết, góp phần giảm công lao động cho người nông dân, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, tập trung cải tạo, phát triển các loại giống có năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và thực hiện đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã cổ phần nông nghiệp, qua đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Có chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (giống cây trồng và vật nuôi, kể cả những giống có gien chuyển đổi thích nghi với điều kiện canh tác khắc nghiệt của nông dân vùng sâu, vùng xa); công nghệ sau thu hoạch…/.
Theo Lê Anh (ĐCSVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Các sáng lập viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 216

Máy chủ tìm kiếm : 11

Khách viếng thăm : 205


Hôm nayHôm nay : 27283

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 924623

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44292308



thiet ke ho ca koi mai hien di dong cong ty to chuc su kien thang may tai hang thang mang tai khach